Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

28 Tháng Ba 2024

Nhạc chế, xu hướng hay nhất thời?

Thứ Sáu 24/07/2020 | 11:14 GMT+7

VHO- Nhắc đến nhạc chế, chưa bàn đến chuyện hay - dở nhưng rõ ràng thể loại này đang có một lượng khán giả nhất định và tạo thành một “làn sóng” trong thị trường âm nhạc Việt hiện nay. Nhiều sản phẩm liên tiếp lọt top thịnh hành trên YouTube, thậm chí là cạnh tranh thứ hạng với các MV ca nhạc chính thống.

 Di Di thành công với chuỗi nhạc chế cổ tích

Nếu như trước đây, nhạc chế chỉ là những phiên bản lời hát được viết dựa trên nền nhạc và giai điệu của ca khúc gốc, thì giờ đây, sản phẩm nhạc chế đã được đầu tư công phu hơn rất nhiều, sản xuất không thua kém một MV chuyên nghiệp.

Dễ làm và cũng dễ sai

Nhạc chế đã có từ lâu, tuy nhiên mãi đến khi YouTube trở nên phổ cập và trở thành địa chỉ giải trí của đông đảo khán thính giả thì các MV nhạc chế mới thật sự trở thành “hiện tượng”. Có thể kể đến những cái tên đang “gây bão” gần đây trong làng nhạc chế như: Thiên An, Hậu Hoàng, Di Di, Đỗ Duy Nam, Trung Ruồi, Vanh Leg…; mỗi kênh có một phong cách khác nhau, tuy nhiên đều hướng đến đối tượng khán giả trẻ. Từ ngữ trong các bản nhạc chế thường đơn giản, đời thường, dễ tiếp nhận và gần gũi. Bởi thế, các MV nhạc chế luôn có tính giải trí cao, hài hước và đôi khi là sự châm biếm. Có lẽ, đây chính là những điểm cộng để các sản phẩm nhạc chế thu hút khán giả cũng như mang về lượt xem khủng, từ triệu “view” cho đến trăm triệu “view”, một con số mà nhiều nghệ sĩ mơ ước.

Tuy nhiên, nhiều người lại cho rằng, nhạc chế có vui, có bất ngờ và mang lại tiếng cười cho khán giả, nhưng đôi khi là tiếng cười dễ dãi, hời hợt, thậm chí là cười nhảm. Đa phần khán giả thích nhạc chế thường là những người trẻ và có nhiều thời gian nên các sản phẩm nhạc chế dễ dàng có lượt xem cao, lọt vào danh sách thịnh hành. Bên cạnh những sản phẩm nhạc chế có chất lượng thì vẫn tồn tại nhan nhản những MV lố lăng, phản cảm. Chính yếu tố hài nhảm đã gây biến tướng, méo mó trong việc chế lại lời của các ca khúc nguyên tác, đôi khi đi quá xa “giới hạn”. Bài hát Tiếng chày trên sóc Bom Bo đã bị chế lời khá thô thiển: “Hết tiền tiêu người yêu anh cũng bán. Bán năm trăm để lấy tiền tiêu, tiền tiêu xong lại nhớ đến người yêu. Ở đợ ba năm về chuộc người tình...”. Ca khúc Huyền thoại mẹ của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng bị chế lời rất phản cảm: “Đêm chong đèn ngồi đếm bạc, tờ năm chục màu xanh, mẹ cầm súng đứng canh, con cầm dao ngồi cạnh, đừa nào vô thì khó chạy, mẹ là mẹ của ta…”. Thậm chí, những từ ngữ tục tĩu cũng được các “tay chế” tận dụng triệt để để gây ấn tượng.

Dễ vi phạm bản quyền

Đặc biệt, vấn đề bản quyền cũng luôn được nhắc đến trong các sản phẩm nhạc chế. Có tới hàng nghìn bản nhạc chế đang tràn lan trên mạng xã hội, thế nhưng không phải bài hát nào cũng được sự đồng ý từ tác giả của ca khúc gốc. Thậm chí, các ca khúc quen thuộc bị sửa lại bằng ca từ mới vẫn được biểu diễn trong một số chương trình mà tác giả không hề hay biết. Ca sĩ Tuấn Hưng và nhạc sĩ Hồng Thuận đã từng cảnh cáo “hiện tượng mạng” Hoa Vinh vì chế lời bài hát Độc thoại mà không xin phép.

Rất ít ca khúc được người sử dụng xin phép trước khi thay đổi lời mới, ca từ mới, nếu có thì chủ yếu để dùng trong các đoạn quảng cáo mang mục đích thương mại. Điểm qua các video nhạc chế, ta sẽ thấy chỉ có một số ê-kíp chú thích bài hát gốc và tác giả bản nhạc gốc trong sản phẩm nhạc chế của mình. Do vậy, bản quyền là một vấn đề quan trọng cần được tác giả, cơ quan chức năng và các tổ chức bảo hộ quyền tác giả lưu tâm trong xử lý, lưu hành, cấp phép biểu diễn cho các ca khúc nhạc chế. Không chỉ bảo bệ quyền lợi của người sáng tác, đây còn là điều kiện tiên quyết để nhạc chế kém chất lượng không còn cơ hội tràn lan trên thị trường. Bên cạnh đó, việc thay đổi ca từ cho sản phẩm phái sinh như thế nào để vừa phù hợp, vừa tôn trọng giá trị của tác phẩm gốc, vừa bảo đảm các giá trị tư tưởng - thẩm mỹ mà nguyên tác vốn chuyển tải cũng là điều cần được tính toán cẩn trọng và quan tâm đúng mức.

Thế nhưng, cũng không thể phủ nhận rằng nhiều MV nhạc chế hiện nay thật sự có chất lượng và được giới chuyên môn đánh giá cao, đặc biệt là những ca khúc cổ động cả nước phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian vừa qua. Bởi lẽ, những sản phẩm đó mang ca từ phù hợp, ý nghĩa, tôn trọng bản gốc, không có yếu tố hài nhảm, không vi phạm bản quyền. Điều này cho thấy, nếu đi đúng hướng thì nhạc chế sẽ thật sự phát triển và ngược lại, nếu nghệ sĩ cứ chạy theo trào lưu “câu view” vì cái lợi trước mắt, thì sớm muộn nhạc chế cũng sẽ lụi tàn.

Tạo ca từ mới cho ca khúc có thể đáp ứng yêu cầu giải trí tức thời cũng như yêu cầu thương mại, mang lợi ích kinh tế đến cho nhiều phía, song về lâu dài, việc làm này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng cảm thụ nghệ thuật của công chúng. Do đó, để biến nhạc chế trở thành loại hình giải trí có giá trị và văn minh trong mắt công chúng, đòi hỏi những người làm nhạc cần phải cố gắng nỗ lực và nghiêm túc hơn nữa trong việc làm nghề. 

 HỒNG HẠNH

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top