Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

29 Tháng Ba 2024

“Thấm đòn” Covid-19, ngành xuất bản lao đao

Thứ Sáu 17/04/2020 | 12:04 GMT+7

VHO-Thời gian qua, thị trường phát hành sách online có sự tăng trưởng mạnh, tuy nhiên vẫn chưa đủ bù đắp được sự tụt giảm sâu của thị trường phát hành sách truyền thống, khiến ngành xuất bản gặp rất nhiều khó khăn.

 Những độc giả trẻ tại một Hội chợ sách Ảnh: INTERNET

Theo báo cáo của Cục Xuất bản, In và Phát hành (Cục Xuất bản), trong thời gian này, nhiều bạn đọc đã chọn hình thức mua sách qua mạng, giúp kênh phát hành này tăng mạnh. Theo ghi nhận của Tiki, đơn vị lớn nhất trong bán sách online hiện nay, trong hai tháng đầu năm 2020, tỷ lệ mặt hàng sách tăng trưởng 150% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, 5 mảng sách bán chạy nhất là: Sách văn học, kỹ năng sống, thiếu nhi, kinh tế và truyện tranh, đặc biệt là 2 loại sách y học và thường thức gia đình. Nhưng cùng với đó là nạn sách giả thừa cơ hoành hành trên các trang bán trực tuyến làm cho các nhà xuất bản, các đơn vị phát hành khó khăn chồng chất khó khăn.

Doanh thu xuất bản sụt giảm sâu

Tính đến thời điểm cuối tháng 3.2020, hoạt động xuất bản nói chung và thị trường phát hành sách truyền thống nói riêng, dựa chủ yếu vào hệ thống cửa hàng bán lẻ đối mặt với vô vàn khó khăn. Doanh thu các đơn vị phát hành sách truyền thống giảm khoảng 30-40% so với cùng kỳ và dự kiến tiếp tục giảm sâu trong tháng 4.2020. Do dịch Covid 19, việc hủy Hội sách mùa xuân TP.HCM và nhiều hoạt động hội chợ, triển lãm khác dự kiến diễn ra trong dịp Ngày sách Việt Nam 21.4 tới đây cũng làm các nhà xuất bản, các công ty sách, nhà sách, các đơn vị phát hành mất nguồn thu lớn.

Khi thị trường và phương thức kinh doanh truyền thống gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp buộc phải chuyển hướng tìm kiếm thị trường và phương thức kinh doanh mới. Ông Nguyễn Anh Vũ, Giám đốc Nhà xuất bản Văn học cho biết, trước đây NXB Văn học chưa quan tâm đến phát hành qua mạng thì giờ đây buộc phải chuyển hướng, phát triển mạng lưới bán hàng trực tuyến của riêng mình nhằm đối phó với sự sụt giảm của thị trường. “Thời gian gần đây, NXB Văn học vẫn phụ thuộc chủ yếu vào đối tác phát hành cũ, nhưng từ khi có Chỉ thị số 16/CT-TTg về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 thì các kênh phát hành cũ bị đóng băng nên doanh thu của NXB Văn học đã giảm rất mạnh. Vì thế, chúng tôi đã và đang chủ động xây dựng kênh bán sách online của riêng mình”, ông Nguyễn Anh Vũ chia sẻ.

Bên cạnh đó, do bị động, không có sự chuẩn bị trước nên ngay cả những đơn vị có nguồn lực thì việc chuyển dịch sang kênh phát hành online kết quả cũng rất hạn chế. Theo Waka, hiện đầu tư một app để bán sách có thể từ 500 triệu đến 1 tỉ đồng. Tuy nhiên, cùng với app này là một đội ngũ đủ kỹ năng vận hành chuyên nghiệp, giúp tăng tỉ lệ người truy cập và sử dụng. Ngoài ra, để phát huy hiệu quả, việc xây dựng các sàn bán sách độc lập chi phí khá cao, không đa dạng hóa nguồn thu, khó đem lại kết quả.

Trong khi đó, chiết khấu thị trường sách online cũng rất cao. Hiện với Tiki, tỉ lệ này dao động từ 40-60% giá bìa. Do là đơn vị chiếm thị phần lớn nhất trong hệ thống phát hành online hiện nay nên việc đưa sách vào hệ thống phát hành này với một số đơn vị, nhất là những đơn vị chưa có thương hiệu mạnh, gặp nhiều khó khăn, khó duy trì quan hệ kinh tế bình đẳng cần thiết.

Theo ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, việc chuyển từ thị trường sách truyền thống sang thị trường sách điện tử là một cơ hội mới trong hoàn cảnh hiện nay. Tuy nhiên, để tận dụng điều đó cũng không hề đơn giản. Việc phát triển thị trường sách điện tử cần một thời gian tương đối dài với sự hỗ trợ rất tích cực của nhà nước. Ví dụ, Hàn Quốc cần quãng thời gian 5-7 năm với sự hỗ trợ, kích cầu của Nhà nước qua cơ chế tài trợ giá. Với Việt Nam, sách điện tử chưa được các nhà xuất bản, nhà sách mặn mà quan tâm. Lý do chính là doanh thu còn thấp, nguy cơ xâm phạm bản quyền cao. Hiện Waka có khoảng 10.000 tên sách và khoảng trên 15.000 user. Doanh thu trung bình khoảng 600- 650 triệu/tháng nhưng số lượng các đối tác tham gia xuất bản điện tử ngày càng giảm. Hiện thị trường sách điện tử phái sinh từ sách đã in chỉ chiếm khoảng 1-3% doanh thu. 80% đến từ khai thác sách nước ngoài (chủ yếu sách Trung Quốc với mảng sách ngôn tình, kiếm hiệp). Phần còn lại đến từ các dịch vụ xuất bản, thương mại khác. Nhà nước cần có các chính sách để khắc phục khó khăn và tâm lý lo ngại này, tạo sự kết nối giữa các đơn vị xuất bản và phát hành sách điện tử.

“Bài toán” tháo gỡ khó khăn

Cục trưởng Cục Xuất bản nhấn mạnh rằng, để tháo gỡ được khó khăn này, trước mắt cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá văn hóa đọc nhân dịp sự kiện Ngày sách Việt Nam 21.4. Triển khai hiệu quả Hội sách online trong khoảng một tháng nhằm thu hút 5-10 triệu lượt người tham dự. Đồng thời là sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan truyền thông, thực hiện chủ trương “Đọc sách, nâng cao trí tuệ, chiến thắng đại dịch Covid-19”. Đẩy mạnh phát triển xuất bản điện tử và phát hành sách điện tử. Trong thời gian này, mỗi biên tập viên ngoài công tác biên tập phải trở thành những người làm công tác truyền thông, khai thác đa dạng các kênh truyền thông: báo chí, mạng xã hội; tập trung xây dựng và giới thiệu các bộ sách phù hợp với nhiều đối tượng bạn đọc trong thời gian mà hoạt động đi lại còn đang hạn chế, học sinh chưa đến trường, từ đó tận dụng thời gian để phát triển thị trường, hình thành thói quen đọc sách cho độc giả, nhất là độc giả trẻ.

Còn ông Nguyễn Anh Vũ, Giám đốc NXB Văn học mong muốn nhận được sự vào cuộc và phối hợp của các doanh nghiệp để cùng tháo gỡ khó khăn như: Các công ty mạng viễn thông có thể giảm phí thu từ bán sách điện tử hoặc có thể hỗ trợ cung cấp một số gói quy đổi lợi ích khác (hiện các nhà mạng thu 40-60% phí thu tiền); đối với đơn vị phát hành sách online, sách điện tử, giảm chiết khấu, miễn giảm một số chi phí khác, tăng lợi nhuận cho các nhà xuất bản, nhà sách, giảm giá thành sách để thu hút bạn đọc.

Cục trưởng Cục Xuất bản cho rằng, các NXB cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng phần mềm hỗ trợ quy trình quản lý và biên tập xuất bản để nếu dịch bệnh kéo dài, có nguy cơ lan rộng, các hoạt động xuất bản vẫn tiếp tục được thực hiện trên nền tảng công nghệ đã có. “Hiện Cục đang làm việc cùng Công ty cổ phần công nghệ AIV Group và Công ty InfoRe Technology để phát triển phần mềm này theo hướng đầu tư nhà nước ban đầu kết hợp xã hội hóa, doanh nghiệp viễn thông cho các đơn vị xuất bản thuê sử dụng. Đồng thời, tác động doanh nghiệp phát triển công nghệ AI hỗ trợ đọc sách, từ đó số hóa sách dưới dạng audio. Hiện audio đang là loại sách điện tử phát triển nhất ở các thị trường Mỹ và châu Âu với tốc độ tăng trưởng trên 20%”, Cục trưởng Cục Xuất bản Nguyễn Nguyên cho biết. 

 MẠNH TRUNG

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top