Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Hạn chế tiến tới dừng hoạt động của xe máy ở Hà Nội: Ít tiền thì chịu khó đi... xe đạp!

Thứ Tư 20/03/2019 | 15:06 GMT+7

VHO-Ngày 19.3, trong cuộc trao đổi với báo chí, ông  Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở  GTVT Hà Nội cho biết, việc hạn chế  tiến tới dừng hoạt động của xe máy mới chỉ là đang nghiên cứu, xây dựng đề án. Sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt sẽ được công khai lộ trình thực hiện. Tại cuộc gặp, ông Viện  thẳng thắn cho rằng chọn phương tiện giao thông là quyền của cá nhân: Ít tiền có thể đi xe đạp, nhiều thì đi taxi.

Nhiều tiền đi taxi, ít tiền thì đi… xe đạp

Xung  quanh những thông tin liên quan đến đề án “Phân vùng hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới dừng hoạt động của xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030” của Hà Nội gây xôn xao dư luận, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị (Sở GTVT Hà Nội) cho biết đề án đưa ra 2 hình thức phân vùng: Hạn chế hoạt động theo tuyến đường; hạn chế hoạt động theo khu vực. Việc tổ chức hạn chế hoạt động có thể theo thời gian trong ngày và theo ngày trong tuần. Theo đó, các tuyến và khu vực hạn chế hoạt động xe máy phải có hệ thống vận tải hành khách công cộng và các phương tiện giao thông thay thế đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Việc tổ chức giao thông bảo đảm hợp lý, đáp ứng việc đi lại của người dân trong và ngoài khu vực hạn chế; bảo đảm việc kết nối giữa các loại hình phương tiện giao thông.

Trong khi đó, ông Vũ Văn Viện cho biết thêm, xe máy chỉ là một trong những phương tiện bị hạn chế. Đề án nêu toàn diện tất cả các loại phương tiện giao thông đường bộ đều bị hạn chế, quản lý với những chính sách riêng. Sở GTVT đang nghiên cứu để xây dựng lộ trình thực hiện. Dù là chủ trương đúng nhưng đây là việc làm khó. Sở đưa ra không phải để gây khó cho  dân mà để cùng bàn bạc, có lộ trình thực hiện. Sở GTVT cũng đang tiếp tục nghiên cứu những khu vực, những tuyến phố hạn hế hoạt động của xe máy và danh sách này sẽ được đưa ra lấy ý kiến nhân dân và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên, nguyên tắc của Đề án là dù hạn chế ở khu vực nào thì khu vực đó phải bảo đảm đáp ứng được nhu cầu vận chuyển công cộng cho người dân.

Theo ông Viện, dư luận ồn ào mấy ngày qua là do chưa hiểu rõ về đề án trên. Theo Nghị quyết của HĐND TP Hà Nội, việc dừng hoạt động xe máy ở các quận nội thành phải có lộ trình, giảm dần từng bước, chứ không phải đến năm 2030 là dừng.Giai đoạn 2019-2020 sẽ nghiên cứu xây dựng Đề án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Sau khi đề án được phê duyệt, thành phố sẽ công khai lộ trình thực hiện và triển khai tiếp các bước thực hiện. Theo ông Viện, “thấy thảm họa mà không làm gì thì thấy có lỗi với nhân dân và thế hệ mai sau. Việc Hà Nội triển khai thực hiện nhiệm vụ trên không mới, thậm chí là rất chậm so với chỉ đạo của Chính phủ”.

Ông Viện cũng cho biết đây là một việc làm rất khó, liên quan và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Do đó, việc nghiên cứu sẽ đưa ra lấy ý kiến người dân để cùng bàn bạc và xây dựng lộ trình thực hiện. Về thông tin sẽ hạn chế, cấm xe máy tại tuyến đường Lê Văn Lương, Nguyễn Trãi, đó mới chỉ là đề xuất chứ chưa có quyết định nào hết.

Tại buổi gặp, phóng viên Báo Văn Hóa đặt câu hỏi về việc nếu xây dựng đề án, có tính đến những hạn chế của các phương tiện giao thông công cộng, đơn cử như đường sắt đô thị Cát Linh, Hà Đông chỉ hoạt động từ 5h đến 23h; bên cạnh đó, thực tế đời sống của người dân đa dạng thì sẽ nghiên cứu, tính toán như thế nào, ông Vũ Văn Viện cho biết, lựa chọn phương tiện giao thông là quyền của mỗi cá nhân, nhưng phải phù hợp với lợi ích chung. "Đơn cử như mang đồ cồng kềnh hay mang gà sống lên các phương tiện công cộng là không được. Trong trường hợp này, người dân có thể chọn phương tiện khác: Ít tiền thì chịu khó đạp xe đạp, nhiều tiền thì đi taxi. Người dân phải chấp nhận một số quy tắc ứng xử phù hợp với yêu cầu của đô thị văn minh hiện đại và vì lợi ích chung", ông Viện nhấn mạnh.

Hạn chế xe máy tại 6 tuyến đường và một khu vực

Theo thông tin từ Sở GTVT Hà Nội, đơn vị này đang hoàn thiện Đề án phân vùng hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới dừng hoạt động của xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030. Theo đó, trước khi cấm xe máy hoạt động trong trung tâm thành phố vào năm 2030, Hà Nội dự kiến thí điểm hạn chế xe máy theo giờ từ thứ 2 đến thứ 6 trên các trục đường hướng tâm có đủ phương tiện công cộng đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. 2 tuyến đã có thời gian cụ thể về gian triển khai hạn chế xe máy gồm: Tuyến đường Nguyễn Trãi (ưu tiên xe buýt) đoạn từ vành đai 3 đến đường Láng vào năm 2019-2020; tuyến Xuân Thủy - Cầu Giấy, sau khi tuyến đường sắt đô thị số 3 đi vào hoạt động (dự kiến sau 2020), xe máy cũng bị cấm vào giờ cao điểm. Bên cạnh đó, thành phố Hà Nội cũng dự kiến nghiên cứu thí điểm cấm xe máy trên một số tuyến phố như Giải Phóng (đoạn từ giao vành đai 3 đến Đại Cồ Việt), đường Nguyễn Văn Cừ (từ cầu vượt Long Biên đến cầu Chương Dương), đường Lê Văn Lương (giao vành đai 3 đến đường Láng) và tuyến Trần Duy Hưng, Nguyễn Chí Thanh.

Để tiến tới cấm xe máy hoạt động trong nội thành, Hà Nội cũng nghiên cứu việc không đăng ký xe máy mới ở các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa, Tây Hồ vào năm 2020. Sau thời gian thí điểm không đăng ký xe máy mới tại các quận nội thành vào năm 2020, TP Hà Nội sẽ mở rộng sang các quận Cầu Giấy, Hoàng Mai, Long Biên, Thanh Xuân và huyện Gia Lâm, Đông Anh năm 2025.

Bên cạnh đó, khu vực được chọn nghiên cứu hạn chế xe máy là khu vực bảo tồn cấp 1 mở rộng (phạm vi Hàng Đậu- Trần Nhật Duật- Trần Hưng Đạo – Lê Duẩn – Phùng Hưng). Xe máy hạn chế từ 19 giờ thứ 6 đến 24 giờ Chủ nhật.

HOÀNG ANH

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top