Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Ngành Tòa án dựng tượng vua Lý Thái Tông làm biểu tượng công lý: Băn khoăn chọn ngôn ngữ nghệ thuật

Thứ Hai 27/04/2020 | 10:58 GMT+7

VHO-  Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã lựa chọn hình tượng vua Lý Thái Tông là biểu tượng công lý của TAND. Mẫu phác thảo tượng cũng đang được lấy ý kiến rộng rãi…

Các mẫu phác thảo tượng Vua Lý Thái Tông đang được TAND Tối cao đưa ra lấy ý kiến

Bước đầu, nhiều ý kiến chuyên gia văn hóa, mỹ thuật cho rằng, dù lựa chọn mẫu nào thì quá trình triển khai cũng cần đặc biệt chú trọng về ngôn ngữ nghệ thuật, sao cho khắc họa được đúng thần thái nhân vật.

Phó Chánh án TAND Tối cao Lê Hồng Quang vừa ký văn bản gửi Thẩm phán TAND Tối cao, Chánh án Tòa án Quân sự TƯ, Chánh án TAND Cấp cao và Chánh án TAND các địa phương để lấy ý kiến lựa chọn mẫu phác thảo tượng vua Lý Thái Tông. Theo văn bản, sau khi lấy ý kiến đóng góp của các TAND, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã lựa chọn vua Lý Thái Tông là biểu tượng công lý của TAND.

Vì sao chọn vua Lý Thái Tông là biểu tượng công lý của TAND?

Để chuẩn bị cho việc dựng tượng vua Lý Thái Tông đặt tại trụ sở TAND Tối cao và các TAND, Tòa án Quân sự các cấp, TAND Tối cao tổ chức lấy ý kiến của Thẩm phán TAND Tối cao, cán bộ, công chức trong hệ thống tòa án đối với các mẫu phác thảo tượng vua Lý Thái Tông. Bản thuyết minh về việc lựa chọn tượng Lý Thái Tông là biểu tượng của công lý và hoạt động xét xử trong lịch sử Việt Nam cho biết, vua Lý Thái Tông tên húy là Phật Mã/ Đức Chính, vị Hoàng đế thứ hai của nhà Lý. Được vua cha Lý Thái Tổ rèn dạy và trưởng thành trong thực tế gian nan, hào hùng của những thập kỷ đầu xây dựng Vương triều và kinh đô Thăng Long, Lý Thái Tông từ sớm đã là người nhân triết thông tuệ, có đại lược về văn võ, biết trước mọi việc, đánh đâu được đấy, vũ công lừng lẫy.

Khi trở thành Hoàng đế, ông thân oan, đặt luật, trị quốc thân dân, đưa đất nước bước vào thời kỳ hoàng kim, thái bình, thịnh trị và trở thành tấm gương bảo vệ công lý tiêu biểu nhất trong thời đại quân chủ Việt Nam. Vua Lý Thái Tông đã Ban hành bộ “Hình thư”, bộ luật chính thức thành văn đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, khai mở nền pháp luật thân dân Đại Việt. Xây dựng xã hội thượng tôn pháp luật, thiết lập và thi hành chế độ xét xử theo pháp luật, đưa hoạt động xét xử trong cả nước vào khuôn phép, sòng phẳng, rõ ràng; góp phần đưa xã hội phát triển ổn định, công bằng và văn minh.

Ông cũng trực tiếp xét xử nhiều vụ án nổi tiếng với tấm lòng bao dung, nhân từ của vị Hoàng đế rất mực thương yêu dân. Ông cho đúc chuông lớn đặt ngay trước cửa chính điện Thiên An để người dân trong nước nếu có oan ức thì đến đánh chuông bày tỏ nỗi oan lên Hoàng đế để được thấu xét. Ông chăm lo rèn dạy, tin giao toàn bộ việc xử kiện cho Khai Hoàng Vương và đào tạo trở thành vị quan xử án mẫu mực, lừng danh trước khi trở thành Hoàng đế anh minh Lý Thánh Tông, để lại bài học thành công trong đào tạo người thi hành pháp luật, bảo vệ công lý cho mọi thời đại.

Ngày 5.2 vừa qua, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã thống nhất tôn vinh Hoàng đế Lý Thái Tông là nhân vật biểu tượng của công lý và hoạt động xét xử trong lịch sử Việt Nam. TAND Tối cao cho rằng việc xây dựng tượng vua Lý Thái Tông là hành động thiết thực, ý nghĩa để tri ân, tôn vinh cống hiến to lớn của các bậc tiền nhân, đặc biệt là những công trạng trong lĩnh vực xét xử và tư pháp. Việc xây dựng công trình vừa thể hiện tình cảm, lòng thành kính; vừa là nguyện vọng của các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống TAND với các bậc tiền nhân. Thông qua bức tượng về vua Lý Thái Tông nhằm khơi dậy niềm tự hào, giáo dục truyền thống cho các thế hệ về giá trị lịch sử và truyền thống vẻ vang của TAND.

 Một trong những mẫu phác thảo

Giải quyết vấn đề “mấu chốt”

“Mục đích dựng tượng vua Lý Thái Tông còn hướng tới xây dựng một hình tượng lịch sử, đại diện cho hoạt động xét xử của Việt Nam, biểu tượng của công lý trong lịch sử Việt Nam”, văn bản thuyết minh nêu rõ. Dự kiến chất liệu tượng và khối phụ trợ được đúc bằng đồng đỏ nguyên khối. Vị trí đặt tượng ở chính giữa sảnh tầng 1 trụ sở Tòa nhà TAND Tối cao tại 43 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Sảnh tầng 1 có đường kính sảnh là 23,2 m, chiều cao sảnh là 16,28 m, chiều cao dự kiến của tượng là 5,3 m (bao gồm cả chân đế).

Các mẫu phác thảo hiện được trưng bày tại Phòng họp tầng 1 trụ sở TAND Tối cao. Các phiếu lấy ý kiến được gửi về văn phòng TAND Tối cao trước 16h ngày 28.4. Ông Mã Thế Anh, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VHTTDL) cho biết, hiện HĐNT mới họp một phiên. Bộ VHTTDL với góc độ quản lý nhà nước về các công trình mỹ thuật, tượng đài sẽ tham gia Hội đồng với các bước chặt chẽ. Theo đó, việc xây dựng tượng Lý Thái Tông được ngành Tòa án lựa chọn là biểu tượng công lý sẽ tuân thủ đúng quy trình, quy định tại Nghị định 113 về hoạt động mỹ thuật và các Thông tư hướng dẫn, văn bản pháp lý liên quan. Dự kiến trong tuần này HĐNT sẽ tiếp tục họp, trên cơ sở các mẫu phác thảo được đưa ra để cho ý kiến. Lãnh đạo Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cho biết, tham gia việc lựa chọn, thẩm định mẫu phác thảo tượng Lý Thái Tông là những nghệ sĩ, chuyên gia tên tuổi của nền mỹ thuật, điêu khắc, kiến trúc Việt Nam. Ngoài ra còn có các nhà văn hóa, sử học...

Họa sĩ, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Lương Xuân Đoàn cho rằng, hiện còn quá sớm để bàn về phác thảo hay hình tượng nhân vật. Tuy nhiên, dù là tượng về nhân vật nào thì yếu tố quan trọng đầu tiên ở mỗi công trình chính là ngôn ngữ nghệ thuật. Về nhân vật vua Lý Thái Tông, có một chút băn khoăn bởi các nhà điêu khắc thời nay không phải ai cũng có đầy đủ cảm xúc và hiểu biết sâu sắc về nhân vật để có thể thể hiện sắc nét, chính xác thần thái nhân vật. Bên cạnh đó, việc đặt tượng cũng cần tính toán đặt trong quy hoạch chung, phù hợp với tổng thể của không gian TAND Tối cao. “Ngôn ngữ nghệ thuật như thế nào để khắc họa cho ra nhân vật vua Lý Thái Tông, người được lựa chọn là biểu tượng công lý chính là chìa khóa mấu chốt ở đây”, họa sĩ Lương Xuân Đoàn nhấn mạnh.

Theo thuyết minh của TAND, công trình sẽ là tác phẩm nghệ thuật có tính thẩm mỹ cao, giàu sức biểu cảm, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, chứa đựng và chuyển tải những thông điệp của lịch sử và thời đại về TAND, cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp. Công trình không chỉ có ý nghĩa quan trọng về mặt kiến trúc, nghệthuật mà còn góp phần thể hiện tầm vóc, sự uy nghiêm của cơ quan tư pháp cao nhất của đất nước.

Cùng với công trình trụ sở mới và trụ sở cũ của TAND Tối cao, bức tượng sau khi được hoàn thành sẽ phối kết với không gian kiến trúc cảnh quan xung quanh, tạo thành một quần thể kiến trúc, văn hóa, lịch sử thống nhất, thể hiện được bề dầy lịch sử, trở thành một công trình tiêu biểu của hệ thống TAND, góp phần tạo thêm điểm nhấn cho cảnh quan, không gian kiến trúc của thủ đô Hà Nội và đất nước.

 Về nhân vật vua Lý Thái Tông, có một chút băn khoăn bởi các nhà điêu khắc thời nay không phải ai cũng có đầy đủ cảm xúc và hiểu biết sâu sắc về nhân vật để có thể thể hiện sắc nét, chính xác thần thái nhân vật. Bên cạnh đó, việc đặt tượng cũng cần tính toán đặt trong quy hoạch chung, phù hợp với tổng thể của không gian TAND Tối cao. Ngôn ngữ nghệ thuật như thế nào để khắc họa cho ra nhân vật vua Lý Thái Tông, người được lựa chọn là biểu tượng công lý chính là chìa khóa mấu chốt ở đây.

(Họa sĩ, Chủ tịch Hội Mỹ thuật VN LƯƠNG XUÂN ĐOÀN

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
Tuyển Việt Nam chốt danh sách 28 cầu thủ thi đấu với Indonesia

Tuyển Việt Nam chốt danh sách 28 cầu thủ thi đấu với Indonesia

VHO - Để chuẩn bị cho 2 trận đấu gặp đội tuyển Indonesia trong khuôn khổ bảng F vòng loại thứ 2 World Cup 2026 khu vực châu Á, tối 18.3, HLV trưởng Philippe Troussier đã công bố danh sách 28 cầu thủ của đội tuyển Việt Nam sẽ tham dự 2 trận đấu này.

Chi tiết
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top