Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương

Thứ Bảy 23/05/2020 | 14:02 GMT+7

VHO-Theo Bộ trưởng Bộ Công An Tô Lâm, dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) đã bỏ các quy định về: Sổ hộ khẩu, Sổ hộ khẩu cấp cho hộ gia đình, Sổ hộ khẩu cấp cho cá nhân, tách Sổ hộ khẩu, giấy chuyển hộ khẩu, điều chỉnh những thay đổi trong Sổ hộ khẩu tại Luật Cư trú hiện hành. Đặc biệt Chính phủ đã thống nhất bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương.

Đây là nội dung được đông đảo người dân quan tâm trong dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) mà Bộ trưởng Bộ Công An Tô Lâm vừa trình bày trong phiên họp sáng ngày 23.5, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIV.

 

Bỏ Sổ hộ khẩu để quản lý thông qua dữ liệu điện tử

 

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, về bố cục, dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) gồm 7 chương, 43 điều (tăng 1 chương (Chương III – Nơi cư trú) và tăng 1 điều so với Luật Cư trú hiện hành; trong đó, bổ sung 12 điều, bỏ 8 điều, chỉnh lý 24 điều). Cụ thể dự thảo Luật có những nội dung mới cơ bản như sau đã sửa đổi theo hướng thay thế phương thức quản lý cư trú từ thủ công là Sổ Hộ khẩu, Sổ Tạm trú giấy bằng việc quản lý thông qua dữ liệu điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin. Cụ thể là sử dụng mã số định danh cá nhân của công dân để truy cập, cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Cơ sở dữ liệu này chạy trên mạng được chia sẻ, kết nối với các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan. Đây là phương thức quản lý hiện đại, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý cư trú, giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho Nhân dân.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Cư trú (sửa đổi)

Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) đã bỏ các quy định về: Sổ hộ khẩu, Sổ hộ khẩu cấp cho hộ gia đình, Sổ hộ khẩu cấp cho cá nhân, tách Sổ hộ khẩu... tại Luật Cư trú hiện hành. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung một số quy định khác có liên quan đến Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú như: Các hành vi bị nghiêm cấm (thuê, cho thuê, làm giả, sửa chữa, làm sai lệch nội dung Sổ Hộ khẩu, Sổ Tạm trú); quyền được cấp, cấp lại, đổi Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú; trách nhiệm xuất trình Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú khi cơ quan, người có thẩm quyền yêu cầu…

Nội dung sửa đổi, bổ sung thủ tục về đăng ký thường trú, tạm trú theo hướng: Cơ quan đăng ký, quản lý cư trú có trách nhiệm tiếp nhận, kiểm tra, cập nhật thông tin địa chỉ thường trú, tạm trú mới của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu về cư trú, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thông báo bằng văn bản cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin về nơi thường trú, tạm trú của họ vào các cơ sở dữ liệu này mà không cấp Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú giấy.

 

Bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương

 

Đặc biệt dự thảo Luật Cư trú sửa đổi lần này sẽ bỏ đi những qui định về hộ khẩu gây khó khăn cho người lao động ngoại tỉnh đang sinh sống tại các thành phố  trực thuộc trung ương. Theo Bộ trưởng Bộ Công An, Luật Cư trú hiện hành quy định các điều kiện riêng đối với việc đăng ký thường trú vào thành phố trực thuộc trung ương so với đăng ký thường trú vào tỉnh. Việc quy định riêng này nhằm hạn chế tình trạng di dân từ nông thôn đến các thành phố lớn, giảm áp lực cho hệ thống cơ sở hạ tầng và chính sách an sinh xã hội của các đô thị này. Tuy nhiên, thực tế những năm qua cho thấy, quy định này không thực sự phát huy hiệu quả, tình trạng gia tăng dân số cơ học, di dân từ các tỉnh, nông thôn đến các thành phố lớn, trong đó có các thành phố trực thuộc Trung ương vẫn rất cao. Nhiều người dân mặc dù không có hộ khẩu tại đây nhưng vẫn sinh sống, làm việc, tuy nhiên họ và gia đình gặp nhiều khó khăn trong học tập, lao động, hưởng các dịch vụ xã hội. Bên cạnh đó, việc quy định riêng các điều kiện đăng ký thường trú ở các thành phố trực thuộc trung ương đã ảnh hưởng đến quyền tự do cư trú của công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013.

“Do vậy, Chính phủ đã thống nhất bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương và dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) trình Quốc hội được thể hiện theo định hướng này, tức là không có quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương; việc đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là như nhau, không có sự phân biệt và được áp dụng chung, thống nhất trên toàn quốc. Bên cạnh đó, để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, dự thảo Luật quy định bãi bỏ khoản 3, khoản 4 Điều 19 Luật Thủ đô quy định về điều kiện đăng ký thường trú ở Thủ đô”, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định. Đây có thể xem là một tin vui với những người lao động ngoại tỉnh, giúp họ yên tâm lao động, học tập, công tác tại các thành phố trực thuộc Trung ương.

 

Cần có giải pháp đảm bảo hoàn thành việc cấp số định danh cá nhân cho gần 80 triệu công dân

 

Trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Cư trú (sửa đổi), Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho rằng, phương thức quản lý cư trú mới chỉ có thể được vận hành thông suốt trên cơ sở tất cả công dân Việt Nam đã được cấp số định danh cá nhân. Vì vậy cần có giải pháp cụ thể để khắc phục khó khăn, bảo đảm hoàn thành việc cấp số định danh cá nhân cho gần 80 triệu công dân.

Chủ nhiệm UBPL Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Cư trú (sửa đổi)

“Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện, theo Tờ trình của Chính phủ, đến nay mới có hơn 18 triệu công dân được cấp số định danh cá nhân và dự kiến đến tháng 12/2020 sẽ hoàn thành việc xác lập số định danh cá nhân cho toàn bộ công dân Việt Nam, ông Tùng nói.

Vấn đề thứ hai ông Tùng nêu ra là nền tảng công nghệ để vận hành phương thức quản lý cư trú mới là Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu về cư trú. Nhưng đến nay các cơ sở dữ liệu này vẫn đang xây dựng, chậm về tiến độ so với yêu cầu của luật. Vì vậy, Chính phủ phải chỉ đạo quyết liệt, đảm bảo bố trí đủ vốn cho việc này…

Về nội dung bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương trong dự thảo Luật, Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng cho biết, đa số ý kiến trong Uỷ ban Pháp luật tán thành với Tờ trình của Chính phủ quy định công dân có chỗ ở hợp pháp ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nào thì được đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đó. Theo loại ý kiến này, việc bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương sẽ bảo đảm tốt hơn quyền tự do cư trú của công dân đã được Hiến pháp ghi nhận…

THU SÂM; ẢNH: QUOCHOI.VN

 

Print
Tags:

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top