Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

29 Tháng Ba 2024

Thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia: Một bàn tay không thể vỗ thành tiếng

Chủ Nhật 15/12/2019 | 16:51 GMT+7

VHO- Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia có hiệu lực (ngày 1.1.2020), hiện Bộ Y tế đang khẩn trương xây dựng các kế hoạch để việc thực thi Luật một cách  có hiệu quả. 

Tiêu thụ rượu bia từ góc nhìn ở một xã

Một nghiên cứu mới đây của Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD) tại xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà, tỉnh Hà Nam cho thấy tất cả các thôn đều có các điểm bán và sản xuất rượu bia tập trung ở nhiều dọc trục đường chính, quán bia luôn kèm theo bán rượu; quán rượu không nhất thiết phải bán bia, chủ yếu là rượu sản xuất tại hộ gia đình.

Nghiên cứu cũng cho thấy rượu bia có sẵn ở các cửa hàng các loại, từ quán cơm bình dân, tới nhà hàng, cửa hàng tạp hoá, hay quán nước chè…; giá rẻ, chỉ 25.000-30.000 đồng/lít rượu, 10.000 -12.000 đồng/lon bia, ai mua cũng được, mua tuỳ theo nhu cầu, thậm chí có thể mua chịu, mua nợ. Thanh niên chủ yếu uống bia, người già uống rượu với lượng trung bình 300ml -2 lít bia/lần uống, 180 – 500ml rượu/người/ngày. Bác sĩ Hoàng Thị Bằng, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, người có tuổi thường uống rượu tự nấu trong làng vì không có đủ tiền mua bia và thói quen uống rượu không thể ngừng được nên uống rượu tự nấu cùng quan điểm cho rằng rượu tự nấu chất lượng hơn, hợp khẩu vị hơn. Trong khi đó, chính quyền địa phương, các cửa hàng hầu như không hiểu về thuế rượu bia mà chỉ nộp thuế môn bài chung cho tất cả các mặt hàng.

Từ ngày 1.1.2020, việc tiêu thụ, sử dụng rượu bia sẽ bị cấm ở một số điểm, đối tượng

Cũng theo bác sĩ Hoàng Thị Bằng, hậu quả do rượu bia gây ra tại xã này cũng như nhiều nơi khác như tại nạn giao thông, bạo hành gia đình… Như ông Trịnh Văn A sau khi uống rượu đã bị tai nạn giao thông khiến ông bị vỡ quai hàm, mắt lồi ra, xương đùi chân phải bị gẫy. Hiện nay ông đang phải sống trong tình trạng mắt bị giảm thị lực, đau đầu, mất ngủ thường xuyên, chân bị teo cơ, đi lại khó khăn. Mỗi tháng ông lên cơn động kinh 1-2 lần, chỉ nằm ở nhà, không làm được việc gì.  Từ một người chồng là trụ cột trong gia đình thì sau tai nạn giao thông, tất cả đều dồn xuống vai người vợ, con cái bỏ học vì không đủ tiền chi phí.

Một nạn nhân khác là chị Dương Thị C (thôn Đoan Vĩ), suốt 14 năm trời, chị phải chịu cảnh bị chồng đánh đập mỗi khi uống rượu xong, có tháng ngày nào chị cũng bị đánh. Nhiều lần chị phải nhập viện điều trị và giờ đây chị bị hỏng mắt sau một lần bị chồng ném thanh củi vào mặt và trúng một bên mắt. Mặc dù bị chồng bạo hành nhưng chị không dám kể với bố mẹ đẻ, chị phải trốn ngủ ở chuồng lợn vì không muốn con cái bị thiệt thòi vì không có bố hoặc mẹ. Nhưng dù chị đã trốn ở đó mà chồng chị vẫn không để yên, tiếp tục xông vào đánh chị. Cũng chỉ vì rượu mà chồng chị từ một người chồng, người cha tốt chăm chỉ làm ăn đã trở thành người rối loạn tâm thân, nợ nần khắp nơi… Hiện chị C đã đưa bốn người con trở về sống với bố mẹ đẻ, và có việc làm ổn định.

Nghiên cứu còn chỉ rằng, cả xã đang nằm trong nguy cơ nghiện rượu bia ngày càng tăng, cả về độ rộng bao phủ (số người uống bia rượu) và độ sâu ( mức độ tiêu thụ cho mỗi lần uống) và không có bất cứ hành động nào hữu hiệu của hệ thống chính quyền ngăn chặn tệ nạn rượu bia. Điều đáng nói là trẻ em, thanh thiếu niên có thể tự do tiếp xúc với rượu bia và được cho uống từ rất sớm.

Khó nên cần sự chung tay của các ngành và đồng lòng của người dân 

Ngay sau khi Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia được Quốc hội khoá XIV thông qua với 84,3% đại biểu tán thành, đã được các chuyên gia đánh giá đây là một bước tiến lớn của Việt Nam trong việc hạn chế các tác hại do lạm dụng đồ uống có cồn. Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định: “Đây là lần đầu tiên Việt Nam có một đạo luật điều chỉnh đầy đủ, hoàn chỉnh đối với vấn đề phòng, chống tác hại của rượu, bia, đồng thời, đây cũng là đạo luật khó do liên quan đến thói quen, hành vi tiêu dùng của người dân vì vậy để đạo luật này đi vào cuộc sống, bảo đảm tính khả thi và hiệu quả thì công tác tuyên truyền, phổ biến, triển khai Luật là hết sức quan trọng”.

Mặc dù Ban soạn thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia từng lên tiếng thừa nhận sau các lần xin ý kiến các bên và chỉnh sửa, các quy định trong Luật đã bị “suy yếu” dần nhưng trong Luật vẫn có những điểm sáng ở một số quy định thể hiện sự quyết liệt, quyết tâm của các nhà làm luật. Theo bà Trần Thị Trang, Phó Vụ Trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia của Việt Nam có nhiều điểm mới để các quốc gia khác tham khảo về cả quá trình vận động xây dựng Luật cũng như các nội dung trong Luật. Luật phòng, chống tác hại của rượu bia thể hiện tính toàn diện ở mọi khía cạnh về nguồn lực và các biện pháp tổng thể để giảm sự tiêu thụ sẵn có; giảm khả năng dễ tiếp cận để kiểm soát nguồn tiêu thụ rượu bia và giảm tác hại của rượu bia.

“Điểm tiến bộ của Luật là quy định cấm người điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Trong khi đó, ở một số quốc gia khác ở châu Âu, có nơi vẫn có quy định cho ngưỡng dao động 0,2 đến 0,5 mg/lít khí thở đối với người điều khiển phương tiện giao thông. Luật cũng đưa ra các quy định cấm mà lâu nay là thói quen của người uống rượu đó là xúi giục, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu bia; người chưa đủ 18 tuổi uống rượu bia; cấm bán, khuyến mãi, cung cấp rượu bia cho người chưa đủ 18 tuổi. Cấm uống rượu bia ở các cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, nuôi dưỡng trẻ dưới 18 tuổi…”, bà Trang nói.

Các chuyên gia đánh giá, để đưa Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức bởi liên quan đến thói quen, tập quán của người dân. Không những thế, ý thức chấp hành luật của người dân chưa cao. Bà Trần Thị Trang cho biết,  Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch triển khai Luật Phòng chống tác hại của rượu bia theo chỉ đạo của Chính phủ trong ngành y tế và địa phương, trong đó có việc tuyên truyền, phổ biến nội dung của Luật và các quy định của pháp luật, hướng dẫn sàng lọc, phát hiện sớm nguy cơ đối với sức khỏe của người uống rượu,bia, cần thiệp giảm tác hại cho người có yếu tố nguy cơ đối với cộng đồng… Tuy nhiên, một bàn tay không thể tạo nên tiếng vỗ, Luật không thể triển khai một cách có hiệu quả nếu không có sự chung tay của các bộ ngành khác như Bộ Công thương (quản lý chặt công tác kinh doanh rượu bia, sản xuất rượu thủ công), Bộ Công an (xử phạt nghiêm với hành vi vi phạm)… cũng như chính quyền địa phương và sự tuân thủ luật pháp của cộng đồng.

 

QUỲNH HOA

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top