Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Tiết lộ thông tin địa chỉ nữ sinh bị xâm hại:  "Xâm hại" lần này còn đau đớn hơn gấp nhiều lần!

Thứ Tư 03/04/2019 | 10:41 GMT+7

VHO- Cuối cùng cô giáo chủ nhiệm buộc phải gọi điện cầu cứu Tổng đài quốc gia 111 để bảo vệ học trò của mình khi được biết chính bố đẻ của em xâm hại tình dục suốt bốn năm liền. Có điều, bí mật đời tư của cháu này lại bị tiết lộ một cách “vô tâm”.

  Tương lai của nạn nhân sẽ thế nào khi thông tin đời tư bị tiết lộ Ảnh minh họa

Khi vụ việc nữ sinh lớp 9 ở huyện Ân Thi (Hưng Yên) chưa lắng xuống thì ngày 1.4 xuất hiện thông tin trên báo chí về người bố tại Bắc Giang xâm hại tình dục với chính con gái mình suốt 4 năm nay. Nhiều báo cho biết, thông tin được đưa ra từ Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111.

Tổng đài 111 nói gì?

Ngày 2.4, trao đổi với Văn Hoá, ông Nguyễn Công Hiệu, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn và dịch vụ truyền thông (Cục Trẻ em, Bộ LĐ,TB&XH) khẳng định, Tổng đài 111 có nhận được cuộc gọi của cô giáo về vụ việc người bố xâm hại con gái suốt 4 năm tại Bắc Giang nhưng không có chuyện Tổng đài cung cấp thông tin cho báo chí về vụ việc này.

Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn và dịch vụ truyền thông tỏ ra bức xúc vì sự việc bị đăng tải trên báo chí, thậm chí còn đưa tên cả Trường THCS nơi mà em này đang theo học. Mẹ của em cũng nhắn tin cho biết, báo chí tại vùng quê nơi mà định đưa em về sống trong thời gian tới cũng đăng thông tin này. “Dù báo chí không đưa tên của cháu, nhưng việc đưa ra một địa chỉ chính xác thì những người xung quanh đều biết đó là ai. Như vậy chẳng khác gì cháu bị xâm hại lần hai, mà lần này còn đau đớn hơn gấp nhiều lần, thậm chí là chặn luôn tương lai sau này của cháu. Khi sự việc chưa bị phát hiện thì sự xâm hại ấy chỉ trong phạm vi hẹp, ít người biết, nhưng để lộ ra thì ai cũng biết. Tương lai sau này của cháu sẽ như thế nào?”, ông Nguyễn Công Hiệu nói.

Theo ông Hiệu, ngay sau khi nhận được cuộc gọi, Tổng đài 111 đã hướng dẫn cho cô giáo thực hiện các hành động để bảo vệ bằng cách giữ cháu ở lại nhà của mình một cách bí mật. Đồng thời, Tổng đài 111 đã liên hệ với các cơ quan, đơn vị chức năng của tỉnh Bắc Giang bao gồm: Sở LĐ,TB&XH, Hội Phụ nữ tỉnh Bắc Giang, Công an và UBND tỉnh... để cùng phối hợp vào cuộc xử lý một cách nhanh chóng. Ngay chiều cùng ngày, mẹ của cháu đã từ quê đến Bắc Giang và hai mẹ con được đưa vào chăm sóc tại Trung tâm công tác xã hội tỉnh Bắc Giang (Sở LĐ,TB&XH) với sự đảm bảo an toàn tuyệt đối của nhiều lực lượng. Sự việc đang được triển khai tốt thì thông tin bị lộ cho báo chí.

Được biết gần đây, thấy sự mệt mỏi của học trò, cô giáo mới hỏi chuyện thì biết được sự việc và gọi điện thoại đề nghị được hỗ trợ, tư vấn từ Tổng đài 111. Đến nay hai mẹ con cháu đã được đưa ra khỏi Bắc Giang đến một địa chỉ khác để được cung cấp những dịch vụ hỗ trợ tốt hơn.

“Khi nhân viên Tổng đài 111 tiếp cận có nhận thấy tâm lý của cháu khá khác biệt, có thể do bị xâm hại trong thời gian dài. Do đó, việc điều trị sẽ khó khăn và mất nhiều thời gian hơn”, ông Hiệu cho hay.

Liên quan đến việc tiết lộ thông tin của nạn nhân bị bạo lực, xâm hại, Cục trưởng Cục trẻ em Đặng Hoa Nam quả quyết: Đó là vi phạm Luật trẻ em 2016, vi phạm quyền trẻ em về trực tiếp lộ những hình ảnh, thông tin bí mật đời tư của các em. Trước sự vi phạm này, trên mạng xã hội đã bắt đầu có một luồng dư luận đề cập đến lương tâm, trách nhiệm xã hội của một số người làm báo, kênh truyền thông và cơ quan báo chí. Về phía Cục Trẻ em, chúng tôi đã chính thức gửi công văn tới Cục Báo chí, Cục Phát thanh - truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT-TT), đề nghị các cơ quan này với chức năng là đơn vị quản lý, tham mưu và phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương để nhắc nhở những vi phạm. “Về lâu dài cần phải hoàn thiện và cụ thể những chế tài pháp luật để xử lý những cá nhân, cơ quan báo chí vi phạm nguyên tắc bí mật đời tư của công dân nói chung và trẻ em nói riêng. Theo kinh nghiệm một số nước trên thế giới, truyền thông chỉ đưa thông tin về thủ phạm, nghi phạm và tiến trình tư pháp, tuyệt đối không đưa thông tin về nạn nhân”, ông Đặng Hoa Nam nói.

Cha mẹ, người giám hộ phải chịu trách nhiệm

Ông Đặng Hoa Nam cho biết, Bộ LĐ,TB&XH đã có ý kiến đề nghị các cơ quan chức năng ngay lập tức phải triển khai những biện pháp tích cực hơn nữa để ngăn chặn bạo lực học đường. Bộ LĐ,TB&XH đã đề nghị với Bộ GD&ĐT cần tích cực hơn nữa trong việc triển khai công tác tham vấn, tư vấn tâm lý cho học sinh để nắm bắt tâm lý học sinh, tâm lý giáo viên và những vấn đề xảy ra trong trường học nhằm kịp thời xử lý, giải quyết. Vụ việc ở Hưng Yên cho thấy rõ ràng công tác tham vấn tâm lý học đường bị yếu và giáo viên, hiệu trưởng không hiểu biết pháp luật về bảo vệ trẻ em nên cố tình che giấu, bưng bít; chỉ đến khi không che giấu được nữa thì hậu quả xảy ra là rất nặng nề, tạo ra hình ảnh xấu cho xã hội.

Về những chế tài xử lý vi phạm đối với đối tượng trẻ em vi phạm pháp luật, Cục trưởng Cục trẻ em cho biết, không đồng ý với quan điểm pháp luật Việt Nam cần phải tăng hình phạt, đặc biệt là mức xử lý hình sự đối với các đối tượng trẻ em vi phạm pháp luật. “Điều này là trái với tinh thần của Công ước Liên Hợp Quốc về trẻ em, trái với các quy định pháp luật về bảo vệ trẻ em, trái với các chính sách, nguyên tắc phát triển, tiến bộ về giáo dục và tạo cơ hội cho trẻ em, trong đó có trẻ em vi phạm pháp luật”, ông Nam nhấn mạnh.

Giải pháp mà ông Nam đề cập đến đã đưa vào Luật là: Với người chưa thành niên thì người giám hộ, hoặc cha mẹ của các em phải chịu trách nhiệm về tất cả những thương tổn mà các em gây ra cho người khác. Người giám hộ hoặc cha mẹ các em phải đền bù theo Luật Dân sự để gia đình có trách nhiệm hơn với việc giám sát, theo dõi, giáo dục con em mình. Hiện nay mới chỉ có nhà trường, các tổ chức quản lý nhà nước chịu trách nhiệm; còn gia đình đứng ở đâu trong những vụ việc này? Giải pháp này không phải là tất cả, nhưng sẽ là một trong những biện pháp góp phần làm giảm bạo lực trong trường học, kết hợp với giáo dục chính bản thân học sinh phải hiểu biết pháp luật, tôn trọng nhân phẩm danh dự của bạn học.

 Dù báo chí không đưa tên của cháu, nhưng việc đưa ra một địa chỉ chính xác như thế thì những người xung quanh đều biết đó là ai. Như vậy chẳng khác gì em bị xâm hại lần hai, mà lần này còn đau đớn hơn gấp nhiều lần, thậm chí là chặn luôn tương lai sau này của em. Khi sự việc chưa bị phát hiện thì sự xâm hại ấy chỉ trong phạm vi hẹp, ít người biết, nhưng để lộ ra thì ai cũng biết. Tương lai sau này của cháu sẽ như thếnào?

(Ông Nguyễn Công Hiệu, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn và dịch vụ truyền thông, Bộ LĐ,TB&XH)

 

QUỲNH HOA

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top