Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Xin đừng sáng tạo sân khấu bằng “cặp kính” cũ

Thứ Tư 20/03/2019 | 10:55 GMT+7

VHO- Cả chục năm qua, một số loại hình nghệ thuật, trong đó có sân khấu đã không theo kịp sự phát triển của hiện thực đời sống, không đáp ứng được nhu cầu thưởng thức và chiêm nghiệm nghệ thuật của công chúng. Nói cách khác, sân khấu rơi vào khủng hoảng nhưng chưa sao thoát ra được.

 Chương trình “Quỳnh búp bê, những câu chuyện chưa kể” do Nhà hát Tuổi Trẻ tổ chức đã thu hút đông đảo các tầng lớp đến tham gia giao lưu với các nghệ sĩ: Cách làm này tạo hiệu ứng tốt đối với khán giả trẻ

Có chủ trương xã hội hóa đã hai chục năm nay nhưng có thể thấy rất rõ giới sân khấu đang làm xã hội hóa rất “nửa vời ”, chưa có biện pháp thực hiện khoa học, cụ thể và đáp ứng thực tiễn một cách thỏa đáng.

Biến tác phẩm nghệ thuật thành một “bài báo”

Người xưa có câu: “Ăn cây nào thì rào cây ấy”, thế mà hiện thời dường như họ chẳng biết “rào cây nào” cả, đành hướng tác phẩm của mình vào những vấn đề chung của con người thời đại; hoặc biến tác phẩm của mình thành “ngang tầm” một “bài báo” để duy trì một cách hình thức rằng đoàn kịch, nhà hát vẫn “đỏ đèn”. Dĩ nhiên, trong số ấy, cũng có được một số tác phẩm cho người xem thấy một số vấn đề bức thiết đang diễn ra trong đời sống bằng cách cảm, cách nghĩ, cách hành xử phản biện mới và cách phản ánh bởi sự tìm tòi, sáng tạo những biện pháp nghệ thuật mới mẻ. Từ góc nhìn về cách thức và chủ quan những người làm sân khấu đã thấy rất có “vấn đề” khi hiện thực cuộc sống đương đại quá ít, nếu không dám nói không hề được phản ánh trên sân khấu. Đó là chưa kể những người làm sân khấu dường như đang tụt hậu với hành trình cách mạng công nghệ 4.0. Đó là lý do mà hàng loạt những tác phẩm sân khấu được dàn dựng, ra mắt được vài buổi và lặng lẽ đi vào hộc tủ...

Với cái hiện thực hiện thân bởi những đặc điểm nêu trên, những người làm sân khấu đương đại nước ta muốn có những tác phẩm tương xứng với cuộc sống, đương nhiên phải thay đổi cách cảm, cách nghĩ, cách nhìn nhận hiện thực, cách phản biện và phản ánh hiện thực một cách thực tế đầy sáng tạo, mới mong có được các nhân vật là những con người - những hình tượng nghệ thuật sân khấu giầu chất thơ và tính triết học - nơi những “tác phẩm có giá trị tư tưởng và chất lượng nghệ thuật cao”.

Nhưng thực tế sáng tạo các tác phẩm nghệ thuật sân khấu trong mấy chục năm qua, người ta vẫn bằng “cặp kính” cũ được chế tác từ giữa thế kỷ trước, nay đã xước mòn, đục mờ, bất cập về độ nét điôp (số cận - viễn đều thấp) để cảm, để nghĩ, để nhận thức, phản biện và phản ánh nơi tác phẩm vấn đề hiện thực mà nội dung của nó đã bị “gọt chân để xỏ vừa giầy”, bằng những biện pháp nghệ thuật “bình cũ ”. Ở góc độ nào đó vô tình hay hữu ý, họ vẫn bằng lòng một cách tự mãn, sáo mòn, quen thuộc, quẩn quanh trong cái khả năng tiếp thu ngoại giới, khả năng cảm xúc và khả năng hành động giản đơn đã thuộc về quá khứ ấy; thậm chí, họ rất đắc ý về số lượng tác phẩm đã và đang sản xuất ra của mình. Có biết đâu rằng công sức bỏ ra để “ăn mày dĩ vãng” của họ thật không xứng đáng với hiện thực đương đại và nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng. Trong số họ, cũng có người đã nhận ra sự quá thời của tư duy mình, nhưng đổi mới thì khó quá, đành đổ lỗi do sân khấu đang cạnh tranh với quá nhiều loại hình nghệ thuật nên tác phẩm ra đời bị ế...

Xin đừng “ăn mày dĩ vãng”...

Trước thái độ ấy của những người từng làm nên lịch sử sân khấu một thời, những nghệ sĩ trẻ chỉ biết im lặng, ngỡ ngàng, ngơ ngác, thậm chí, chẳng hiểu ra làm sao cả. Tuy nhiên, trong số họ, một số diễn viên trẻ có trí, có học, yêu nghề, hiểu đời và yêu đời, họ đã dám “cưỡng lại ” cách cảm, cách nghĩ, cách nhìn và cách hành xử cũ. Hiện thực đời sống nhân vật anh ta đóng được hoạch định trong kịch bản chỉ là cái cớ để diễn viên đóng vai ấy sáng tạo ra những nội dung mới thích hợp để bổ sung, lấp đầy những khoảng trống, hoàn thiện đời sống con người - nhân vật như nó đang là trong đời sống hôm nay. Dẫu nó là nhân vật lịch sử, không được xuyên tạc nó, nhưng tính hiện đại của nghệ thuật sân khấu luôn chỉ ra rằng, phải bổ sung làm mới nó trên tinh thần “có thể là như thế” nhằm tác động và trong một chừng mực nhất định lạ mà quen với hiện thực đời sống, với khán giả ngày nay. Đồng thời, phải sáng tạo ra những ngôn ngữ hình thể mới, giầu sức biểu cảm, trong sự phối kết hợp tương thích với sáng tạo của các thành phần nghệ thuật và các yếu tố kỹ thuật hiện đại cùng tham gia xây dựng vở diễn để thể hiện tốt nhất đời sống của nhân vật.

Vấn đề đặt ra ở đây là thái độ hành xử của người làm sân khấu trước hiện thực đương đại ngày nay? Đã tới lúc đổi mới tư duy sáng tạo nghệ thuật. Ví dụ như tác phẩm sân khấu ngày nay không nhất thiết phải có cốt truyện, song nhất thiết phải tái hiện, tái tạo, xây dựng được những tình huống thích hợp giầu kịch tính, được đặt trong những hoàn cảnh phát triển lịch sử cụ thể của nhân vật. Trong những tình huống “éo le” ấy, con người - nhân vật phải tích cực hành động ứng xử để thích nghi, chinh phục, vượt qua tình huống. Trong quá trình ráng sức hành động ấy, con người - nhân vật có điều kiện bộc lộ hết mình đến tận mọi góc khuất, khúc quanh nơi đời sống tâm hồn, trí tuệ, hữu thức và vô thức.

Đương nhiên, trong quá trình đó cũng đồng thời nảy sinh những suy nghĩ, tình cảm, nhận thức, tính cách mới, được hiện thân bằng những hành động - ngôn ngữ hình thể của diễn viên đóng vai và ngôn ngữ sáng tạo mới giầu sức miêu tả và biểu cảm của các loại hình nghệ thuật và các biện pháp kỹ thuật cùng tham gia xây dựng vở diễn. Nội dung một kịch bản sân khấu được hiện ra trước hết và nhiều nhất từ lời đối thoại giữa các nhân vật và lời độc thoại của nhân vật phân thân (đối thoại với chính mình). Tuy nhiên, đối thoại chứ không phải “đấu khẩu” hay “chém gió”, mà kịch bản cứ viết quá nhiều lời như hiện nay. Thực ra, nội dung do lời thoại mang đến tai khán giả chỉ là phần nổi của tảng băng chìm; còn phần chìm của tảng băng, có thể hiện thân cho chất lượng và số lượng của toàn thể đời sống nội tâm của nhân vật được cấu thành bởi khả năng tiếp thu ngoại giới, khả năng cảm xúc và khả năng hành động của nó. Mà ba khả năng ấy chỉ có thể sửa chữa, bổ sung, hoàn chỉnh bởi sáng tạo trong diễn xuất của diễn viên, sáng tạo của đạo diễn, của họa sĩ thiết kế mỹ thuật, của nhạc sĩ, của đạo diễn ánh sáng của người làm tiếng động, của họa sĩ thiết kế đồ họa, của nhạc sĩ, của biên đạo múa… trong sự phối kết hợp đúc liền nhằm tạo nên hình tượng vở diễn.

Những cách thức nêu trên dù chưa phải là tất cả để đạt tới những tác phẩm nghệ thuật nói chung, sân khâu nói riêng, có giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao; nhưng không có chúng, không hiểu biết và vận dụng chúng sâu sắc trong sáng tạo tác phẩm nghệ thuật của mình, chắc chắn không thể tạo dựng được những tác phẩm nghệ thuật sân khấu đi cùng năm tháng... 

 Thực tế sáng tạo các tác phẩm nghệ thuật sân khấu trong mấy chục năm qua, người ta vẫn bằng “cặp kính” cũ được chế tác từ giữa thế kỷ trước, nay đã xước mòn, đục mờ, bất cập về độ nét điôp (số cận - viễn đều thấp) để cảm, để nghĩ, để nhận thức, phản biện và phản ánh nơi tác phẩm vấn đề hiện thực mà nội dung của nó đã bị “gọt chân để xỏ vừa giầy”, bằng những biện pháp nghệ thuật “bình cũ ”.

 

 PGS. TS. PHẠM DUY KHUÊ

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top