Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Khách tham quan vô tư chồm lên hiện vật chụp ảnh: Bảo tàng Đà Nẵng "bó tay"?

Thứ Sáu 15/03/2019 | 11:05 GMT+7

VHO- Mặc dù khu vực tham quan trong các bảo tàng tại Đà Nẵng đều dựng biển thông báo “Không sờ hiện vật” bằng các tiếng Việt, Anh, Trung, Hàn… nhưng một số khách nước ngoài khi tới đây vẫn cố tình vi phạm.

 Mặc dù có biển cấm bằng 4 thứ tiếng nhưng du khách vẫn cố tình ngồi lên xe lôi để chụp ảnh

Sự việc diễn ra gây bức xúc trong dư luận, tuy nhiên đến thời điểm này Bảo tàng Đà Nẵng vẫn chưa đưa ra hình thức xử lý.

“Phớt lờ” biển báo

Sự việc xảy ra vào chiều 12.3 tại Bảo tàng Đà Nẵng và được một du khách ghi hình lại: Một đoàn khách Trung Quốc vào Bảo tàng Đà Nẵng tham quan, khi đến khu vực trưng bày chiếc xe lôi phục chế, những vị khách này đã vô tư vượt qua ranh giới bảo vệ, ngồi lên chiếc xe lôi để chụp hình. Chứng kiến hành động đó, anh Phạm Thắng (du khách Việt Nam) đã đề nghị người khách Trung Quốc bước xuống, ra khỏi khu vực cấm. Tuy nhiên các nữ du khách Trung Quốc này vẫn cố tình ngồi lên hiện vật và còn có thái độ thách thức lời nhắc nhở của anh.

Bức xúc với thái độ của đoàn khách này, anh Phạm Thắng đã chụp lại hình ảnh phản cảm trên và đăng lên trang mạng Quản lý đô thị Đà Nẵng: Tiện nghi - Xanh - Sạch - Đẹp. Anh Thắng cho biết: “Mặc dù mình đã khua tay rồi nói “No - no” rồi nhưng mấy bà khách Trung Quốc vẫn cứ trèo qua dải ngăn cách và ngồi lên chiếc xe kéo trưng bày này. Thậm chí một bà khách đầu tiên trèo lên xe còn chống tay, hất hàm về phía mình và nói to với giọng điệu “hăm dọa”. Khu vực đó hơi khuất nên có lẽ camera không tới, sau khi xảy ra sự việc mình đã lên tầng 3 và báo với bảo vệ, bảo vệ đã ngay lập tức đi kiểm tra và thông báo xuống quầy lễ tân để nắm tình hình”.

Sau khi đăng tải, bài viết đã thu hút rất nhiều bình luận và chia sẻ, đa phần mọi người đều bất bình trước thái độ của các nữ du khách Trung Quốc và cho rằng trách nhiệm này thuộc về hướng dẫn viên.

Thói quen xấu xí

Thông tin về sự việc, ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc bảo tàng Đà Nẵng cho biết: “Cán bộ Bảo tàng luôn thực hiện các biện pháp bảo vệ, nhắc nhở du khách, dựng biển cấm sờ hiện vật bằng tiếng Hàn Quốc, Trung Quốc, dựng vành đai bảo vệ ở quanh các khu vực tham quan, đồng thời liên tục nhắc nhở các hướng dẫn viên khi dẫn khách vào phải chú ý vấn đề này, nhưng do tâm lý một số khách vẫn tò mò muốn sờ, chạm vào hiện vật, bước lên bục - đặc biệt là các bục trưng bày thấp, dễ bước vào. Hầu như ngày nào các cán bộ bảo tàng cũng phải vệ sinh các bục và chỉnh lý lại toàn bộ, đặc biệt là những hiện vật hình khối lớn được trưng bày. Chỗ xe lôi phục chế mà các nữ du khách Trung Quốc trèo lên là nằm ở khu vực mới lại ở vị trí thấp nên khách hay đến đó, anh em bảo vệ cũng thường qua nhắc nhở nhưng hễ không thấy có bảo vệ là lại tìm cách trèo lên chụp ảnh. Nếu dựng đai vách cao quá thì sẽ mất tính thẩm mỹ, mà làm thấp thì họ lại tìm cách trèo vào, chúng tôi sẽ nhanh chóng khắc phục vấn đề này”, ông Thiện thông tin.

Trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Đà Nẵng cho biết sau khi sự việc xảy ra, Bảo tàng Đà Nẵng đã báo cáo để có hướng giải quyết, ngăn chặn. Ông Hùng nhắc lại: Sở Du lịch đã ban hành bộ quy tắc ứng xử văn hóa văn minh nơi công cộng, trong đó nêu rõ mọi người đến địa phương phải tôn trọng quy tắc, nếp sống văn hóa văn minh của địa phương, chấp nhận thuần phong mỹ tục nơi công cộng. Khách du lịch chỉ được tham quan chứ không được tác động làm ảnh hưởng đến kết cấu công trình. Bảo tàng Đà Nẵng là tài sản công của Nhà nước đầu tư thì mới được như vậy, việc trưng bày hiện vật được làm rất công phu và có kế hoạch cẩn thận, du khách đến từ đâu cũng phải tôn trọng và chấp hành quy định và cán bộ bảo tàng phải có trách nhiệm nhắc nhở khách có hành vi đúng mực. Trong trường hợp khách không chấp hành thì bắt buộc ngừng việc tham quan, nếu sự việc nghiêm trọng thì báo cáo cơ quan chức năng đến xử lý, nếu cán bộ lưu ý rồi mà khách vẫn cố tình vi phạm thì sẽ bị nhắc nhở và lập biên bản, làm hư hỏng phải bồi thường, làm xê dịch phải đền bù, tùy theo tính chất và giá trị hiện vật mà xử lý, nếu cố tình phá hoại thì phải xử lý hình sự. Trong trường hợp này Sở Văn hóa - Thể thao sẽ họp với Bảo tàng Đà Nẵng để có biện pháp ngăn chặn và rút kinh nghiệm. Ông Hùng cũng cho biết, theo lộ trình, sắp tới Bảo tàng Đà Nẵng sẽ chuyển về số 42 Bạch Đằng, với một không gian rộng hơn chứa đựng những hiện vật quan trọng thì Bảo tàng Đà Nẵng phải đề ra phương án bảo quản, giám sát tích cực hơn để tránh xảy ra những trường hợp như thế này. Vì việc khách ngồi lên xe lôi chỉ là ban đầu, nếu không có biện pháp ngăn chặn sẽ có những việc nghiêm trọng hơn xảy ra.

Chỉ có... 2 bảo vệ nên khó kiểm soát

Về phía Sở Du lịch Đà Nẵng, ông Huỳnh Đức Trung, Trưởng phòng Quản lý lữ hành cho biết đơn vị đã quán triệt các đơn vị lữ hành trong quá trình dẫn khách đi phải nhắc nhở du khách tuân thủ các quy định về lữ hành và tại Bảo tàng Đà Nẵng đã có nội quy dán tại trước cửa, cũng có biển cấm, nhưng một số khách vì muốn trải nghiệm nên đã cố tình vi phạm. Bảo tàng Đà Nẵng cần tăng cường lực lượng bảo vệ và các biện pháp an ninh hơn nữa. Hiện tại Bảo tàng đang kiểm tra xác minh đoàn khách đó, nếu phát hiện công ty lữ hành nào dẫn khách hôm đó thì Sở Du lịch sẽ triệu tập và quán triệt, yêu cầu hướng dẫn viên phải quản lý đoàn khách của mình, đồng thời phổ biến quy tắc ứng xử mà thành phố Đà Nẵng đã ban hành năm 2015 trước khi đi tham quan.

Trung bình một ngày Bảo tàng Đà Nẵng đón một lượng khách lớn, khoảng từ 900 đến 1.200 khách, tại các khu trưng bày Bảo tàng đều có biển cảnh báo du khách không bước lên bục trưng bày, không bước qua vành đai, nhưng với hơn 20 gian trưng bày rộng mà lại chỉ có 2 bảo vệ túc trực ban ngày nên việc du khách tò mò, vi phạm hiện vật cũng khó kiểm soát. Bảo vệ kiểm tra ở khu vực trên thì họ vi phạm ở khu vực dưới, các hiện vật hay bị vi phạm là các hiện vật lớn như xe kéo phục chế, cây đàn nước trên tầng 3 có kích thước lớn từ 5 - 7m, không thể cho vào trong tủ kính nên du khách cũng hay sờ vào. Các hiện vật đều có biển báo cấm, có vành đai ngăn cách nhưng nhiều du khách vẫn cố tình bước vào thì những trường hợp này chỉ có thể do kém ý thức.

Xâm phạm hiện vật đang trở thành một “thói quen xấu xí” của những du khách khi đến với các bảo tàng, thói quen này gây phản cảm và mất mỹ quan, ảnh hưởng đến các hiện vật đang được bảo quản, gìn giữ. Đến nay đã qua gần 4 ngày mà phía Bảo tàng vẫn chưa tìm ra "thủ phạm" để xử lý nghiêm mặc dù có công cụ hỗ trợ, dư luận cho rằng có khả năng cao Bảo tàng sẽ "bó tay" trước tình trạng xâm phạm hiện vật tại đây. 

 Thời điểm xảy ra sự việc lượng khách quá đông (khoảng 500 khách) nên bảo vệ bảo tàng không thể quản lý hết được. Phía bảo tàng đã trích xuất camera tìm kiếm nhưng khách đã đi rồi nên không thể biết đó là đoàn nào, nếu bắt được vào thời điểm vi phạm thì bảo tàng sẽ mời đoàn khách đó ra ngoài không cho tiếp tục tham quan nữa. Qua việc này đơn vị sẽ tăng cường lực lượng và các phương tiện giám sát để quản lý chặt chẽ hơn.

(Ông HUỲNH ĐÌNH QUỐC THIỆN, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng)

 

NGỌC HÀ

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top