Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

29 Tháng Ba 2024

Cuộc vận động thiết kế "Tự hào áo dài Việt”: “Không được phép đi lạc hướng”

Thứ Tư 22/04/2020 | 10:38 GMT+7

VHO- Với NSƯT, NTK Đức Hùng, Áo dài Việt Nam vốn đã hoàn mỹ, thêm thì thừa, bớt thì thiếu. Thế nhưng, trong không gian tưởng chừng nhỏ hẹp ấy, nghệ sĩ vẫn “có đất” để thỏa sức sáng tạo, nếu biết cách chạm được vào trái tim của những người mộ điệu thời trang...

 NTK Đức Hùng và người đẹp Thủy Hương trên sân khấu “Vẻ đẹp tỏa sáng”

“Như một vần thơ” là cách NTK Đức Hùng nói về tà áo dài. “Đã là một vần thơ hay, thơ đẹp rồi thì bớt ra sẽ thiếu, thêm vào sẽ thừa, quả là một bài toán rất khó!”. Ông cho rằng, mỗi người, đặc biệt là các nhà thiết kế cần có cách nhìn, cách trân trọng riêng về áo dài Việt Nam, nhưng vẫn phải gặp nhau ở một điểm, đó là sự gìn giữ hình ảnh truyền thống của tà áo dài. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, nét truyền thống ấy là sự lắng đọng về thời gian và hội tụ tinh túy khiến người ta phải tự hào… Cho nên, có làm mới bao nhiêu, có sáng tạo thế nào thì áo dài vẫn không bị mất đi vẻ đẹp hoàn mỹ của nó.

Nhưng câu chuyện sáng tạo từ truyền thống vốn dĩ không đơn giản. Bởi nếu không có định nghĩa và am hiểu thực sự thì sự thay đổi một vài chi tiết cũng có thể khiến áo dài không còn là chính nó. NTK Đức Hùng chọn cách “cách điệu” áo dài, thay vì “cách tân” như con đường nhiều nhà thiết kế đã đi. Cách tân là làm mới, còn cách điệu thì vẫn dựa trên nền tảng xưa cũ đẹp đẽ, để thổi vào nó sức sống và cái hồn của người sáng tạo. “Can thiệp vào một vần thơ hay đâu có đơn giản, nhưng vẫn cứ phải làm. Tôi chọn cách cứ giữ bài thơ ấy, nhưng năm nay tôi viết bằng chữ hoa, sang năm tôi viết lại bằng cách in trên một nền giấy... Nghĩa là tôi thay đổi những yếu tố xung quanh nó, đổi màu, đổi chữ, đổi giấy, treo nó lên tường, rọi một cái đèn nhỏ xinh vào cho nó lung linh, óng ả lên... Cứ theo mạch suy nghĩ như vậy, tôi sáng tạo với áo dài”.

Và công chúng, những người yêu tà áo dài Việt Nam được chiêm ngưỡng những sắc độ rất riêng, rất đặc biệt của truyền thống. Độ dài ngắn của tà áo, thân đính kết kim sa, đường thêu, tay áo khi hẹp ôm sát, khi xòe rộng bay bướm theo sự mềm mượt của thân áo... Vải may áo dài khi bằng voan mỏng, khi lụa tơ tằm, màu sắc khi nhạt dịu, khi ấm nóng... Để rồi, người ta có trầm trồ, có hứng thú, có say sưa thì vẫn là trầm trồ, hứng thú, say sưa với chất truyền thống của áo dài Việt. “Tôi luôn tự hỏi mình phải làm gì, làm như thế nào? Miễn việc đầu tiên là giữ tà áo dài đó đúng đậm chất truyền thống hoặc phảng phất nét văn hóa truyền thống cơ bản là được. Tôi cải cách để làm điệu áo dài chứ không phải làm mới nó. Từ tư duy, mạch nghĩ nếu như vậy sẽ khó mà đi lạc được”, NTK Đức Hùng nói.

“Muốn thành công, muốn đến được vào cái đích cuối cùng của mình là phát huy và gìn giữ tà áo dài Việt Nam thì anh không được phép đi lạc hướng.” Dõi theo hành trình sáng tạo của NTK Đức Hùng có thể thấy tình yêu và quyết tâm của ông trên con đường phát huy và gìn giữ tà áo dài Việt Nam. Trên con đường ấy, cảm hứng sáng tạo không phải đến từ điều gì cao xa, mà nằm ở ngay nét mộc mạc, trầm lắng của người Việt, văn hóa Việt. Ông kể, có lần đi Mỹ, trình diễn bộ sưu tập tại San Francisco trong Lễ hội áo dài Việt Nam, tà áo dài ông thiết kế cho Mai Thu Huyền lấy cảm hứng từ một câu hát của Phó Đức Phương: “Trên quê hương Quan họ, một làn nắng cũng mang điệu dân ca. Những mùa lúa thơm, cánh cò bay đẹp như trong mộng…”. Dòng cảm xúc cứ thế tuôn trào, đưa liên tưởng về những lớp mớ ba mớ bảy của tấm áo phụ nữ Việt, về những tia nắng bay bổng, về lễ hội Lim trên bến dưới thuyền, cờ ngũ sắc đỏ tím vàng lam trắng… Và cứ thế, bộ sưu tập áo dài Việt Nam bung ra, như đến từ xưa cũ, như đến từ hôm nay...

“Sáng tạo không cần công thức”, nói như thế nhưng NTK Đức Hùng cũng nhận thấy, thực ra mỗi người đã có một “công thức” sẵn trong mình để sáng tạo. Ấy là chất người Việt, chất văn hóa Việt cuộn chảy từ trong sâu thẳm, và áo dài là một hình thức thể hiện điều đó. “Có một câu nói rất hay rằng: Chỉ cần chạm vào tận cùng của dân tộc là sẽ chạm được vào tận cùng của thế giới. Tôi không truyền thống đến độ mọi người của thời đại hôm nay không thể tiếp cận, nhưng tôi luôn quan niệm muốn truyền thống chạm đến mọi người thì mình phải có một tư duy văn minh để giữ gìn truyền thống. Tư duy cổ hủ, lạc hậu mà giữ văn hóa truyền thống thì không phát triển được.”

Tư duy văn minh thay vì cổ hủ, lạc hậu là cách để người nghệ sĩ thỏa sức sáng tạo mà không đánh mất đi truyền thống. Với áo dài, điều đó lại càng quan trọng để Việt Nam ngày càng khẳng định giá trị của di sản trên tầm thế giới. Nhờ vậy, qua thời gian, giá trị ấy đã được gìn giữ, lan tỏa. Các sự kiện tôn vinh áo dài liên tục được tổ chức, với sự vào cuộc của rất nhiều nhà thiết kế - những con người luôn đắm đuối truyền cảm hứng về áo dài Việt đến mọi người. Như NTK Đức Hùng chia sẻ: “Tôi sẽ tiếp tục theo đuổi, sáng tạo với áo dài. Tôi ví mình như một cái phanh, luôn phanh lại những dòng chảy được chừng nào tốt chừng ấy, để tất cả đừng trôi đi với tốc độ quá nhanh, để không bị mất đi bản sắc Việt Nam”. 

 NGỌC HÀ

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top