Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

29 Tháng Ba 2024

Người kết nối những“đường biên” mỹ thuật

Thứ Tư 22/04/2020 | 10:32 GMT+7

VHO- Theo họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật VN: Bốn nhiệm kỳ liên tục đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam (1999-2019), họa sĩ Trần Khánh Chương đã có những đóng góp rất quan trọng trên cả phương diện người làm nghề và nhà quản lý. Ông đã để lại nhiều dấu ấn trong sự trưởng thành của Hội nói riêng và nền mỹ thuật Việt Nam nói chung.

Họa sĩ Trần Khánh Chương

 Năm 2019, ông bắt đầu chiến đấu với bạo bệnh, nhưng mỗi khi sức khỏe khá lên là họa sĩ lại có mặt tại Hội, lo từng công việc để có được cuộc chuyển giao nhiệm kỳ thuận lợi cho thế hệ sau.

Lấp những “vùng trắng” về mỹ thuật

Ngày 19.4, họa sĩ Trần Khánh Chương đã ra đi. Nhưng đâu đó, ở mỗi không gian nhỏ bé của trụ sở Hội Mỹ thuật Việt Nam, người ta vẫn luôn cảm nhận được dấu ấn của ông. Từng ánh mắt, nụ cười, lời nói, sự gần gũi thân mật với tất cả mọi người vẫn như còn hiện hữu. Sự ra đi của ông để lại niềm tiếc thương vô hạn với người thân, bạn bè, đồng nghiệp và những người yêu mến mỹ thuật Việt Nam.

Có thể nói, dấu ấn lớn nhất trong cuộc đời và sự nghiệp của họa sĩ Trần Khánh Chương chính là sự gắn kết và phát triển của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Ông tham gia Hội từ rất sớm (1984) và đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội liên tiếp trong 4 khóa từ năm 1999 đến 2019. Là người đưa ý tưởng và tổ chức thành công các triển lãm mỹ thuật khu vực, từ những triển lãm đơn sơ ngày đầu tiên đến sự phát triển rõ nét hôm nay, ông đã góp phần tạo ra sự liên kết chặt chẽ trong lĩnh vực mỹ thuật khắp 63 tỉnh thành, góp phần hình thành các chi hội mỹ thuật trong cả nước. Nếu trước đây, mỹ thuật chỉ sôi động và phát triển mạnh mẽ ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thì nhờ có các triển lãm khu vực, hoạt động ở nhiều tỉnh, thành trở nên sôi động hơn, anh em nghệ sĩ xích lại gần nhau hơn. Đường biên sáng tác giữa các địa phương đã không còn cách biệt lớn, kể cả những khu vực vùng sâu, vùng xa, nơi trước đây là “vùng trắng”, khái niệm mỹ thuật là xa lạ thì nay cũng đã có nhiều phát triển đáng kể.

Họa sĩ Trần Khánh Chương cũng là người đặc biệt quan tâm tới sự phát triển hội viên. Từ những ngày đầu thành lập chỉ có hơn 100 người (năm 1957), nay đã lên tới hơn 2.000 hội viên, trong đó có 85 nghệ sĩ dân tộc thiểu số. Với trách nhiệm của người đứng đầu, ông luôn bám sát từng bước đi của giới mỹ thuật, quan tâm chăm lo đến các thế hệ hội viên cao tuổi và đặc biệt luôn tạo điều kiện cho sự phát triển của hội viên trẻ.

Nhạy cảm với “thời tiết” mỹ thuật

Hơn ai hết, họa sĩ Trần Khánh Chương là người hiểu rõ vai trò của Hội trong sự phát triển chung của nền văn học nghệ thuật của nước nhà. Nhiều lúc dường như ông quên cả dành thời gian sáng tác cần thiết của một họa sĩ cho công việc chung của Hội. Ông thiên về sáng tác hội họa, đồ họa. Sự nghiệp sáng tác của ông bắt đầu và sớm được ghi nhận từ bộ tranh đồ họa, in khắc thạch cao được giải thưởng năm 1984, giải thưởng chính thức của Triển lãm đồ họa quốc tế Đức. Về gốm Việt Nam, ông có 2 công trình giá trị là “Gốm Việt Nam từ đất nung đến sứ” và tập sách Gốm Việt Nam, một nghiên cứu công phu, có giá trị về nghiên cứu khoa học.

Là người cởi mở trong tư duy sáng tác cũng như đón nhận những luồng gió mới, các khuynh hướng sáng tạo của nghệ thuật đương đại, họa sĩ Trần Khánh Chương luôn nhạy cảm với “thời tiết” mỹ thuật. Ông uyển chuyển, không quá khuôn mẫu để tạo ra nhiều nhánh lẻ, đa dạng, khuynh hướng trong hoạt động sáng tạo của hội viên. Việc thừa nhận khuynh hướng sáng tác mới không phải dễ dàng bởi những áp lực từ công luận, xã hội cũng như từ những người trong giới. Song họa sĩ Trần Khánh Chương luôn có sự điềm tĩnh, không vội vàng đưa ra những nhận xét hay bày tỏ việc không chấp nhận sự thay đổi. Ông sẵn sàng đón nhận các khuynh hướng sáng tạo mới, những luồng gió mới vào đời sống sáng tác của hội viên. Ông bám sát, căn cứ thực tế đời sống mỹ thuật để kịp thời điều chỉnh quan điểm, hoạt động của Hội phù hợp mỗi thời kỳ.

Ngoài ra, Họa sĩ Trần Khánh Chương còn là người nhạy cảm với cuộc sống thực tiễn, ông nỗ lực duy trì hoạt động thực tế sáng tác, góp phần phản ánh chân thực cuộc sống. Trong mỗi mảng đề tài mũi nhọn như biển đảo, công cuộc đổi mới đất nước… Hội Mỹ thuật Việt Nam luôn tạo điều kiện để hội viên có thể thâm nhập thực tế để có được những tác phẩm chân thực và có giá trị cao nghệ thuật.

Tuy nhiên, ông vẫn còn những trăn trở chưa kịp thực hiện trước khi ra đi, đó là mong muốn nâng cao vị thế của nền mỹ thuật nước nhà, mong muốn xây dựng một thị trường mỹ thuật lành mạnh, trong sạch, đẩy lùi vấn nạn tranh giả đã hoành hành bấy lâu nay… Cống hiến và tâm huyết với mỹ thuật cho tới phút cuối cùng, họa sĩ Trần Khánh Chương đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng trong sự trưởng thành của Hội Mỹ thuật Việt Nam và đối với nền nghệ thuật tạo hình của nước ta nói chung. 

 Họa sĩ Trần Khánh Chương sinh ngày 14.8.1943 tại Hà Nội. Nguyên quán: xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Ông là Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam các khóa V, VI, VII, VIII (từ 1999 - 2019). Nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đợt 2 (2007); Giải thưởng chính thức Triển lãm Đồ họa Quốc tế “Integraphic 1984”; Huân chương Kháng chiến hạng III; Huân chương Lao động hạng Nhất; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ…

Tang lễ họa sĩ Trần Khánh Chương được tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội) vào sáng ngày 24.4.2020. Do đại dịch Covid-19, lễ viếng chỉ diễn ra trong vòng 1h đồng hồ. BTC lễ tang cũng thông báo tới người đến viếng cố họa sĩ thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch.

 PHƯƠNG ANH (lược ghi)

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top