Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Sáng tác cho thiếu nhi: Trên “cánh đồng hạn” đã gặp cơn mưa!

Thứ Sáu 29/05/2020 | 11:30 GMT+7

VHO- “Các chương trình dành cho thiếu nhi như thi giọng hát nhí, hoa hậu nhí, người mẫu nhí… dường như đang bắt các em phải “kiễng chân” lên. Tôi có cảm giác là bây giờ nhiều ông bố, bà mẹ “chơi con” chứ không phải “nuôi con” - nghĩa là mang con ra để khoe mình”…

Đó là những chia sẻ của nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha tại cuộc tọa đàm về nghệ thuật thiếu nhi trong khuôn khổ lễ phát động giải Dế Mèn do Báo Thể thao và Văn hóa vừa phát động.

Loay hoay tìm kiếm “thực đơn tâm hồn” cho trẻ

Trong thời đại bùng nổ công nghệ giải trí như hiện nay thì việc tìm kiếm những sáng tác, những tiết mục nghệ thuật - giải trí giàu giá trị chân - thiện - mỹ để nuôi dưỡng tâm hồn các em thiếu nhi đang là nỗi trăn trở của toàn xã hội. Tại Việt Nam, hầu hết các giải thưởng đều nhắm đến đối tượng người lớn, thiếu vắng trầm trọng các giải thưởng mang tầm quốc gia và có tính chuyên nghiệp cao, để thúc đẩy các sáng tác, trình diễn nghệ thuật của thiếu nhi hoặc vì thiếu nhi. Cũng rất lâu rồi chúng ta chưa được đón nhận những “thần đồng” nghệ thuật như mấy chục năm trước cả xã hội hân hoan chào đón thần đồng thơ Trần Đăng Khoa, thần đồng hội họa Thành Chương...

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ: “Tôi đã đến rất nhiều hội chợ sách quốc tế. Gần đây nhất là Hội chợ sách quốc tế tại Cuba, càng đi, tôi càng thấy sách thiếu nhi ở Việt Nam quá ít ỏi. Chúng ta có thể dịch sách thiếu nhi nước ngoài, nhưng nếu không cẩn trọng, để một đứa trẻ đọc quá nhiều sách dịch thì vẻ đẹp tâm hồn bên trong các em sẽ dần rời xa nơi chúng sinh ra và lớn lên. Cho nên, sự khan hiếm văn học thiếu nhi là một cảnh báo. Ngay ở Hội Nhà văn Việt Nam, lâu nay, giải thưởng cho văn học thiếu nhi hầu như không có”.

Dường như chúng ta chưa thực sự coi mảng sáng tạo dành cho thiếu nhi là mảng thực sự quan trọng, là một thị trường có khả năng tiêu thụ rất tốt. Có thể nói, nếu con mình muốn ăn gì thì ai trong chúng ta cũng có thể lên thực đơn chuẩn xác như một chuyên gia dinh dưỡng, nhưng không ai dựng lên được một “thực đơn cho tâm hồn” để những đứa trẻ phải biết mình cần đọc cái gì, phải nghe cái gì, phải nhìn cái gì, phải giao tiếp với ai?!

Nhà phê bình Nguyễn Hòa cũng thừa nhận rằng, các tác giả viết cho thiếu nhi lâu nay dường như chỉ quan tâm đến việc đưa ra các bài học đạo lý. Đáng lẽ bài học đạo lý phải toát ra từ tác phẩm thì lại đứng cùng những tình huống đi kèm với lời răn dạy khô khan và thiếu hấp dẫn. Đó cũng là lý do các sách viết cho trẻ em hiện giờ thất bại nhiều hơn thành công.

Phải có những cuộc chơi mang “tinh thần hiệp sĩ”

Nhắc đến văn chương thiếu nhi, chúng ta thường liệt kê ra những tác phẩm kinh điển như Dế mèn phiêu lưu ký, Đất rừng phương Nam, Lá cờ thêu sáu chữ vàng... song giờ đây đó chỉ là những hồi ức về “thời oanh liệt đã qua”. Trong khi nhu cầu đọc của các em đã chuyển dịch đến tầm mức mới, thì thực tế ở Việt Nam, tác phẩm văn chương dành cho các em hầu như ít nhận được sự đón chào, thậm chí bị thờ ơ.

Về phần mình, nhà phê bình Nguyễn Hòa cho rằng đã đến lúc nhà văn viết cho thiếu nhi cần thay đổi cách nhìn và cả cách thức mang văn chương đến với các em. Khi đối tượng bạn đọc đã đổi thay, ngòi bút của nhà văn cũng cần đổi thay để luôn là “đôi bạn cùng tiến”. Và muốn trẻ em đọc tác phẩm của mình, nhà văn cần hòa nhập vào thế giới của các em để đồng cảm, để hiểu, suy ngẫm và nảy sinh ý tưởng sáng tạo. Đồng thời, cũng cần quan tâm đến sáng tác của chính các em.

Để viết thế nào cho phù hợp, nhà văn Nguyễn Quang Thiều cho rằng, chúng ta đã viết những cuốn sách đầy tính đạo đức khô cứng trong khi đáng ra phải vẽ nên một thế giới khác của trí tưởng tượng. Đó chính là điều người viết và những nhà quản lý, giáo dục, những nhà chiến lược phải nghĩ đến. Đáng mừng là đã có những cơ quan của Nhà nước hiểu được vấn đề đó và đã có những giải thưởng quan trọng dành cho những cuốn sách xuất sắc viết cho thiếu nhi. Cụ thể, ngày 27.5 vừa qua, Báo Thể thao và Văn hóa đã phát động Giải thưởng thiếu nhi mang tên “Dế Mèn”. Đây là giải thưởng phi lợi nhuận thường niên được trao cho các sáng tác, trình diễn nghệ thuật, giải trí xuất sắc “của thiếu nhi” (thiếu nhi là chủ thể sáng tạo) hoặc “vì thiếu nhi” (thiếu nhi là đối tượng phục vụ).

“Tôi rất thú vị với một giải thưởng mang tên Dế Mèn, bởi nó gợi nhớ tới cuốn sách gắn liền với bao thế hệ, tôi, con tôi, cháu tôi vẫn tiếp tục đọc nó. Việc xây dựng giải thưởng “Dế Mèn” bắt nguồn từ ý thức mang lại một đời sống tinh thần sâu thẳm nhất, trong sáng nhất, hấp dẫn nhất cho những đứa trẻ. Đừng nghĩ rằng đây chỉ là một giải thưởng mà hãy nghĩ rằng đây là một ý thức, một thái độ, một hành động của chúng ta đối với tương lai của chính mình”, nhà văn Nguyễn Quang Thiều nhấn mạnh.

Họa sĩ Thành Chương cũng cho rằng, việc tổ chức những “cuộc chơi” lớn cho trẻ em là rất cần thiết. “Tiếp xúc với trẻ em, tôi thấy chúng hiểu biết và tiến xa hơn mình tưởng tượng. Chúng ta phải học, hiểu, gần gũi để cảm được những điều chúng quan tâm. Nếu cứ rao giảng đạo lý thì chúng chỉ ngồi nghe chứ không ngấm vào đầu được đâu. Trong sáng tạo, điều này rất quan trọng: Dám nghĩ, dám làm, tiếp thu tất cả những cái văn minh, nhân văn, tử tế của nhân loại nhưng vẫn có cá tính, bản lĩnh của riêng mình. Đó chính là tinh thần hiệp sĩ”, họa sĩ Thành Chương bày tỏ.

Vị họa sĩ lão làng cũng rất thích thú khi giải thưởng “Dế Mèn” ra đời. Phải biết trẻ em thích gì, quan tâm gì và bằng những tác phẩm văn học, nghệ thuật đi vào sâu trong tâm hồn, chúng sẽ yêu thích, tâm phục, khẩu phục và học theo như ông đã từng học theo Dế mèn. Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha bày tỏ: “Tôi rất mừng vì trên cánh đồng hạn đã có một “cơn mưa” là Dế Mèn. Lâu nay, chúng ta quá tập trung vào các giải thưởng khác mà quên đi giải thưởng cho thế hệ của tương lai”. 

 THANH NGỌC

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top