Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Đề xuất tăng phí BOT của Bộ GTVT: Vào thời điểm này là "phản cảm"

Thứ Hai 18/05/2020 | 09:11 GMT+7

VHO- Dù Bộ GTVT mới có văn bản đề xuất tăng phíBOT, thế nhưng đã có nhiều ý kiến phản ứng khi người dân, doanh nghiệp đều đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19. 

 Dù tăng phí BOT theo phương án nào thì người dân vẫn phải gánh chi phí

 Hợp lý nhưng chưa hợp tình 

Nhiều doanh nghiệp vận tải cho biết Bộ GTVT đề xuất tăng phí BOT vào thời điểm hiện nay là không phù hợp, trong bối các doanh nghiệp vận tải, nhất là vận tải hành khách đang chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19. Trong thời gian giãn cách xã hội, các xe khách “nằm nhà”, khách không có, thế nhưng tiền bến bãi, tiền trả nợ ngân hàng… vẫn phải nộp đủ. Sau giãn cách xã hội, mặc dù xe khách đã được hoạt động trở lại, tuy nhiên lượng khách giảm có lúc đến 50%. Nhiều hãng xe chỉ chạy cầm chừng. 

Đại diện nhà xe Sao Việt cho biết doanh nghiệp đang điêu đứng, nhiều doanh nghiệp khác hiện đã “chết lâm sàng” do lượng khách giảm sút, trong khi các doanh nghiệp vận tải chưa được hưởng sự hỗ trợ nào về giảm giá dịch vụ, thuế phí việc Bộ GTVT kiến nghị cho phép tăng phí BOT chẳng khác nào đẩy doanh nghiệp vào tình trạng “chết hẳn”. Trong khi đó, nhà xe Đông Lý tuyến Thanh Hóa - Giáp Bát (Hà Nội) cho biết hiện nay mỗi chuyến xe khách Hà Nội - Thanh Hoá, trừ tiền xăng dầu, phí đường và bến bãi, nhà xe chỉ thu về khoảng 80% chi phí bỏ ra, nghĩa là mỗi chuyến xe lỗ 20%. Do vậy, nếu tăng phí BOT trong khi lãi suất ngân hàng chưa giảm thì sẽ dẫn chúng tôi đến bờ vực phá sản. 

Đồng tình với các ý kiến này, nhiều doanh nghiệp vận tải cho biết phí BOT đang chiếm tỷ trọng lớn của giá thành vận tải, tăng phí BOT để cứu nhà đầu tư sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của hầu hết các doanh nghiệp khác. Chính vì thế, việc tăng phí BOT theo lộ trình hợp đồng đã ký kết phù hợp về lý, nhưng để “cứu” các nhà đầu tư BOT mà quên đi hàng vạn doanh nghiệp vận tải cũng như đông đảo người dân cả nước cũng đang gặp khó khăn thì không hợp tình. 

Cần hài hoà lợi ích 

Theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền, cơ quan quản lý nhà nước phải tính toán tăng thêm thời gian thu phí cho các nhà đầu tư BOT và nên giữ nguyên mức phí đối với dự án có mức thu đang cao. Với những dự án có doanh thu thấp hơn dự báo thì có thể điều chỉnh để làm sao hài hoà lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư, người dân. 

Nếu tăng phí BOT vào thời điểm này, dù là phương án 1 hay 2 như đề xuất của Bộ GTVT thì mọi sự đều đổ lên đầu người dân. Bởi nếu theo phương án 1 là cho tăng phí, Bộ GTVT chọn thời điểm phù hợp để hạn chế tối đa ảnh hưởng chi phí vận tải thì người dân và doanh nghiệp trực tiếp bị ảnh hưởng. Còn theo phương án 2, giữ nguyên mức phí, chỉ tăng theo lộ trình đã ký trong hợp đồng dự án từ năm 2022 nhưng nhà nước phải bố trí khoảng 5.080 tỉ đồng hỗ trợ các dự án do chưa được tăng giá thì người dân cũng bị ảnh hưởng. Theo phân tích của chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, với phương án 2 dù đề xuất này không trực tiếp ảnh hưởng đến người dân, nhưng gián tiếp ảnh hưởng vì việc tăng chi phí cho BOT cũng từ tiền thuế của dân. Chính vì thế, ông Hiếu cho rằng trong thời điểm khó khăn này, các ngân hàng cũng cần chung tay để chia sẻ và tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp BOT. Cụ thể là có thể giảm lãi suất, giãn thời hạn trả nợ cho họ hoặc có biện pháp để giảm gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp BOT thì phần nào giảm gánh nặng cho Chính phủ, từ đó sẽ giảm gánh nặng cho doanh nghiệp vận tải cũng như ngưởi dân. 

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng các đơn vị BOT chưa áp dụng biện pháp thu phí điện tử không dừng thì nhất định không cho tăng, vì cần thêm thời gian để thực hiện yêu cầu của quản lý Nhà nước về thực hiện thu phí tự động và cung cấp số liệu để kiểm toán chặt chẽ, sau đó mới tính đến việc tăng hay không tăng. Tăng hoặc giảm hoặc thu phí BOT ở mức nào là không thể tự tiện đề nghị là được. Cần căn cứ vào các cơ sở pháp lý đồng thời phải được giải trình minh bạch tuyến nào, địa điểm nào, mức hợp đồng là bao nhiêu và tại sao lại nâng. Tất cả phải được công khai và đánh giá đúng. 

Mặc dù đây mới là đề xuất của Bộ GTVT, nhưng các ý kiến đều cho rằng tăng phí BOT thời điểm này là chưa hợp lý, thậm chí “phản cảm” khi hàng vạn doanh nghiệp vận tải cũng như người dân đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19. Nếu tăng phí BOT, các doanh nghiệp vận tải cũng sẽ tăng giá thành vận chuyển, doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa cũng lại tăng giá, khiến giá hàng hóa đến tay người tiêu dùng cũng sẽ tăng cao, cuối cùng người chịu bất lợi trong việc này là hàng triệu người dân. 

 Q.XƯƠNG 

 

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top