Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Du lịch di sản văn hóa chưa hút khách

Thứ Tư 03/04/2019 | 10:48 GMT+7

VHO- Dù được đánh giá là một thành phố hội tụ đầy đủ các loại hình di sản văn hóa với nhiều lợi thế để hình thành nên những sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách, thế nhưng hiện có rất ít di sản trên địa bàn thành phố được đưa vào khai thác phục vụ du lịch, và còn rất nhiều di sản vẫn đang bị lãng quên, chưa đưa vào khai thác hoặc có khai thác nhưng còn hạn chế về tính hấp dẫn của sản phẩm nên không thu hút được du khách.

Hệ thống các bảo tàng là những điểm tham quan tiêu biểu của du khách trong nước và quốc tế khi đến TP.HCM

 Kết qủa kiểm kê tài nguyên du lịch của sở này cho biết, trong tổng số 111/258 tài nguyên du lịch văn hóa trên địa bàn thành phố được đánh giá thì chỉ có 24 tài nguyên được đánh giá là có tiềm năng cao và 25 tài nguyên là có tiềm năng. Thực trạng này cho thấy, tỉ lệ di sản văn hóa có tiềm năng để chuyển hóa thành sản phẩm du lịch còn khá khiêm tốn, và không phải di sản văn hóa nào trên địa bàn thành phố cũng có thể đưa vào khai thác du lịch được. Trong khi đó, hơn 95% tài nguyên du lịch của thành phố được xếp vào tài nguyên du lịch văn hóa.

Thống kê của Trung tâm Bảo tồn và Phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa (Sở VHTT TP.HCM) cho kết quả cũng không mấy khả quan. Cụ thể, trong tổng số 172 di tích được xếp hạng hiện có của thành phố thì khoảng chừng 40 di tích (chiếm tỉ lệ 23% ) thực sự được du khách trong nước và quốc tế quan tâm, có nhu cầu tham quan du lịch, và nằm trong tour của các công ty du lịch, lữ hành. Tuy nhiên, đa số các di sản hiện đang được khai thác phục vụ phát triển du lịch chủ yếu tập trung ở khu vực trung tâm thành phố, huyện Củ Chi và Cần Giờ.

Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, sự đóng góp của di sản văn hóa đóng góp vào sự phát triển của du lịch thành phố ngày càng được thể hiện rõ vai trò làm bệ phóng để ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Thế nhưng, tiềm năng này chưa được phát huy xứng tầm là bởi không ít di sản còn đơn điệu, chưa đủ sức hấp dẫn đối với du khách, một số điểm di sản còn hạn chế về thời gian mở cửa phục vụ khách tham quan. Mặt khác, nguồn nhân lực khai thác du lịch di sản văn hóa còn nhiều hạn chế cả về số lượng và chất lượng, rất hiếm hướng dẫn viên có khả năng giới thiệu được cho du khách, nhất là khách quốc tế các chuyên đề về văn hóa…

Đại diện Lữ hành Saigontourist chia sẻ, hơn 70% các đường tour dành cho du khách, nhất là khách quốc tế của đơn vị này đang xây dựng và triển khai đều khai thác từ các tài nguyên di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của thành phố. Bởi các điểm tham quan này hấp dẫn du khách từ chính những giá trị về kiến trúc văn hóa, lịch sử tài nguyên với những trải nghiệm đặc trưng. Điều này cũng phù hợp với xu hướng du lịch của du khách hiện nay là tìm hiểu các nền văn hóa khác lạ.

Nhìn nhận vấn đề trên, những người hoạt động trên lĩnh vực nghiên cứu văn hóa cho rằng, tiềm năng và sự đóng góp của di sản văn hóa đối với sự phát triển bền vững của TP.HCM ngày càng được khẳng định rõ ràng hơn. Thế nhưng sự đầu tư trở lại từ ngân sách cho hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị của hệ thống di sản trên địa bàn thành phố thì chưa thỏa đáng. Việc phát huy di sản văn hóa trong hoạt động du lịch cũng chưa thực sự hiệu quả, nhiều di tích chưa trở thành điểm đến của du khách. Tiến sĩ Đặng Hoàng Lan, Trường Đại học Văn hóa TP.HCM nhìn nhận, mặc dù có tiềm năng nổi bật nhưng TP.HCM vẫn tồn tại những hạn chế nhất định trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa để phát triển du lịch bền vững. Cụ thể, đến nay thành phố vẫn chưa có một quy hoạch tổng thể đối với các cụm di tích tương đồng về giá trị và kế hoạch dài hạn về tu bổ, tôn tạo di tích trên địa bàn. Đó là chưa kể những công trình di tích dù đã được đưa vào tu bổ nhưng bị kéo dài về thời gian và chậm về tiến độ.

Phó giáo sư tiến sĩ Trần Văn Ánh, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa TP.HCM khẳng định, để có những sản phẩm du lịch văn hóa thì không thể không không đầu tư cho hoạt động bảo tồn và phát huy di sản văn hóa. Bên cạnh câu chuyện đầu tư, các nhà làm du lịch phải tương tác được với cộng đồng địa phương để vừa nâng cao thu nhập cho cộng đồng, nhưng cũng thu hút được tiếng nói, sự tham gia và cơ hội được đóng góp của cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy tiềm năng của di sản văn hóa. Qua đó, làm phong phú hơn không gian của di sản để du khách được trải nghiệm và khám phá văn hóa, làm cho di sản trở nên sống động. Đối với TP.HCM, ngành văn hóa cần vạch ra được những định hướng lớn trong chiến lược bảo tồn di sản phục vụ mục tiêu phát triển của thành phố, trong đó có yêu cầu phát triển du lịch bền vững. Ngành du lịch cũng cần chỉ cho ngành văn hóa biết được “thượng đế” của mình cần những sản phẩm di sản nào? 

 HOÀNG HẢI

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top