Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

29 Tháng Ba 2024

Cụ Quyên nặng duyên với bài chòi

Thứ Sáu 26/06/2020 | 11:16 GMT+7

VHO- Đau đáu trước nét văn hóa của quê hương bị lãng quên, hơn mười năm trước ông Trương Ngọc Quyên, ở phường Nam Lý (TP Đồng Hới, Quảng Bình) đã quyết tâm gây dựng, phục hồi lại hội bài chòi.

Ông Trương Ngọc Quyên, người tâm huyết với bài chòi ở phường Nam Lý

Từ đó, cứ vào dịp Tết đến xuân về, nhà văn hóa Tổ dân phố 1, phường Nam Lý lại rộn ràng tiếng trống, tiếng mõ, tiếng hô bài chòi… thu hút đông đảo người dân tham gia.

Bên hiên nhà trải dài nắng vàng tháng 6, ông Quyên (85 tuổi) cho biết, những ngày đầu bắt tay gây dựng lại hội bài chòi ở phường Nam Lý, ông gặp nhiều khó khăn. Nếu như không có sự kiên trì, chịu khó thì ông đã bỏ cuộc. Bởi nhiều người cho rằng ông bị “gàn dở”, việc của làng thì làng lo, mắc mớ chi mà ông ôm đồm “vác tù và hàng tổng” cho khổ thân. Nghe vậy, biết vậy nhưng ông Quyên tặc lưỡi bỏ qua: “Ai cũng tính toán hơn thua, ai cũng vì lợi ích cá nhân thì việc làng, việc xã ai lo. Trong khi gây dựng lại hội bài chòi có phải tốn kém nhiều lắm đâu. Ngược lại không chỉ con trẻ mà cả người già, ai ai cũng đều yêu thích”.

Người dân làng Thuận Lý xưa (nay là phường Nam Lý) rất yêu thích bài chòi. Hằng năm cứ vào ngày 25, 26 tháng Chạp, các tổ thợ mộc ở trong làng bắt đầu dựng chòi. Khoảng chục chòi được bố trí theo hình tròn, làm bằng gỗ, tre, cao chừng 1,5m, có bậc thang để người chơi lên xuống. Trước mỗi chòi có treo tên theo quy ước thập can (giáp, ất, bính, đinh, mậu, kỷ, canh, tân, nhâm, quý) hoặc đánh số từ 1 đến 10 và được trang trí cờ hoa, câu đối. Ở giữa hội chòi đặt thêm một chòi cái cho người chủ trò, nơi có cờ hiệu, cờ xéo, trống chầu... và cả phần thưởng. Theo lời ông Quyên, hội bài chòi ở làng Thuận Lý xưa diễn ra từ đêm 30 Tết đến hết ngày mồng 5 thu hút rất đông người tham gia. Bộ bài chòi ở phường Nam Lý có 30 con gồm các tên gọi khác nhau. Mỗi con bài được dán, viết trên mỗi thẻ tre và được chia đều cho 10 chòi, mỗi chòi 3 con. Ở chòi cái cũng có 30 con bài như vậy, được găm vào ống đựng cao hơn đầu người để khi vào cuộc chơi, anh hiệu rút bất kỳ tên từng con bài và hô lên…

Trải qua thời gian cộng với nhiều nguyên nhân nên hội bài chòi ở làng Thuận Lý bị mai một. Mãi đến năm 2005, khi làm công tác người cao tuổi ở tổ dân phố, ông Quyên đã bàn với các cụ cao tuổi quyết tâm khôi phục lại hội bài chòi để vừa lưu giữ nét văn hóa truyền thống, vừa tạo sân chơi bổ ích cho người dân vào dịp vui xuân đón Tết. Để có được bộ 30 con bài chòi, một mình ông Quyên đã lặn lội vào Huế, rồi đến Quảng Nam để tìm mua. Khi có được bộ quân bài, ông Quyên mừng lắm như quên đi nỗi mệt nhọc của quãng đường xa. Ngay khi trở về nhà, ông tỉ mẩn chẻ từng thanh tre vót thành thẻ bài, rồi một mình ông dán, sơn tất cả 3 bộ bài để chuẩn bị cho hội bài chòi ngày Tết năm đó.

Riêng chuyện làm chòi cũng khiến ông trăn trở. Thế nhưng trong cái khó ló cái khôn, ông Quyên tiếp tục bàn bạc với cấp ủy, ban cán sự tổ dân phố để vận động các đoàn thể, mỗi tổ chức đứng ra đảm nhiệm làm một chòi. Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ của người dân, Chi hội Người cao tuổi tổ dân phố 1 đã mua sắm thêm cờ hội, xiêng la, trống, mõ… Không chỉ vậy, trong suốt 10 năm đầu, ông Quyên chính là người đảm nhiệm việc hô bài chòi. Ông Quyên tâm sự: “Thiệt đúng là mang cực vào thân chú à. Ngày Tết, người ta đi chơi, thăm thú anh em, họ hàng, còn mình thì dính liền với hội bài chòi ở trong làng. Có những ngày hô về khản cả giọng, tuy nhiên, niềm vui mang lại cho mọi người trong dịp đầu xuân đã động viên, thôi thúc tôi tiếp tục đảm đương việc làng”.

Cùng với việc chủ trì, cầm “trịch” trong hội bài chòi, ông Quyên còn truyền đạt kinh nghiệm, phương thức tổ chức và cách chơi cho thế hệ trẻ để qua đó góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị của hội bài chòi. Đến nay, hội bài chòi ngày xuân ở phường Nam Lý đã được tổ chức hằng năm với quy mô bài bản. Ban tổ chức đã phân công trách nhiệm rõ ràng ai là người hô bài chòi, ai là anh hiệu, chạy thẻ… qua đó đã tạo không khí vui tươi, sân chơi văn hóa hữu ích trong nhân dân dịp đầu xuân.

Trải qua 85 tuổi đời, 53 tuổi Đảng, gần 50 năm tham gia công tác xã hội, ông Trương Ngọc Quyên đã có nhiều đóng góp quan trọng trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể nghệ thuật Bài chòi của quê hương. Năm 2018, ông vinh dự là đại đại biểu đoàn Quảng Bình dự lễ đón bằng ghi danh “Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” do tổ chức UNESCO trao tặng diễn ra tại tỉnh Bình Định. Cũng trong dịp này, ông được Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ - Việt Nam.

PHẠM PHÚ

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top