Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Diễn viên được yêu mến như vậy là hạnh phúc

Thứ Tư 29/05/2019 | 11:49 GMT+7

VHO-Dòng phim “mì ăn liền” một thời đã thành công vì đâu? Vì sao nó lại đột ngột thoái trào và vai trò của dòng phim này là gì…? Đó là câu chuyện được nhiều người yêu điện ảnh quan tâm.

Diễn viên Lý Hùng trong vai Phạm Công - phim "Phạm Công - Cúc Hoa"

 Đây cũng là những băn khoăn được đưa ra thảo luận trong tháng phim “mì ăn liền” do Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh TPD tổ chức.

Định kiến

Nhắc đến phim “mì ăn liền” nhiều người nghĩ ngay tới một dòng phim đặc trưng ở đầu thập niên 90 của thế kỷ trước. Lúc bấy giờ, do phim màn ảnh rộng không được ưa chuộng, cộng thêm việc mỗi gia đình đều có đầu VHS nên các nhà sản xuất đua nhau làm phim rồi phát hành dưới định dạng băng video. Ưu điểm của dòng phim là sản xuất nhanh, quảng bá đơn giản và ra rạp chóng vánh để thu hồi vốn. Hàng loạt những bộ phim mang tính giải trí nhưng thu hút hàng triệu lượt khán giả chen chân đến rạp, có thể kể đến: Phạm Công - Cúc Hoa, Xương rồng đen, Lệnh truy nã, Anh chỉ có mình em, Vĩnh biệt Cali, Nước mắt học trò, Đam mê, Trái tim sỏi đá, Vị đắng tình yêu, Vĩnh biệt mùa hè… Sau này người ta gọi là phim “thị trường”, phim “thương mại” hay phim “mì ăn liền”. Và thời kỳ đó đã có những tên tuổi thực sự được công chúng yêu mến bởi diễn xuất tự nhiên, vào vai thoải mái như Lý Hùng, Diễm Hương, Lê Tuấn Anh, Việt Trinh, Lê Công Tuấn Anh, Y Phụng, Thu Hà…

Bàn về điều này, nhà báo Ngọc - Nick M bày tỏ: “Mì ăn liền để chỉ định danh dòng phim thương mại của Việt Nam trong một giai đoạn. Có thể hiểu đó là món ngon, nhiều người yêu thích nhưng không có “chất” gì cả. Những bộ phim mì ăn liền thường có câu chuyện đơn giản dễ xem, nhạc hay, diễn viên đẹp. Sản xuất dòng phim video thương mại rất nhanh, nếu sản xuất phim nhựa phải đầu tư khoảng 300-500 triệu đồng/phim, thì phim video chỉ khoảng 150-200 triệu đồng/phim. Phim thương mại phát triển rực rỡ, phong phú về thể loại: tình yêu, thanh xuân, kinh dị…”. Thời kỳ này, chúng ta cũng có những ngôi sao điện ảnh thực thụ và hình ảnh của họ xuất hiện trong phòng của các bạn trẻ. Họ thực sự là những ngôi sao thần tượng mà hiện giờ khó có diễn viên nào được yêu mến như vậy. Đạo diễn trẻ Đỗ Quốc Trung cho biết thêm: “Nhìn lại thời kỳ này có nhiều phim tốt, được nhiều người yêu thích, chẳng hạn như Vị đắng tình yêu giành giải Bông sen vàng năm 1993 ở hạng mục Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất và Nam diễn viên chính xuất sắc - Lê Công Tuấn Anh… Dòng phim này phát triển khá rực rỡ và có khá nhiều những phim tốt”. Tuy nhiên, nhắc tới phim “mì ăn liền” là nhiều người có định kiến về một giai đoạn làm phim cẩu thả, chất lượng kém. Và, thừa nhận sự phát triển của dòng phim này nhưng dòng phim “mì ăn liền” chỉ phát triển rực rỡ trong khoảng thời gian ngắn rồi bắt đầu “lao dốc” vào những năm 1994-1995. Với lối làm phim nhanh và tập trung vào những chủ đề tương tự nhau như: tình yêu trai gái, tình yêu học trò, giả dối, lọc lừa… không còn thu hút khán giả.

 Diễn viên Việt Trinh phim “Vĩnh biệt mùa hè”

Đòi lại công bằng

“Nhiều người kỳ thị dòng phim thương mại, phim giải trí và cho rằng làm phim chiều theo thị hiếu khán giả là sai. Cùng với đó, không ít người đang lo lắng, liệu có một “cái chết” cho điện ảnh Việt như thời phim “mì ăn liền” hay không khi hiện nay cũng tồn tại thực tế, có khoảng 40 phim/năm nhưng chỉ có một vài phim chất lượng tốt? Tôi có cùng quan điểm như đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, đến một lúc nào đó mình không đặt ra thế nào là phim thương mại hay nghệ thuật nữa, quan trọng là phim có hay hay không, phim có tử tế hay không và người sản xuất phim có làm bằng sự trân trọng khán giả, cũng chính là khách hàng của mình hay không”, đạo diễn Đỗ Quốc Trung bày tỏ.

Nhà báo Ngọc - Nick M tin rằng, các nhà làm phim hiện giờ sẽ không để xảy ra tình trạng bị phá sản vì làm phim như trước: “Họ sẽ không dồn tất cả vốn liếng vào phim để nhận cái kết bi thảm nữa. Chẳng hạn, nếu có 10 tỉ thì họ sẽ đầu tư 5 phim, trong đó sẽ có phim thắng, phim thua và họ không bị lỗ vốn. Rạp chiếu nhiều, số lượng phim sản xuất tăng lên, cùng với đó, cách khán giả cảm thụ phim ảnh cũng nâng lên. Khán giả cũng đòi hỏi cao hơn về chất lượng phim ảnh và nền điện ảnh không thể chết. Nhưng thay vào đó, các nhà làm phim không thể dễ dãi, hời hợt mà phải làm thật sự chỉn chu, tròn trịa thì sẽ ăn khách, chẳng hạn như: Em chưa 18, Những tháng năm rực rỡ... Đó là tín hiệu tốt, các đạo diễn không thể đi theo lối mòn mãi được, phải không ngừng sáng tạo”.

Diễn viên, NSƯT Thu Hà bày tỏ: “Tất cả các dòng phim, kể cả các phim đoạt giải thưởng lớn thì tôi cho rằng, yếu tố chính vẫn là khán giả. Mọi người cần hiểu khái niệm phim “mì ăn liền” là làm nhanh chóng, phù hợp với thị hiếu khán giả. Một số nhà làm phim chính thống có thể không thích nhưng thực sự cách làm phim ngày đó cũng không đến nỗi tệ. Khi đó sản xuất và phim ra rạp là đo được ngay hiệu quả, đó là điều tốt chứ. Mọi người có vẻ ác cảm với phim dòng đó, tôi thì không bênh vực bởi cũng có những phim rất nhạt nhẽo. Nhưng cũng phải thừa nhận, hồi đó diễn viên có được tình cảm yêu mến vô cùng từ khán giả. Chúng tôi đi đóng phim thường không thể ăn ngoài đường, hoặc ra khỏi khách sạn mà khán giả biết, như anh Lý Hùng thì sẽ bị cấu, xé hết cả quần áo. Nổi tiếng đi kèm với một chút phiền toái nhưng với người diễn viên được khán giả yêu mến như vậy là niềm hạnh phúc”. 

BẢO ANH

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top