Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Ốc bươu luộc, đặc sản miền quê giờ tìm ăn không hề dễ

Thứ Tư 26/06/2019 | 10:31 GMT+7

VHO- Ốc bươu, ốc vặn, ốc đá, ốc hút sống khắp đồng ruộng, ao hồ. Trong các loài ốc ở nước ngọt chỉ loài ốc bươu là lớn con nhất. Theo Đông y, ốc bươu mang tính hàn, có công năng thanh nhiệt, lợi thủy. Ốc bươu được dùng để chữa trị chứng vàng da, cước khí, thủy thủng, mắt sưng, tiền liệt tuyến, tiểu không thông, xơ gan cổ trướng, đái tháo đường. Trên hết, ốc bươu là một đặc sản miền quê.

Từ con ốc bươu dân dã chốn bùn lầy nước đọng, người ta có thể chế biến lắm món khoái khẩu, thậm chí rất cầu kỳ. Có người lựa những con ốc bươu to, đẹp cho vào giỏ tre treo giàn bếp đến mấy tháng, sau đó mang xuống rửa sạch bụi khói, ngâm nước vo gạo nửa ngày, loại bỏ những con ốc chết rồi thả vào một chiếc mâm có đập sẵn mấy quả trứng gà.

Đang đói, ốc ta ăn hết phần trứng trong mâm. Chừng ba bốn giờ sau, ta đập vỏ lấy hết phần thịt ốc cho vào tô chưng cách thủy cùng táo Tàu, nhãn nhục, thục địa, câu kỷ tử. Cũng có người băm nhỏ thịt ốc với thịt heo cùng vài vị thuốc bắc rồi gói lá gừng, lá nghệ nhồi vào vỏ ốc mà hấp.

Còn các món ốc um, ốc nướng nước mắm, ốc nấu với chuối xanh thì thường thấy trong thực đơn ở các nhà hàng sang trọng. Song phải nói ốc luộc mới chính là món “chân truyền” khoái khẩu đệ nhất. Nhưng đâu phải ai cũng biết luộc ốc!

Trước khi luộc, ốc phải được rửa sạch. Sau đó ngâm ốc vào nước vo gạo qua đêm rồi xả lại bằng nước lã thật sạch. Muốn ốc sạch nhớt thì nhớ cho vào thau nước ngâm mấy quả ớt cay.

Ốc bươu luộc ngon hay không là ở bí quyết luộc. Ốc luộc phải đi kèm với các phụ liệu như sả cây, lá chanh (hoặc lá bưởi), tía tô, gừng củ, muối. Thiếu một món là chất lượng giảm ngay.

Cách luộc: Xếp sả cây (nguyên cả thân lẫn lá) và gừng củ đập dập xuống đáy nồi, xúc ốc trộn với lá tía tô (đã xắt nhỏ) đổ lên một lớp chừng mười đến mười lăm phân, sắp tiếp một ít lá chanh hay lá bưởi, rồi đổ hỗn hợp ốc và tía tô lên trên và cứ thế cho đến gần miệng nồi.

Nước luộc ốc chỉ một phần ba nồi. Trong nước dùng để luộc nhớ nêm muối vừa miệng. Khi luộc phải vừa lửa vì nếu để nước sôi già, thịt ốc dai mất ngon. Khi nước bùng sôi, thỉnh thoảng phải dùng vá cán dài đảo ốc để nước luộc thấm đều từng con. Tùy khẩu vị có thể cho thêm chút đường hoặc bột ngọt vào nồi nước luộc.

Cách ăn: Xúc ốc ra đĩa. Nước chấm kèm theo phải được làm bằng nước mắm ngon pha với gừng vàng, ớt đỏ giã nhỏ, thêm tí bột ngọt và vắt thêm quả quất xanh. Sau khi kết thúc bữa ốc luộc, các bạn nên húp một chén nước luộc ốc để phòng đau bụng (vì ốc mang tính hàn, nước luộc có sả-gừng-lá chanh sẽ giải trừ nguyên nhân làm lạnh bụng).

Món ốc bươu luộc này dường như ai cũng thích. Đàn ông thêm chút cay cay, đàn bà  kèm chút rượu nếp đục, trẻ nhỏ thì ăn no mới thôi. Ngon, bổ, rẻ, đã thế ốc bươu còn chữa được bệnh.

Ốc bươu là món ăn dân dã, quen thuộc và rất ngon miệng ở Việt Nam. Ở khu vực phía Bắc có món bún riêu ốc, ốc chuối đậu, ốc luộc lá chanh.... ở vùng Nam Bộ có món ốc hấp tiêu, ốc bươu hấp chấm với nước mắm gừng, ốc bươu nhồi... Ốc bưu nhồi thịt là món ngon mang hương vị đặc trưng của miền Bắc và được cải tiến tại Miền Nam.

Báo Phú Yên

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top