Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam- VITM Hà Nội 2019: Sân chơi chuyên nghiệp của doanh nghiệp du lịch

Thứ Sáu 29/03/2019 | 09:55 GMT+7

VHO- Mới hết một nửa thời gian của kỳ Hội chợ VITM 2019 nhưng có thể khẳng định đây là sân chơi chuyên nghiệp của các doanh nghiệp du lịch và là ngày hội của những người yêu du lịch.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện và các đại biểu cắt băng khai mạc 

 Hội chợ du lịch lớn nhất Việt Nam

Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam- VITM Hà Nội 2019 với chủ đề “Du lịch Xanh” đã chính thức khai mạc sáng ngày 27.3 tại Cung Văn hóa hữu nghị Hà Nội (91 Trần Hưng Đạo, Hà Nội). Tới dự có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Nhà nước về Du lịch; Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện; Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh; Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu và Đại sứ các nước; đại diện các Bộ, ngành, địa phương và hàng trăm doanh nghiệp du lịch.

Trong phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện đã khẳng định: “Năm 2019, du lịch Việt Nam phấn đấu đón từ 18 triệu lượt khách quốc tế trở lên, phục vụ 85 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt trên 700.000 tỉ đồng. Đây là mục tiêu phát triển cao, đặt ra sức ép lớn cho ngành Du lịch vừa tăng trưởng nhanh vừa đòi hỏi phát triển bền vững. Đồng thời cần tiếp tục đổi mới, năng động, sáng tạo, tận dụng tối đa sự phát triển của thành tựu khoa học công nghệ 4.0, phát huy tốt các lợi thế so sánh, giá trị và bản sắc địa phượng, vùng miền, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của khách du lịch quốc tế và nội địa, đưa Việt Nam trở thành điểm đến có tầm cỡ trong khu vực”.

Bộ trưởng cũng đánh giá cao vai trò của Hiệp hội Du lịch Việt Nam trong việc tạo ra sân chơi chuyên nghiệp này cho các doanh nghiệp du lịch vàđịa phương trong các hoạt động nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành Du lịch, sớm đưa du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra.

Năm nay, VITM Hà Nội 2019 có sự tham gia của trên 500 gian hàng của 720 doanh nghiệp từ 47 tỉnh, thành phố của Việt Nam và từ 27 quốc gia và vùng lãnh thổ. Lần đầu tiên VITM chào đón 2 quốc gia tham dự là Triều Tiên và Peru. Đặc biệt nhất, một chương trình kích cầu rộng lớn đã được các doanh nghiệp đồng loạt triển khai tại Hội chợ với sự tham gia của các hãng lữ hành quốc tế lớn hàng đầu Việt Nam và các hãng hàng không Vietnam Airlines, Jetstar Pacific với 100.000 vé máy bay giá rẻ và 18.000 tour du lịch kích cầu, có mức giảm 40- 60%. Ngay từ ngày đầu khai mạc, đã có hàng chục nghìn người dân tới tham quan và mua vé máy bay, tour du lịch kích cầu tại Hội chợ.

Diễn đàn Du lịch Xanh

Với chủ đề Du lịch Xanh, cũng trong ngày 27.3, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã tổ chức Diễn đàn Du lịch Xanh với sự tham gia của 1.000 khách mời. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Quang Tùng đã tới dự và có bài phát biểu tại Diễn đàn. “Chúng ta đã chứng kiến nhiều bài học kinh nghiệm cả trong nước và quốc tế liên quan đến việc sử dụng lãng phí tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường tự nhiên và môi trường văn hóa, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển du lịch”, Thứ trưởng Lê Quang Tùng lưu ý.

Thứ trưởng Lê Quang Tùng cũng khẳng định: “Ở Việt Nam hiện nay, các chính sách phát triển, chiến lược, quy hoạch, định hướng phát triển du lịch của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đều hướng đến mục tiêu phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, bền vững; phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường tự nhiên, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương, đóng góp chung vào sự phát triển của kinh tế xã hội và thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước”.

Thứ trưởng tin tưởng rằng ngành Du lịch Việt Nam sẽ ngày càng có nhiều sản phẩm, dịch vụ và điểm đến đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch xanh, phù hợp với sở thích và nhu cầu của du khách trong tương lai, đóng góp vào sự phát triển bền vững của ngành Du lịch, của đất nước.

Nhấn mạnh vào thực trạng triển khai du lịch xanh ở Việt Nam, GS.TS Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo (Hiệp hội Du lịch Việt Nam) chia sẻ: Việt Nam là quốc gia có tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa- nhân văn rất phong phú, đa dạng. Đó là điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch xanh. Nắm bắt được điều này, một số địa phương, công ty lữ hành, khách sạn đã xây dựng nhiều tour du lịch xanh; khách sạn đạt chứng chỉ xanh. Tất cả những tour du lịch này được thiết kế đều nhắm tới mục đích giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Điển hình trong số này là homestay “Thổi hồn người Mông vào du lịch” của Tráng A Chu (Vân Hồ, Mộc Châu, Sơn La) được đánh giá là điển hình tiêu biểu, có nhiều sáng tạo trong phát triển du lịch xanh. A Chu biết đến nghề du lịch năm 2013 nhưng đến năm 2018 homestay của A Chu đã đón 3.500 lượt khách lưu trú. Chia sẻ tại diễn đàn, A Chu cho biết bên cạnh xây dựng không gian sinh hoạt thân thiện với môi trường, anh còn xây dựng những hoạt động trải nghiệm về văn hóa, tập tục của người Mông cho du khách. Thậm chí, anh còn hỗ trợ những đoàn khách có nhu cầu muốn làm công tác thiện nguyện tại địa phương. Có thể thấy, đây là mô hình du lịch không chỉ “xanh” mà còn hướng đến phát triển du lịch cộng đồng, vì lợi ích của người dân địa phương.

Flamingo Đại Lải thì được nhắc tới như một mô hình nghỉ dưỡng xanh cao cấp với tiêu chí “sống sang trọng giữa thiên nhiên”. Ở khu nghỉ dưỡng này, 60% cảnh quan là núi đồi, vườn cây, rừng thông, cánh đồng hoa, thảm cỏ xanh đan xen với không gian nghỉ dưỡng.

Nhưng phải thẳng thắn thừa nhận, mặc dù đã có nhiều khởi sắc nhưng du lịch xanh ở nước ta vẫn đang gặp thách thức rất đáng lo ngại. Chẳng hạn như phát triển du lịch chưa tận dụng hết những ưu thế về tài nguyên thiên nhiên, phát triển du lịch chưa thực sự đi đôi với bảo vệ môi trường, bê tông hóa nhiều nơi có cảnh quan thiên nhiên đẹp. Nhiều điểm đến, rác thải, chất thải rắn, nước thải chưa được thu hồi dẫn đến thay đổi cảnh quan thiên nhiên, ảnh hưởng đến cảm nhận của du khách.

Phát triển du lịch xanh tại vùng sâu, vùng xa cũng đang gặp nhiều khó khăn. Thực tế cho thấy, nguồn vốn cấp cho những địa phương này để phát triển du lịch chưa nhiều dẫn đến tình trạng cơ sở vật chất còn nhiều hạn chế. Cơ chế, chính sách phát triển du lịch cho vùng sâu, vùng xa cũng cần được những người làm du lịch quan tâm hơn nữa để mọi nơi trên đất nước Việt Nam đều có thể là điểm đến xanh cho du khách trong nước và quốc tế.

Trong Dự thảo Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050, một trong những quan điểm Chiến được đề xuất là: “Phát triển du lịch có trách nhiệm trên nền tảng tăng trưởng xanh là yêu cầu xuyên suốt Chiến lược; gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc; quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học, chủ động ứng phó với biến đối khí hậu; giải quyết tốt nhất vấn đề việc làm và an sinh xã hội”.

Các đại biểu cũng nêu ý kiến: Nhà nước cần xây dựng và ban hành “bộ tiêu chí du lịch xanh”. Trên cơ sở đó các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp du lịch vận hành trong quá trình đầu tư, quy hoạch và kinh doanh. Nhà nước tiếp tục mở rộng, phát triển các ý tưởng và tham gia tích cực vào các hoạt động của Công ước quốc tế về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng nền kinh tế xanh. Chính quyền và doanh nghiệp cần đẩy mạnh hơn nữa đầu tư cho quảng bá xúc tiến du lịch xanh trong phạm vi toàn xã hội và quan trọng nhất là nâng cao ý thức của toàn dân trong phát triển du lịch xanh. 

 THÚY HÀ- ĐÌNH TOÁN

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top