Quốc hội biểu quyết thông qua 3 Nghị quyết quan trọng

VHO-Sáng 8.6, kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIV đã tiếp tục phiên họp tập trung tại Nhà Quốc hội, Hà Nội. Trong ngày mở đầu của đợt họp tập trung này, Quốc hội đã thống nhất cao, thông qua 3 Nghị quyết quan trọng.

Thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế

Nghị quyết quan trọng đầu tiên mà Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua là Nghị quyết Phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa (CHXHCN) Việt Nam và Liên minh châu Âu. Kết quả biểu quyết cho thấy 457/457 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 94,62% tổng số đại biểu Quốc hội.

Trước đó Quốc hội cũng đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết này. Theo đó, tổng hợp ý kiến sau phiên thảo luận vào ngày 20.5 vừa qua cho thấy, các đại biểu Quốc hội cho rằng việc phê chuẩn Hiệp định là phù hợp với chủ trương, đường lối đối ngoại, hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước; đồng thời đánh giá Hiệp định có chuẩn mực cao nhất hướng tới một không gian thị trường tiềm năng lớn nhất với 27 quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu, trong đó có nhiều quốc gia thuộc nhóm đứng đầu thế giới về thương mại, đầu tư.

Quốc hội biểu quyết thông qua 3 Nghị quyết quan trọng - Anh 1

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết

Việc phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư với Liên minh Châu Âu sẽ đem lại cho nước ta nhiều lợi ích, thúc đẩy gia tăng thương mại hai chiều giữa hai bên, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu và có tính bổ trợ lẫn nhau, tăng quy mô xuất khẩu một số ngành hàng thế mạnh của Việt Nam nhất là hàng nông sản, thủy sản, may mặc. Đồng thời, doanh nghiệp và người dân Việt Nam sẽ có điều kiện mua máy móc, thiết bị hiện đại với giá cả phải chăng, người dân Việt Nam sẽ được tiếp cận hàng hóa tiêu dùng chất lượng cao như nhóm hàng hóa mỹ phẩm được người Việt Nam ưa chuộng với giá cả thấp hơn.

 “Các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh việc phê chuẩn Hiệp định thúc đẩy nước ta tiếp tục tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng hiện đại, tăng năng lực cạnh tranh trên cả ba cấp độ: quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm. Nhiều ý kiến cho rằng đây là cơ hội rà soát, tiếp tục hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư tốt hơn”, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu nói.

Thúc đẩy sự phục hồi sau đại dịch Covid-19

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là CHXHCN Việt Nam và một bên là Liên minh châu Âu và các nước thành viên Liên minh Châu Âu (EVIPA); Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết, ngày 20.5.2020, Quốc hội đã thảo luận trực tuyến về việc phê chuẩn Hiệp định này.

Theo đó có ý kiến đại biểu Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ và các Bộ ngành liên quan trong quá trình đàm phán, ký kết Hiệp định. Việc phê chuẩn Hiệp định sẽ mang lại cơ hội thu hút vốn đầu tư nước ngoài, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Quốc hội biểu quyết thông qua 3 Nghị quyết quan trọng - Anh 2

Các đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết

Cũng có ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng trong những năm qua Việt Nam đã thu hút vốn đầu tư nước ngoài khoảng 32.000 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 370 tỷ USD, nhưng khu vực châu Âu chỉ khoảng 2.500 dự án với số vốn đăng ký 27,5 tỷ USD; việc phê chuẩn Hiệp định giúp thu hút vốn đầu tư, tiếp cận nền công nghiệp hiện đại, công nghệ mới và công nghệ sạch từ các nước Châu Âu.

“Đồng thời, các vị đại biểu Quốc hội cũng phân tích những khó khăn, thách thức và đặt ra yêu cầu cải cách thể chế, nâng cấp cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng nguồn nhân lực. Có ý kiến cho rằng cần chú trọng công tác phổ biến, tuyên truyền đến các doanh nghiệp để khai thác các lợi thế mà Hiệp định mang lại”, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh.

Sau khi nghe Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày dự thảo Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định này, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết.

Xóa bỏ lao động cưỡng bức

Đây là Nghị quyết quan trọng thứ 3 được Quốc hội xem xét, thông qua trong phiên họp sáng nay. Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết, sau phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đều nhất trí về sự cần thiết gia nhập Công ước số 105 và cho rằng việc gia nhập Công ước phù hợp với đường lối đổi mới, hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước. Việc gia nhập Công ước số 105 vào thời điểm này là thận trọng, phù hợp với quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, vì lợi ích quốc gia, thực hiện chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước trong việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân, không chấp nhận cưỡng bức bóc lột lao động…

Quốc hội biểu quyết thông qua 3 Nghị quyết quan trọng - Anh 3

TTK Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày dự thảo Nghị quyết

Sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết phê chuẩn gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức và Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày dự thảo Nghị quyết phê chuẩn gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức.

Kết quả biểu quyết cho thấy 458/460 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 94,82% tổng số đại biểu Quốc hội. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ, với đa số đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết về việc gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động quốc tế về Xóa bỏ lao động cưỡng bức.

THU SÂM; ảnh: TRẦN HUẤN

Ý kiến bạn đọc