Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

29 Tháng Ba 2024

Xung quanh việc xuất hiện "ngôi chùa" không phép ở Nghệ An: Ai đã lén lút xây dựng mà chính quyền không biết?

Thứ Hai 17/08/2020 | 11:52 GMT+7

VHO- Như Văn Hóa online đưa tin, một “ngôi chùa” mới xuất hiện ở thôn Tân Thành, xã Quỳnh Lập (thị xã Hoàng Mai-Nghệ An). Nhiều người dân gọi đây là “chùa Bà”, còn Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lập thì nói đây là “chùa Thông”.

 Pho tượng và tm bia Chú đại bi

 Chúng tôi vừa tiếp cận thôn Tam Hợp (cũ), nay là thôn Tân Thành thuộc địa phận xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai để tìm hiểu xung quanh dư luận bày tỏ sự nghi ngại về một “ngôi chùa” mới được lén lút dựng lên nơi đây.

“Họ lén lút làm trong đêm”

Thôn Tân Thành nằm ven bờ biển, khuất sau những vùng rừng thông, cách UBND xã Quỳnh Lập chừng 4 km. Cạnh khu nghĩa trang của một dòng họ ở địa phương trên đồi thông có một “ngôi chùa” trông như chùa dã chiến. Ngôi chùa nhỏ, diện tích khoảng 40m2 nằm trong khuôn viên rộng hàng trăm mét vuông. Mái chùa lợp tôn đỏ, xung quanh xây tường, trên tường thưng vách bằng tôn. Cửa chùa cũng bằng tôn, khoá kín. Liền nơi cửa chùa dựng một tấm bia bằng gỗ dán, đề chữ “Chú đại bi”. Cạnh tấm bia là tượng Phật sơn vàng, toạ trên đế sen đúc bằng betong.

Cổng chùa cũng dã chiến bằng những thanh tre khô, khép lại. Theo lối cổng vào, thấy sân chùa bằng đất, bày biện lư hương, tượng Phật mã trắng màu xi măng.

Một số người dân bán hàng quán ven biển kể ngôi chùa xuất hiện cách đây chừng 5 tháng. “Chùa có gốc tích như thế nào không rõ. Gần đây thấy có một ông chủ ở trong Nam ra cho dân ít tiền để làm chùa. Ngày rằm hằng tháng có mấy chục người dân địa phương ra đây thắp hương”, một người dân cho hay. Tại UBND xã Quỳnh Lập, chúng tôi trao đổi về xuất xứ “ngôi chùa” này với ông Nguyễn Văn Nho, Chủ tịch xã. Lúc đầu ông Nho nói ở xã chỉ có một chùa Mộc Thông ở trong một khu đồi thôn Tân Minh thuộc vùng làng Đông Hồi, bên quốc lộ 48D. Chùa đã phế tích từ mấy chục năm nay. Ngoài ra không có chùa nào khác. Khi chúng tôi đưa hình ảnh “chùa Bà” ra thì ông Nho cho biết: “Đây là chùa Thông, ở thôn Tân Thành”.

Trả lời về xuất xứ “ngôi chùa” này, ông Nho thú thật: “Giữa tâm dịch mùa Covid-19 đợt trước, có một người tên Mẫn ở trong Nam đi cùng một người tên Tùng, công tác ở trong tỉnh ra đây đề xuất việc đầu tư xây dựng ngôi chùa. Chúng tôi nghĩ mục đích của hai người này là muốn lấy đất ven biển làm du lịch gì đó nên cũng phân vân. Vì thế, hai người này xin làm việc với tập thể thường vụ Đảng uỷ xã. Sau đó, họ lên gặp Bí thư Thị uỷ Hoàng Mai lúc đó là anh Võ Văn Dũng. Vào khoảng tháng 3 vừa rồi, họ làm lén lút trong đêm”.

Bên trong khuôn viên ngôi chùa

“Mọi hoạt động diễn ra tại đây đều trái phép”

Để nắm được rõ hơn thông tin này, chúng tôi đã trao đổi tiếp với lãnh đạo Thị uỷ Hoàng Mai về sự xuất xứ mờ ám của “ngôi chùa” dã chiến. Tân Bí thư Thị uỷ Hoàng Mai Lê Trường Giang (vừa thay thế ông Võ Văn Dũng, đã chuyển công tác) lộ vẻ bất ngờ. Ông Giang nói: “Thường trực Thị uỷ sẽ giao lãnh đạo xã Quỳnh Lập giải trình chân thực vụ việc. Nếu sai và nếu là chùa giả chúng tôi sẽ có hình thức xử lí theo đúng quy định của pháp luật. Tất cả vì mục đích bảo vệ sự tôn nghiêm tín ngưỡng tôn giáo không chỉ riêng ở thị xã Hoàng Mai”.

Cuối tuần qua, chúng tôi cũng đã trao đổi tiếp vụ việc này với sư thầy Thích Minh Hải, Chánh Văn phòng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo VN tỉnh Nghệ An, kiêm trưởng Ban Trị sự huyện Quỳnh Lưu. Thầy Thích Minh Hải nói: “Tuy không phụ trách lĩnh vực này ở thị xã Hoàng Mai nhưng với tư cách là Chánh Văn phòng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo VN tỉnh Nghệ An, tôi khẳng định rằng không có một cơ sở thờ tự Phật giáo nào ở thị xã Hoàng Mai. Mọi hoạt động diễn ra tại đây đều trái phép. Riêng ở Bệnh viện Phong-Da liễu Trung ương ở xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai có một phòng nhỏ dành cho bệnh nhân cầu kinh, niệm Phật mà thôi”.

Ông Nguyễn Văn Long, Phó ban Tôn giáo thuộc Sở Nội vụ Nghệ An cho hay: “Chúng tôi có biết “tác giả” của “ngôi chùa” này là ông Mẫn (tự xưng là một doanh nghiệp ở TP.HCM và bà Tâm chuyên bán đồ phong thuỷ ở TP Vinh). Nhưng việc xây dựng chùa này là hoàn toàn trái phép. Cho đến nay, chúng tôi chưa nhận được bất kỳ một văn bản nào đề nghị xây dựng chùa ở xã Quỳnh Lập của tổ chức Giáo hội Phật giáo trên địa bàn và các cơ quan chức năng. Việc xây dựng chùa ở đây là không đúng quy định”.

Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi vụ việc và trở lại trong những số báo sau. 

Chúng tôi có biết “tác giả” của “ngôi chùa” này là ông Mẫn (tự xưng là một doanh nghiệp ở TP.HCM và bà Tâm chuyên bán đồ phong thuỷ ở TP Vinh). Nhưng việc xây dựng chùa này là hoàn toàn trái phép. Cho đến nay, chúng tôi chưa nhận được bất kỳ một văn bản nào đề nghị xây dựng chùa ở xã Quỳnh Lập của tổ chức Giáo hội Phật giáo trên địa bàn và các cơ quan chức năng. Việc xây dựng chùa ở đây là không đúng quy định.

(Ông NGUYỄN VĂN LONG, Phó ban Tôn giáo thuộc Sở Nội vụ Nghệ An)

 VŨ TOÀN

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top