Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

29 Tháng Ba 2024

Trại sáng tác đầu tiên của Hội NSSK nhiệm kỳ mới:  Đâu là điểm mới?

Thứ Sáu 26/06/2020 | 11:08 GMT+7

VHO- Trại sáng tác kịch bản sân khấu 2020 do Hội NSSK VN tổ chức vừa qua là hoạt động nghề nghiệp đầu tiên của Hội trong nhiệm kỳ mới. Trại đã ghi nhận nhiều đổi mới tích cực trong cách viết, trong chính tác giả và trong đội ngũ sáng tác kịch bản trẻ kế cận...

 Cảnh trong vở “Trung thần” của Nhà hát Tuồng Việt Nam

 Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với NSND Thúy Mùi, tân Chủ tịch Hội để tìm hiểu về hoạt động này.

 P.V: Thưa bà, xin bà cho biết lý do lãnh đạo Hội chọn việc tổ chức trại sáng tác là hoạt động đầu tiên?

- NSND Thúy Mùi: Chuyện tổ chức trại sáng tác vốn là hoạt động thường niên, song với chúng tôi, hoạt động này được quan tâm trước tiên vì tác phẩm sân khấu là sự đóng góp của tập thể sáng tạo, mà kịch bản là khâu đầu tiên quan trọng nhất, bởi “có bột mới gột nên hồ”. Sân khấu cần cúhích từ kịch bản và trại sáng tác là một trong những cúhích đó.

Và trại năm nay có gì khác so với những năm trước, thưa bà?

- Có khác, nhưng không phải là cố tình làm khác cái đã có mà căn cứ từ tình hình thực tế và điều kiện hoàn cảnh cụ thể. Bản chất của trại sáng tác là sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước để hỗ trợ, phát triển công việc sáng tạo nghệ thuật. Việc mời tác giả tham gia trại viết căn cứ vào tác phẩm chứ không căn cứ vào quyền lợi hội viên, bởi suy cho cùng, đầu tư của Nhà nước hướng tới mục đích xây dựng phát triển đội ngũ sáng tác, nâng cao giá trị tác phẩm chứ không phải là tiêu chuẩn như miếng bánh chia đều. Lần này, có 43 kịch bản đăng ký tham gia và chúng tôi đã chọn được 20 tác phẩm.

Nội dung và cách tổ chức trại lần này được tổ chức cụ thể ra sao, thưa bà?

- Theo tôi, không có khái niệm “trại sáng tác” chung chung mà mỗi trại đều xác định mục đích cụ thể của mình. Có thể tổ chức trại cho những tác giả có tác phẩm khả thi bứt ra khỏi những công việc sự vụ ở cơ quan, gia đình đang “băm nát” mạch suy nghĩ để tập trung 15 ngày hoàn thiện tác phẩm. Có thể tổ chức trại như lớp tập huấn góp ý cho nhau để nâng cao chất lượng kịch bản. Có thể có những trại chuyên đề như kịch Công an, kịch thiếu nhi hoặc trại sáng tác cho từng loại hình sân khấu truyền thống v.v… Quan niệm của Hội lần này khi tổ chức trại sáng tác là đi tìm cái mới trong cách viết, mới trong từng tác giả, trong phát hiện vấn đề không lặp lại chính mình, mới trong đội ngũ với những tiềm năng trẻ để có được đội ngũ kế cận. Tác giả tham gia trại lần này đến từ mọi vùng miền với đủ các loại hình kịch nói, tuồng, chèo, cải lương, đủ cả về tuổi đời, tuổi nghề là vì vậy. Tất nhiên, danh sách trại viên được mời tham gia bắt đầu từ tác phẩm.

 Vì vậy, tổ chức hoạt động của trại sân khấu lần này cũng khác?

- Ban sáng tác của Hội lựa chọn một số tác phẩm “có cái để bàn” về nghiệp vụ viết kịch như cách tổ chức cấu trúc và xung đột kịch, từ chất liệu cuộc sống đến trang bản thảo, những quan niệm về sáng tác kịch bản đề tài lịch sử hoặc bàn về những đề tài “nóng” đang thiếu vắng trên sàn diễn. Qua những buổi trao đổi này, các tác giả sẽ hiểu thêm về cách viết, cách tiếp cận vấn đề để bổ sung thêm kinh nghiệm cho chính mình trong công việc sáng tác. Với đặc trưng vở diễn là sáng tạo của tập thể, góp ý của đạo diễn và đơn vị nhận dàn dựng kịch bản có tác dụng hơn việc góp ý của các trại viên, bởi nó thực tế và gần gũi với công chúng. Hơn nữa, Trại cũng không phải hội đồng bình chọn xếp loại tác phẩm nên việc trao đổi nghề nghiệp ở đây là phù hợp.

NSND Trịnh Thúy Mùi

Nhưng cũng đã có người lo ngại sẽ không có kịch bản hay từ trại sáng tác, chắc bà biết điều này?

- Nói như nhà viết kịch Lê Quý Hiền thì “Trại sáng tác không phải là xí nghiệp sản xuất kịch, bởi nếu có trại là lập tức sẽ có kịch bản hay thì mở trại cho nhiều ắt sân khấu sẽ phát triển rực rỡ !!!”. Theo tôi, trại sáng tác như một liều “thuốc bổ” để kích thích sáng tạo, còn kịch bản hay là kết quả từ tài năng của các tác giả, thậm chí là của hoàn cảnh xã hội tác động nữa. Xin tiết lộ một chút là trong 20 kịch bản dự trại lần này đã có một số kịch bản lọt mắt xanh của các đơn vị sân khấu. Đó là tín hiệu đáng mừng, đặc biệt, có kịch bản tuồng của một tác giả trẻ đã có “bà đỡ”.

Bên cạnh những thành công và đổi mới được dư luận, nhất là người trong làng sân khấu ghi nhận, liệu việc tham gia trại sáng tác có cả những trường hợp “đánh trống ghi tên”, lấy kịch bản cũ để đi trại với mục đích “an dưỡng” như có người lo ngại không, thưa bà?

- Bạn hỏi thẳng, tôi cũng xin nói thẳng là xã hội có tiêu cực thì tiêu cực không chừa một lĩnh vực nào. Vấn đề là tránh ra sao. Lần này chúng tôi có ban thẩm định kịch bản là các tác giả, nhà phê bình có uy tín ở cả ba miền, thống nhất tiêu chí mục đích mời tác giả dự trại căn cứ từ tác phẩm và bỏ phiếu kín gửi về Văn phòng Hội. Trại do Hội tổ chức nhưng kinh phí là của Nhà nước, trách nhiệm của chúng ta là phải trân trọng những đồng tiền thuế của dân và sử dụng sao cho hiệu quả, đúng mục đích, không sai địa chỉ.

 Xin cảm ơn bà và chúc Hội NSSKVN có những đột phá mới bắt đầu từ khâu kịch bản để sân khấu có thêm nhiều vở diễn xuất sắc! 

 

 Trại sáng tác như một liều “thuốc bổ” để kích thích sáng tạo. Trong 20 kịch bản dự trại lần này đã có một số kịch bản lọt mắt xanh của các đơn vị sân khấu. Đó là tín hiệu đáng mừng, đặc biệt, có kịch bản tuồng của một tác giả trẻ đã có bà đỡ.

(NSND Thúy Mùi, Chủ tịch Hội NSSK Việt Nam)

 

 THU TRANG (thực hiện)

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top