Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Kỳ thi THPT quốc gia 2019: Còn đó những băn khoăn

Thứ Hai 01/07/2019 | 10:37 GMT+7

VHO- Gần 50.000 cán bộ, giảng viên được điều động từ 216 đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng tham gia phối hợp tổ chức kỳ thi, cùng với lực lượng coi thi tương ứng tại các địa phương, chỉ tính sơ bộ chi phí đi lại, ăn ở cho hàng chục vạn cán bộ như vậy tốn một số tiền cực lớn. Đó là chưa tính đến chi phí cho các lực lượng công an, bảo vệ, cán bộ các địa phương phối hợp làm nhiệm vụ. Và trên hết là gần 1 triệu thí sinh cùng gia đình của họrất vất vả để tham gia kỳ thi. 

Thí sinh Trường THPT chuyên Hưng Yên sau giờ thi Văn

Vẫn còn cồng kềnh, tốn kém 

Kỳ thi gồm 1.980 điểm thi với 38.050 phòng thi, huy động gần 50.000 cán bộ, giảng viên được điều động từ 216 đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng tham gia phối hợp tổ chức kỳthi. Đó là con số được Bộ GD&ĐT cung cấp. Theo quy định, cùng với số cán bộ giảng viên các trường ĐH, CĐ làm nhiệm vụ, các địa phương cũng phải điều động một số lượng tương ứng giáo viên địa phương làm giám thị tại kỳ thi. Phải đưa một số lượng lớn cán bộ giảng viên đi làm nhiệm vụ ở xa như vậy khiến nhiều trường ĐH phải bù chi những khoản kinh phí rất lớn. Đơn cử Trường ĐH Bách khoa Hà Nội là đơn vị phải huy động nhiều cán bộ, giảng viên đi phục vụ kỳ thi THPT quốc gia nhất, tới 841 người. Địa phương mà trường được Bộ GD&ĐT giao nhiệm vụ phối hợp tổ chức thi là Thanh Hóa, một trong những nơi có đông thísinh dự thi nhất nước. Trường phải thuê xe chở cán bộ từ Hà Nội đến tận từng điểm thi. Theo quy định, địa phương khoán cho mỗi cán bộ làm nhiệm vụ chỉ 300.000 đồng tiền xe cả đi và về. Còn trường phải hỗ trợ các cán bộ làm công tác thì tiền ăn, nghỉ ngoài khoản công tác phí. Tổng kinh phí trường phải bù vào là hơn 500 triệu đồng. Nhưng làm nhiệm vụ tại Thanh Hóa là còn “gần”, một trường ĐH ở Hà Nội còn được cử làm nhiệm vụ tận Quảng Trị, chỉ việc di chuyển bằng ô tô từ Hà Nội vào Quảng Trị đã rất vất vả, việc đến các điểm thi ở vùng xã của Quảng Trị còn khó khăn gấp bội… Nhiều người cho rằng, giánhư có phương án sử dụng lực lượng cán bộ giáo viên tại chỗ làm nhiệm vụ tại kỳ thi thì sẽ đỡ tốn kém và đỡ vất vả hơn rất nhiều. 

Lo ngại về sự nghiêm túc 

Tình trạng gây khó khăn, thậm chí cản trở phóng viên báo chí tác nghiệp tại một số điểm thi ở các điểm thi tại kỳ thi THPT quốc gia 2019 khiến dư luận đặt câu hỏi, phía trong các điểm thi có vấn đề gì mà một số cán bộ làm công tác thi tại đây không muốn phóng viên vào tác nghiệp? 

Tại buổi họp báo kết thúc kỳ thi, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết, tại Phú Thọ, ở môn thi Ngữ văn, sau 2/3 thời gian làm bài, một thí sinh tự do sinh năm 1988 (đi thi lần thứ 3) sử dụng điện thoại di động chụp đề bài chuyển ra bên ngoài. Thí sinh này bị đình chỉ thi và 2 cán bộ coi thi cũng bị đình chỉ, Công an tỉnh Phú Thọ đang xác minh làm rõ vụ việc này. Với lực lượng làm nhiệm vụ đông đảo bao gồm cán bộ coi thi, giám thị hành lang, cán bộ phụ trách điểm thi, rồi các thiết bị giám sát phòng thi là camera… vậy mà thí sinh đem được điện thoại vào thi, sau đó chụp ảnh đề thi, gửi ra ngoài trong khi thời gian thi vẫn còn. Nhiều người không thể không nghi ngờ sự đảm bảo nghiêm túc, ít nhất ở khu vực xảy ra vụ việc. 

Theo các chuyên gia giáo dục, rõ ràng phương án thi THPT hiện hành tuy đã có những điểm mới nhất định nhưng vẫn bộc lộ những bất cập, dư luận còn đánh giá kỳ thi vẫn cồng kềnh, tốn kém khi phải huy động hàng vạn cán bộ làm công tác thi, số môn thi, nội dung chương trình trong các môn thi trải rộng khiến thí sinh bị sức ép nặng nề... Công tác đảm bảo an ninh tại kỳ thi được tăng cường nhưng vẫn còn những lỗ hổng… 

Xin trích ý kiến của một vị nguyên lãnh đạo ngành giáo dục góp ýchân thành để kết thúc bài viết: “Việc đánh giá, kiểm tra học lực học sinh đã được tiến hành thường xuyên qua các kỳ kiểm tra học kỳ, hằng năm và chuyển cấp… Sẽ rất tốt nếu như có thể rút gọn kỳ thi bằng cách giao cho các địa phương tổ chức sát hạch trình độ để công nhận tốt nghiệp cho học sinh học hết lớp 12, còn việc vào ĐH,CĐ thì giao cho các trường là gọn”. 

 QUỐC HÙNG
 

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top