Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Bất nhất trong cấp phép nhận chìm vật chất ở Dung Quất (Quảng Ngãi): Tỉnh quay ngoắt, nhà đầu tư “méo mặt”

Thứ Hai 01/04/2019 | 10:13 GMT+7

VHO- Sau rất nhiều thủ tục bắt buộc và qua nhiều cuộc họp với sự tham gia của các cấp chính quyền, cơ quan chức năng cho ý kiến, thẩm định, Bộ TN&MT mới ra quyết định cấp phép cho Công ty Cổ phần Thép Hoà Phát nhận chìm hơn 15 triệu m3 chất nạo vét ở cảng Dung Quất.

Tuy nhiên, trong khi nhà đầu tư đang thực hiện quy trình nhận chìm thì chính quyền, quan chức năng tỉnh Quảng Ngãi lại quay ngược 1800, nghĩa là phủ nhận chính những ý kiến của mình trước đó. Chính sự bất nhất này khiến nhà đầu tư phải khóc dở mếu dở.

Công trường bến cảng Khu liên hợp gang thép Hoà Phát Dung Quất

Trước… đồng thuận xin cấp phép

Để thực hiện đại dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hoà Phát Dung Quất, Công ty Cổ phần Thép Hoà Phát Dung Quất (viết tắt là Công ty) đã thực hiện các quy trình để xin ý kiến các ngành chức năng tỉnh Quảng Ngãi, Bộ ngành liên quan và Bộ TN&MT. Theo đó, nhà đầu tư xin nhận chìm khoảng 15 triệu m3 vật chất là cát nhiễm mặn, bùn trong quá trình thi công, nạo vét cảng.

Các biện pháp về đánh giá tác động môi trường, tham vấn cộng đồng, lấy ý kiến chính quyền địa phương sở tại cũng đã được chủ đầu tư, Sở ngành của tỉnh Quảng Ngãi thực hiện theo trình tự. Tại các cuộc họp, chính quyền địa phương, các Sở ngành đều thống nhất đồng ý cho Công ty Hoà Phát Dung Quất nhận chìm vật chất theo đúng quy trình đã được phê duyệt.

Cụ thể tỉnh Quảng Ngãi cũng đã có văn bản 3383/UBND-CNXD thống nhất thoả thuận lại vị trí nhận chìm ở biển. Địa điểm được tỉnh Quảng Ngãi lựa chọn nằm ngoài khơi vịnh Dung Quất, cách đảo Lý Sơn 28,3km về phía Đông, cách khu vực nạo vét luồng tàu khoảng 6,8km. Khu vực nhận chìm cũng là vùng biển của nhiều dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Công ty Doosan Vina nhận chìm vật chất nạo vét trước đây.

Tỉnh Quảng Ngãi khẳng định, việc nhận chìm ở biển đối với chất nạo vét khi thi công cảng là phương án khả thi hiện nay, đáp ứng yêu cầu tiến độ dự án. Đồng thời, với công nghệ hiện đại sẽ không ảnh hưởng đến Khu bảo tồn biển Lý Sơn và các nguồn lợi hải sản vùng ven biển. Đồng thời, tỉnh Quảng Ngãi cũng có văn bản 5506/UBND giao khu vực biển cho chủ đầu tư thực hiện. Tại cuộc họp do Bộ TN&MT, UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức ngày 26.10.2018, chính quyền địa phương huyện Bình Sơn, Lý Sơn cùng các Sở ngành liên quan đều nhất trí đồng ý nhận chìm vật chất nạo vét tại cảng Dung Quất.

“Nhận chìm chủ yếu là cát 86%, chỉ là chuyển từ biển, từ vị trí này sang vị trí khác thôi chứ không có gì, cũng là của biển hết. Vị trí thì chúng tôi đề xuất cách Lý Sơn trên 28km nên việc lan toả cũng ít. Biện pháp thi công và vùng biển đã được các nhà khoa học cho ý kiến rồi, ít san hô và hải sản. Đề nghị Bộ TN&MT phê duyệt hồ sơ nhận chìm và giao vùng biển cho nhà đầu tư làm”, ông Trần Ngọc Căng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đề nghị. Bên cạnh đó, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục có công văn 589/ CV-ĐĐBQH gửi Bộ TN&MT đề nghị sớm cấp phép nhận chìm vật liệu nạo vét của dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hoà Phát.

Trước sự đồng thuận cao của chính quyền địa phương, Bộ TN&M đã ra quyết định cấp phép số 372/GP-BTNMT ngày 21.2.2019 cho phép Công ty nhận chìm hơn 15 triệu m3 chất nạo vét khu vực cảng, luồng tàu ở cảng Dung Quất. Cụ thể, chất nạo vét khu vực cảng, luồng tàu ra vào cảng, khu bến cảng với khối lượng 15,39 triệu m3 (giai đoạn 1 là 7,69 triệu m3, giai đoạn 2 là 7,7 triệu m3). Thành phần vật chất nhận chìm gồm cát khoảng 86,4%, bùn sét 13,6%; Địa điểm nhận chìm thuộc vùng biển cảng Dung Quất thuộc xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn. Giấy phép cũng nêu rõ, khu vực nhận chìm có diện tích 180ha, với cách thức nhận chìm là dùng tàu hút bụng xả đáy tự hành loại 7.000m3 - 35.000m3.

Thời điểm nhận chìm từ tháng 3.2019 đến tháng 5.2020. Bộ TN&MT yêu cầu các phương tiện chuyên chở vật chất nhận chìm phải gắn thiết bị giám sát hành trình, đăng ký với cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ngãi. Liên quan đến vấn đề nhận chìm vật chất của Công ty, tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi vào chiều ngày 26.2 vừa qua, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cũng đề nghị các ngành chức năng tỉnh Quảng Ngãi tăng cường giám sát nhà đầu tư, nhà thầu trong quá trình thực hiện nhận chìm vật chất trên vùng biển Dung Quất nhằm đảm bảo việc thực hiện an toàn, đúng quy định.

Sau… đề nghị xem xét lại

Sau khi được cấp giấy phép nhận chìm vật chất nạo vét cảng, Công ty đã tiến hành thực hiện các quy trình tiếp theo để nhận chìm vật chất. Hiện chủ đầu tư đã thuê tàu, chuyên gia, triển khai lắp đặt trạm quan trắc tự động, xây dựng hệ thống thiết bị giám sát trực tiếp để các Sở ngành, người dân theo dõi, giám sát quá trình nhận chìm vật chất.

Thế nhưng trong khi nhà đầu tư đang trong quá trình triển khai thực hiện việc nhận chìm theo giấy phép thì tỉnh Quảng Ngãi lại đề nghị xem xét việc nhận chìm mà chính mình đã đồng ý trước đó. Trong một diễn biến mới nhất, bà Hà Thị Anh Thư, Bí thư Huyện uỷ Bình Sơn đã nêu ý kiến, việc nhận chìm như thế sẽ ảnh hưởng đến môi trường, thuỷ sản. Chia sẻ với báo chí bà Thư băn khoăn: “Vấn đề nhận chìm vật chất xuống biển là rất nhạy cảm, dư luận và bà con quan tâm vì sẽ tác động không tốt đến môi trường, ảnh hưởng đến nguồn lợi thuỷ sản, sinh kế của ngư dân ven biển”. Không chỉ “bất nhất” ở cơ sở, nhiều Sở ngành của tỉnh Quảng Ngãi cũng đồng loạt “đổi ý”, kiến nghị xem xét lại.

Ông Nguyễn Minh Tài, Trưởng ban quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi cho rằng, việc tận dụng cát nhiễm mặn làm vật liệu để san lấp mặt bằng cho các dự án có địa hình trũng sâu sẽ hạn chế vấn đề ô nhiễm môi trường và xử lý môi trường sẽ dễ hơn đối với việc nhận chìm ở biển. Đồng thời, bảo đảm nhu cầu về vật liệu san lấp mặt bằng cho các nhà đầu tư khác đã đăng ký đầu tư vào KKT Dung Quất. Sở TN&MT Quảng Ngãi cũng đổi ý việc nhận chìm. Trao đổi với báo chí, ông Đỗ Minh Hải, Giám đốc Sở TN&MT Quảng Ngãi cho biết, nếu UBND tỉnh, Bộ TN&MT cho phép san lấp bằng vật chất nạo vét từ cảng biển là rất an toàn, hiệu quả, khi có thể giải quyết từ 50 đến 70% lượng cát nhiễm mặn được nạo vét. Vừa giải quyết bài toán kinh tế cho chủ đầu tư, cho địa phương, vừa bảo đảm cuộc sống người dân các xã ven biển của huyện Bình Sơn.

Ông Lê Viết Chữ, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ngãi cũng cho rằng, hướng xử lý hiệu quả nhất là tận dụng khối lượng cát nhiễm mặn trong quá trình nạo vét, nâng cấp luồng tàu vào cảng Hòa Phát Dung Quất để san lấp một số vị trí dự án đã được quy hoạch tại Khu kinh tế Dung Quất.

Sau hơn hai năm nhà đầu tư là Công ty Thép Hoà Phát Dung Quất thực hiện các quy trình để được giấp phép nhận chìm vật chất qua sự đồng thuận của Bộ ngành Trung ương, chính quyền địa phương tỉnh Quảng Ngãi thì ngay sau đó, đồng loạt Sở ngành, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi lại đề nghị xem xét lại chính ý kiến của mình trước đó. Sự bất nhất trong việc nhận chìm vật chất của dự án có vốn đầu tư hơn 52.000 tỷ đồng khiến nhà đầu tư bất an và nhiều doanh nghiệp đang tìm kiếm cơ hội vào Quảng Ngãi cũng lo lắng không kém. 

 MINH HIỀN

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top