Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Xây dựng Khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú (Hà Giang): Bộ VHTTDL đã hai lần có văn bản

Thứ Tư 23/10/2019 | 11:18 GMT+7

VHO-  Liên quan đến những thông tin báo chí phản ánh về việc Hà Giang xây dựng Khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh nơi Cột cờ Lũng Cú, Bộ VHTTDL đã có các văn bản nêu rõ quan điểm đối với Dự án này. Trong đó, Bộ nhấn mạnh, Cột cờ Lũng Cú có giá trị nhiều mặt về lịch sử và danh lam thắng cảnh, cần hạn chế tác động tới giá trị di tích Cột cờ Lũng Cú cũng như cảnh quan môi trường của di tích. 

Dự án Khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú (xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) do UBND tỉnh Hà Giang phê duyệt cho chủ đầu tư là Tập đoàn Phúc Lộc. 

 Dự án xây dựng Khu Du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú được tỉnh Hà Giang cho phép triển khai đang gặp phản ứng từ nhiều chuyên gia. Ảnh: HỮU THẮNG 

Ngày 17.4.2018, Bộ VHTTDL đã có văn bản nêu ý kiến đối với Dự án Khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú. Công văn cho biết, dự án dự kiến triển khai gồm: Khu tâm linh chùa Lũng Cú nằm ở phía Đông Bắc, có sử dụng một phần diện tích đất khu vực bảo vệ I và II của di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh cấp quốc gia Cột cờ Lũng Cú và Khu đại tượng Phật nằm ở phía Tây Nam, tiếp giáp với khu vực bảo vệ II của di tích Cột cờ Lũng Cú. 
Sau khi nghiên cứu, Bộ VHTTDL nêu ý kiến cho rằng, trong phạm vi thực hiện dự án có di tích Cột cờ Lũng Cú với giá trị nhiều mặt về lịch sử và danh lam thắng cảnh, bao gồm các yếu tố cần được bảo vệ như: Cột cờ Lũng Cú được xây dựng trên đỉnh núi Rồng, 2 hồ nước (mắt Rồng) ở hai bên núi Rồng, cảnh quan núi Rồng và hệ sinh thái trên núi đá vôi...Vì vậy, để hạn chế tác động tới giá trị di tích Cột cờ Lũng Cú cũng như cảnh quan môi trường của di tích, Dự án cần điều chỉnh và lưu ý một số vấn đề: Cần làm rõ sự phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của Khu Du lịch quốc gia Cao nguyên đá Đồng Văn đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030 và Quy hoạch xây dựng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn đến năm 2030. 
Bộ lưu ý, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa và du lịch tâm linh là ba loại hình du lịch có sự khác biệt về tính chất, dẫn đến sự khác nhau về thị trường khách du lịch, về thị hiếu khách du lịch cũng như các dịch vụ phục vụ khách du lịch. Do đó, Dự án cần xác định loại hình du lịch trọng tâm. Quan điểm của Bộ cho rằng tại đây nên phát triển du lịch sinh thái, chinh phục và thưởng ngoạn địa hình gắn với tìm hiểu các giá trị văn hóa dân tộc thiểu số nơi địa đầu Tổ quốc để bảo tồn các giá trị lịch sử, cùng các giá trị văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc của địa phương. 
Trong phạm vi khoanh vùng bảo vệ di tích Cột cờ Lũng Cú, Bộ lưu ý Hà Giang không xây dựng các công trình và chuyển đổi mục đích sử dụng đất trong khu vực bảo vệ di tích Cột cờ Lũng Cú. Bảo vệ nguyên trạng hai hồ nước, kết hợp chỉnh trang cảnh quan địa hình tự nhiên vốn có bao quanh hai hồ nước. Cải tạo, chỉnh trang các công trình hiện có dưới chân núi, việc đầu tư, xây dựng công trình khu nghỉ (homestay) cần gắn với các buôn, bản dân cư hiện có, để khai thác thế mạnh của loại hình du lịch này, đồng thời qua đó điều chỉnh phạm vi việc xây dựng công trình mới ra khu vực bảo vệ II của di tích Cột cờ Lũng Cú. 
Ở công văn này, Bộ cũng lưu ý UBND tỉnh Hà Giang cần xin thêm ý kiến của một số Bộ, ngành liên quan: Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Tôn giáo Chính phủ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam... Đồng thời, phương án xây dựng Khu tâm linh chùa Lũng Cú nên tham khảo theo kiến trúc truyền thống. 
Ngày 11.6.2018, Bộ VHTTDL tiếp tục có văn bản gửi UBND tỉnh Hà Giang, nêu ý kiến sau khi Bộ nhận được Công văn của UBND tỉnh Hà Giang giải trình ý kiến của Bộ VHTTDL tại văn bản ngày 17.4.2018. Trong văn bản này, Bộ đề nghị UBND tỉnh Hà Giang lưu ý một số vấn đề: Bổ sung các giải pháp chỉnh trang cảnh quan di tích Cột cờ Lũng Cú và cảnh quan tự nhiên vốn có bao quanh hai hồ nước tại di tích. Giao Sở VHTTDL tỉnh Hà Giang tổ chức cắm mốc giới các khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích Cột cờ Lũng Cú theo quy định để đảm bảo giữ được không gian cảnh quan và các yếu tố cấu thành giá trị của di tích Cột cờ Lũng Cú. Bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống và đặc điểm văn hóa dân tộc đặc sắc của các bản làng dân tộc thiểu số trong khu vực. 
Bộ VHTTDL cũng yêu cầu UBND tỉnh Hà Giang thực hiện đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật hiện hành, trong đó, cần đề xuất được những giải pháp bảo vệ môi trường nhằm tránh gây ảnh hưởng tới di tích Cột cờ Lũng Cú và hoạt động phát triển du lịch tại Công viên địa chất toàn cầu và Khu du lịch quốc gia Cao nguyên đá Đồng Văn. 
Bộ yêu cầu Dự án cần bám sát Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Khu du lịch quốc gia Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang đến năm 2025, tầm nhìn 2030; Quy hoạch xây dựng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn tỉnh Hà Giang đến năm 2030 để tính toán giảm quy mô xây dựng các công trình, đảm bảo bảo vệ hệ sinh thái trên núi đá vôi và cảnh quan môi trường tự nhiên. 
Một lần nữa ở công văn này, Bộ VHTTDL lưu ý UBND tỉnh Hà Giang cần xin thêm ý kiến của một số Bộ, ngành liên quan: Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Tôn giáo Chính phủ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam... và nhân dân địa phương để tạo sự đồng thuận trước khi triển khai Dự án. 
Chia sẻ quan điểm trên báo chí, nhiều chuyên gia cho rằng, dự án ở vị trí đặc biệt nơi biên cương Tổ quốc như Khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú cần phải đánh giá tác động của dự án tới văn hóa, xã hội của người dân địa phương, đặc biệt phải tham vấn ý kiến của người dân. Dự án cũng đồng thời đặt ra câu hỏi về chính sách phát triển du lịch tại các địa bàn đặc biệt. Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam (Bộ VHTTDL), phát triển du lịch được xem là một giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, tuy nhiên, cần chú ý đến phát triển theo chiều sâu, hướng tới sự phát triển hài hòa và bền vững.

HOÀNG VY 

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top