Phòng chống vi phạm pháp luật trong hoạt động VHTTDL: Thực trạng và từng bước chấn chỉnh những vi phạm

VHO- Nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong công tác phòng ngừa tội phạm và phòng chống vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực VHTTDL và gia đình; đảm bảo môi trường hoạt động kinh doanh VHTTDL an toàn, lành mạnh, công bằng, Đề án “Phòng ngừa tội phạm và phòng chống vi phạm pháp luật trong hoạt động VHTTDL” do Bộ VHTTDL ban hành trong những năm qua đã được triển khai mạnh mẽ và mang lại hiệu quả thiết thực, dần hình thành môi trường lành mạnh trong từng lĩnh vực.

 Qua đó, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước mà Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) đã đề ra.

Những mục tiêu cụ thể

Đề án “Phòng ngừa tội phạm và phòng chống vi phạm pháp luật trong hoạt động VHTTDL” giai đoạn 2017-2020 đã nêu rõ những mục tiêu cụ thể. Theo đó, đến năm 2020, giảm số vụ vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực VHTTDL so với năm 2016; đặc biệt là những vi phạm trong hoạt động kinh doanh lữ hành, kinh doanh lưu trú du lịch, lĩnh vực quyền tác giả và quyền liên quan. Đảm bảo 100% quyết định xử phạt vi phạm hành chính được thi hành.

Phòng chống vi phạm pháp luật trong hoạt động VHTTDL: Thực trạng và từng bước chấn chỉnh những vi phạm - Anh 1

 Những vi phạm về thực hiện nếp sống văn minh trong hoạt động lễ hội thường xuyên được chấn chỉnh

Đến năm 2020, 30% số đơn vị hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng (vũ trường, bar, karaoke) được truyền thông thay đổi hành vi về phòng ngừa tội phạm, phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động văn hóa. 25% số doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 30% số cơ sở lưu trú du lịch, khu du lịch được truyền thông thay đổi hành vi về phòng ngừa tội phạm; phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động du lịch và phòng, chống mua bán người, xâm hại tình dục trẻ em trong hoạt động du lịch.

100% người đứng đầu các liên đoàn, hiệp hội thể thao, 100% CLB thể thao chuyên nghiệp, 50% trung tâm huấn luyện thể thao các tỉnh, thành phố được tuyên truyền về phòng ngừa tội phạm, phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động thể thao. 25% nhà văn hóa, trung tâm văn hóa-thể thao, đoàn nghệ thuật, nhà hát, thư viện, trường học được truyền thông về phòng ngừa tội phạm, phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động. 100% cơ quan, đơn vị xây dựng nếp sống văn hóa công sở. 100% lực lượng thanh tra VHTTDL được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.

Đề án cũng nêu rõ mục tiêu 100% văn bản quy phạm pháp luật về VHTTDL được rà soát, hệ thống hóa. 100% văn bản quy phạm pháp luật về VHTTDL trong chương trình, kế hoạch được xây dựng và hoàn thiện. 80% đối tượng được triển khai thực hiện và theo dõi tình hình thi hành pháp luật về VHTTDL. Đối tượng thụ hưởng việc thực hiện đề án là công dân Việt Nam, khách du lịch đến Việt Nam, các tổ chức, cá nhân hoạt động VHTTDL, các cơ quan, đơn vị, trường học.

Ông Lương Đức Thắng, Phó Chánh Văn phòng Thường trực BCĐ TƯ Phong trào TDĐKXDĐSVH, Thành viên Tổ giúp việc BCĐ 138/CP của Chính phủ về phòng, chống tội phạm, phòng, chống mua bán người và ma túy cho biết, thông qua các hoạt động truyền thông tích cực, nhận thức và thay đổi hành vi về phòng ngừa tội phạm, phòng chống vi phạm pháp luật trong cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành VHTTDL đã được nâng cao. Đây là đề án có ý nghĩa thiết thực, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Ngoài ra, đề án còn được lồng ghép gắn với hoạt động cụ thể trong các phong trào thi đua yêu nước thuộc các lĩnh vực khác như: Xây dựng nông thôn mới, Bảo vệ môi trường, phòng, chống hàng giả, hàng kém chất lượng… và các cuộc vận động xây dựng cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa; xây dựng nếp sống văn minh và gia đình văn hóa.

Nghiêm túc chấn chỉnh vi phạm

Ông Lương Đức Thắng khẳng định, nâng cao nhận thức xã hội có vai trò quan trọng để tạo nên chuyển biến mạnh mẽ. Bởi vậy, trong quá trình thực hiện đề án, công tác tuyên truyền, biểu dương những gương điển hình cũng như phê phán những vi phạm ở từng lĩnh vực VHTTDL đã được đặc biệt chú trọng. “Nghiêm túc chấn chỉnh các hành vi vi phạm pháp luật chính là biện pháp mạnh nhằm xây dựng môi trường lành mạnh trong các lĩnh vực VHTTDL. Điển hình như những chuyển biến rõ nét trong các lĩnh vực như quản lý và tổ chức lễ hội; chấp hành quy định pháp luật về quyền tác giả, về bảo vệ và phát huy giá trị di tích, biểu diễn nghệ thuật, lĩnh vực điện ảnh, thể thao, du lịch…”, ông Lương Đức Thắng nhấn mạnh.

Song song công tác tuyên truyền, hoạt động thanh kiểm tra, xử lý vi phạm được nhận định là giải pháp mạnh nhằm tạo nên những chuyển biến cụ thể về hành vi, giảm thiểu số vụ việc vi phạm pháp luật. Theo số liệu năm 2019, Thanh tra Bộ VHTTDL đã thành lập 229 đoàn thanh, kiểm tra bao gồm: 14 đoàn thanh tra hành chính; 05 đoàn kiểm tra công tác phòng, chống tham nhũng; 01 đoàn kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật trong lĩnh vực điện ảnh; 209 đoàn thanh, kiểm tra chuyên ngành đối với 804 tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực VHTTDL. Qua thanh, kiểm tra đã phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 161 tổ chức, cá nhân; tổng số tiền phạt là 4.130 triệu đồng.

Riêng trong lĩnh vực văn hóa, năm 2019 đã có 164 đoàn thanh, kiểm tra được triển khai đối với 294 tổ chức, cá nhân; xử phạt vi phạm hành chính 115 tổ chức, cá nhân với tổng số tiền xử phạt là 3.590 triệu đồng. Ở lĩnh vực “nóng” là lễ hội, đã có 21 đoàn kiểm tra công tác quản lý, chuẩn bị tổ chức và tổ chức lễ hội được tiến hành tại Hà Nội và các tỉnh Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Dương, Hà Nam, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Hà Tĩnh, Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn, Nghệ An, Thanh Hóa, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, An Giang. Có 92 lượt di tích, lễ hội đã được thanh, kiểm tra.

Đây là lĩnh vực luôn thu hút sự quan tâm của dư luận và truyền thông. Nhiều năm qua, những thay đổi cũng như tồn tại, chưa chấp hành những quy định pháp luật trong công tác quản lý, tổ chức hoạt động lễ hội đã thường xuyên được chấn chỉnh. Theo kết quả thanh tra năm 2019, một số tồn tại trong lễ hội của những năm trước đã cơ bản được khắc phục như: Quy hoạch, sắp xếp hàng quán dịch vụ, nơi trông giữ phương tiện; tình trạng chèo kéo, nâng giá, ép giá, mê tín dị đoan, cờ bạc trá hình, ăn xin… Bên cạnh đó, vẫn còn những hiện tượng tiêu cực như đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch, tiếp nhận công đức bằng hiện vật, hàng quán dịch vụ lấn chiếm lối đi, không thu gom tiền dầu nhang kịp thời… Thanh tra Bộ VHTTDL đã yêu cầu chính quyền các địa phương, BQL di tích, BTC lễ hội chấn chỉnh, khắc phục tồn tại và tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân khi tham gia hoạt động lễ hội.

Nhận định mùa lễ hội đầu năm 2020 đã diễn ra trong một bối cảnh hoàn toàn khác so với trước, Cục Văn hóa cơ sở, Bộ VHTTDL cho biết, những vi phạm thường gặp trong hoạt động lễ hội trước đây, qua từng năm đã giảm rõ rệt. Đơn cử như các hiện tượng đốt vàng mã tràn lan, đổi tiền lẻ chênh lệch giá, xô đẩy chen lấn tạo hình ảnh phản cảm, cờ bạc trá hình… Công tác tuyên truyền, phòng chống vi phạm pháp luật đã có những tác động tích cực, góp phần thay đổi cơ bản nhận thức và hành vi của người tham gia các hoạt động ở một lĩnh vực “nóng”, luôn thu hút sự quan tâm của dư luận và xã hội. 

 

Gần 500 triệu đồng xử phạt vi phạm hành chính trong du lịch năm 2019

Phòng chống vi phạm pháp luật trong hoạt động VHTTDL: Thực trạng và từng bước chấn chỉnh những vi phạm - Anh 2

22 đoàn thanh tra đã được Thanh tra Bộ VHTTDL triển khai trong năm 2019 đối với 270 tổ chức, cá nhân; xử phạt vi phạm hành chính 37 tổ chức, tổng số tiền phạt là 442,5 triệu đồng. Cụ thể, có 14 đoàn thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh du lịch đối với 203 tổ chức, cá nhân tại 15 tỉnh, thành. 8 đoàn thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh du lịch và bảo vệ môi trường trong lĩnh vực du lịch đối với 67 tổ chức, cá nhân.

Thanh tra Bộ đã xử phạt vi phạm hành chính 37 tổ chức có các hành vi vi phạm “Không thực hiện đúng chế độ lập, lưu trữ hồ sơ, tài liệu”, “Không có hợp đồng lữ hành bằng văn bản với khách du lịch hoặc đại diện khách du lịch”, “Không thực hiện đúng chế độ báo cáo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền”… Ngoài số tiền phạt 442, 5 triệu đồng, đã tước quyền sử dụng có thời hạn quyết định công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch đối với 02 tổ chức.

MINH NGỌC

 

BẢO ANH

Ý kiến bạn đọc