Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Đà Nẵng đưa nghệ thuật Tuồng thành sản phẩm du lịch đặc trưng: Cần sự phối hợp nghiêm túc và dài hơi

Thứ Hai 24/06/2019 | 10:46 GMT+7

VHO- Nhằm nỗ lực đưa nghệ thuật Tuồng đến với công chúng và hướng tới lộ trình xây dựng sân khấu Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh thành một địa chỉ văn hóa - du lịch trong tương lai, ngành văn hóa, du lịch, các công ty lữ hành tại Đà Nẵng tiếp tục “bắt tay” để tạo ra các sản phẩm nghệ thuật đặc trưng.

 Tiết mục dự kiến sẽ phục vụ khách du lịch từ tháng 7.2019

Đầu năm 2019, TP Đà Nẵng đã có văn bản về việc nâng cao hiệu quả, chất lượng chương trình biểu diễn nghệ thuật Tuồng trên địa bàn thành phố.

Lãnh đạo và nghệ sĩ phải quyết tâm

Ngoài việc đánh giá cao chất lượng nghệ thuật của Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, lãnh đạo thành phố cũng chỉ đạo nhà hát tiếp tục rà soát, đánh giá thực trạng của các chương trình biểu diễn nghệ thuật Tuồng phục vụ nhân dân và du khách; yêu cầu nghệ thuật Tuồng phải hướng đến thành một sản phẩm du lịch lâu dài, đặc sắc.

Trong buổi làm việc với Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh mới đây, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa cho rằng, điều cốt lõi của sự thay đổi mô hình hoạt động của nhà hát là để nơi đây sáng đèn hằng đêm, trở thành điểm nhấn văn hóa, điểm đến của khách du lịch nhằm thỏa mãn nhu cầu xem, nghe, nhìn của du khách, từ đó mới tạo ra doanh thu, cải thiện đời sống nghệ sĩ, diễn viên. “Sự phát triển sẽ là động lực để nghệ sĩ cống hiến cho nghệ thuật; tạo điều kiện bảo tồn, duy trì đặc trưng văn hóa của xứ Quảng. Sở VHTT phải dũng cảm trong lựa chọn mô hình hoạt động cho nhà hát. Lãnh đạo nhà hát và đội ngũ cán bộ, nghệ sĩ, diễn viên phải quyết tâm đổi mới”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Dựa trên những chương trình nghệ thuật thành công đã được công diễn, vừa qua Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đã tổ chức một chương trình nghệ thuật ra mắt các tác phẩm dự kiến sẽ đưa vào phục vụ khách du lịch bắt đầu từ tháng 7.2019. Chương trình diễn ra dưới sự đánh giá, thẩm định của Sở VHTT, các đơn vị liên quan như Sở Du lịch, đại diện các đơn vị lữ hành cùng tham gia đóng góp ý kiến. “Chúng tôi xây dựng chương trình bao gồm nhiều thể loại, tuy nhiên nghệ thuật tuồng chiếm khoảng 50%, tức là nhà hát muốn xây dựng chương trình gắn liền với thương hiệu nhà hát, mang đậm bản sắc riêng của vùng miền. Ngoài ra, nhà hát đã tiến hành khảo sát 6 đơn vị nhà hát Tuồng trong cả nước, tìm kiếm đối tác để liên kết, phối hợp đưa khách du lịch đến nhà hát, xây dựng chương trình nghệ thuật mới phù hợp với nhu cầu, thị hiếu du khách”, NSƯT Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh cho biết.

Cần sự vào cuộc của thành phố

NSƯT Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh cũng cho biết, việc chỉ trong một thời gian ngắn phải chuẩn bị hoàn thành và báo cáo chương trình mang tính dài hơi khiến nhà hát chịu nhiều sức ép. Các cán bộ, nhân viên nhà hát ai cũng phải cố gắng hết sức mình. Tuy nhiên trên thực tế vẫn có nhiều khó khăn còn tồn tại, ngoài vấn đề cần thiết phải đầu tư thêm trang thiết bị, quảng bá, marketing, vị trí đậu đỗ cho xe đón trả khách... thì vấn đề tuyển dụng cũng làm cho lãnh đạo nhà hát phải “đau đầu”.

“Nếu tuyển diễn viên tuồng thì họ có thể làm nghề đến 50 tuổi là hoàn toàn bình thường, nhưng bây giờ xây dựng chương trình phục vụ khách du lịch cần tuyển thêm diễn viên múa. Diễn viên múa chỉ hoạt động nghề được đến 35-40 tuổi. Nếu vào biên chế, sau khi hết tuổi múa và vẫn chưa đủ tuổi nghỉ hưu thì các em sẽ như thế nào? Nhưng nếu không tuyển thì thiếu người trầm trọng, bởi trong và sau Tết, các mùa lễ hội, diễn viên nhà hát đi phục vụ bà con nhân dân quanh địa bàn thành phố, các huyện ở Quảng Nam đã mất khoảng 60 - 100 buổi. Chúng tôi đã đề nghị lãnh đạo thành phố chỉ đạo các Sở, ngành liên quan hỗ trợ trong công tác quảng bá, nhân sự, vị trí đậu đỗ xe vì hiện nay tuyến đường xung quanh nhà hát rất chật chội, lãnh đạo nhà hát đã đề nghị Sở GTVT xem xét phương án cấm các xe đậu đỗ từ 19h30 - 20h để cho xe du lịch đổ khách, chọn điểm quy hoạch bãi đậu xe ngã tư Thái Phiên - Nguyễn Chí Thanh tạo điều kiện cho xe đến Nhà hát tuồng được đậu đỗ ở đó”, ông Tuấn thông tin. 

 Dự kiến, chương trình đầu tiên sẽ chính thức diễn ra hồi 19h30 ngày 16.7, vào các tối trong tuần; 17h 30 ngày Chủ nhật hằng tuần; nghỉ diễn vào ngày thứ 4. Trước mắt biểu diễn 15 suất miễn phí, sau đó công bố giá vé là 300.000 đồng/khách. Một số đơn vị lữ hành đã cam kết cùng chia sẻ với nhà hát bằng cách mua một số ghế cứng, đồng thời thành phố hỗ trợ 2,5 triệu/đêm trong năm đầu tiên để đảm bảo duy trì hoạt động tối thiểu của chương trình.

 

 N.HÀ

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top