Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Vùng dược liệu trọng điểm tại Nghệ An đang bỏ ngỏ?

Thứ Tư 13/03/2019 | 15:42 GMT+7

VHO- Phát triển công nghiệp dược phẩm gắn liền với trồng cây dược liệu là định hướng lớn của Nghệ An trong thời gian tới. Tuy nhiên, nhiệm vụ này lâu nay hình như vẫn chưa nhận được sự quan tâm đúng mức.

 Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 4 thuộc Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An đang thực hiện mô hình phục hồi, nhân giống cây dược liệu tại xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn

 Tiềm năng cây dược liệu

Nghệ An mang đặc trưng của khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng và ẩm, thổ nhưỡng đất đai có vùng đất đỏ bazan Phủ Quỳ và tiểu vùng khí hậu ôn đới như Mường Lống, Na Ngoi, Nậm Cắn huyện Kỳ Sơn; Tri Lễ, huyện Quế Phong… Những đặc trưng về khí hậu, thổ nhưỡng tạo sự đa dạng sinh học cao, giàu tiềm năng về cây, con làm dược liệu. Theo tổng hợp các kết quả điều tra gần đây cho thấy, Nghệ An có sự phong phú và đa dạng về thành phần loài cây dược liệu. Cụ thể có 962 loài cây và nấm làm thuốc. Trong danh mục cây thuốc và vị thuốc thiết yếu của Bộ Y tế, Nghệ An có 41 loài nằm trong 206 loài cây thuốc mọc tự nhiên được khai thác và sử dụng. Nghệ An cũng nằm trong Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 tầm nhìn 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tuy nhiên, cây thuốc ở Nghệ An ngày càng suy giảm. Hầu hết các loại cây thuốc có giá trị sử dụng và kinh tế cao đang mất dần khả năng khai thác. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do việc khai thác bừa bãi không có kế hoạch bảo vệ, tái sinh, cộng với việc đồng bào các dân tộc thiểu số phát rừng làm rẫy. Nhiều cánh rừng trước đây có trữ lượng lớn những cây làm thuốc nay đã dần biến mất. Một số loài quý hiếm đang có nguy cơ bị tuyệt chủng. Hầu hết, các dược liệu mà bà con khai thác đều được tư thương thu mua, xuất sang Trung Quốc với giá rẻ. Giám đốc Sở KH&CN Nghệ An Trần Quốc Thành cho rằng, nguyên nhân một phần còn là thời gian vừa qua, vấn đề phát triển công nghiệp dược và dược liệu trên địa bàn tỉnh Nghệ An chưa được quan tâm đúng mức như: Công tác quy hoạch; chính sách đầu tư; doanh nghiệp dược trên địa bàn chưa quan tâm phát triển lĩnh vực đông dược; công tác thu hút các doanh nghiệp dược và dược liệu mới manh nha…

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An, việc trồng, phát triển cây dược liệu mới ở quy mô nhỏ lẻ. Cụ thể, một số hộ dân đã trồng kim tiền thảo ở phường Quỳnh Trang (thị xã Hoàng Mai), cây cà gai leo ở xã Quỳnh Bảng (Quỳnh Lưu), xã

 Mã Thành (Yên Thành). Anh Hồ Phúc Hoàn, chủ trang trại ở thôn Văn Đông, xã Quỳnh Bảng cho biết, hiện tại trang trại của anh đang trồng các loại: cà gai leo, đinh lăng, ích mẫu. Hiệu quả kinh tế từ cây dược liệu gấp 3 - 5 lần so với trồng lúa, hoa màu. Sắp tới, trang trại sẽ mở rộng diện tích trồng cây dược liệu.

 Công ty cổ phần Dược liệu Mường Lống thuộc Tập đoàn TH đang triển khai dự án trồng cây dược liệu tại xã Mường Lống

Sẽ có “sâm ngọc linh” Nghệ An

Với đặc trưng của những khu vực tiểu khí hậu ôn đới, nhiều vùng ở huyện Kỳ Sơn đang được thí điểm trồng cây dược liệu quý. Hiện nay, dưới chân núi Puxailaileng thuộc địa phận xã Na Ngoi, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 4 (Quân khu 4) đang thực hiện mô hình phục hồi, nhân giống cây dược liệu gồm đẳng sâm, đương quy, atiso và đặc biệt là sâm Puxailaileng, một loại sâm quý giống như sâm Ngọc Linh. Bước đầu, Đoàn đã thành công trong việc trồng, nhân giống và thu hoạch atiso và trong vài năm tới có thể chuyển giao kỹ thuật để bà con các dân tộc thiểu số ở đây trồng đại trà. Các giống cây khác đang tiếp tục được trồng thử nghiệm. Tại vùng có khí hậu mát mẻ quanh năm như Mường Lống, Công ty cổ phần Dược liệu Mường Lống thuộc Tập đoàn TH cũng đang triển khai dự án trồng cây dược liệu. Tập đoàn TH đã triển khai dự án “Bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu chất lượng cao gắn với phát triển rừng bền vững” tại tỉnh Nghệ An. Dự án có tổng mức đầu tư là 3.200 tỉ đồng, trên tổng diện tích là 2.846 ha. Hiện nay Công ty cổ phần Dược liệu Mường Lống đã và đang trồng thử nghiệm tại vườn ươm ở xã Mường Lống và các địa phương lân cận để nhân rộng các loại dược liệu và thảo dược như sâm ngọc linh, thạch hộc, lan kim tuyến... tiến tới sản xuất các sản phẩm là thực phẩm chức năng và thuốc có nguồn gốc từ thảo dược.

Thời gian gần đây, tỉnh Nghệ An cũng đã có những động thái tích cực trong việc xây dựng vùng trồng cây dược liệu. Năm 2013, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án khung các nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen cấp tỉnh thực hiện từ năm 2014 - 2020, giao Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ Nghệ An bảo tồn nguồn gen ba loại dược liệu quý, hiếm trên địa bàn các huyện Quế Phong và Kỳ Sơn. Đó là bảo tồn nguồn gen cây chè hoa vàng, cây mu từn, cây đẳng sâm và sâm Puxailaileng. Trường Đại học Vinh cũng đã có những đề tài mang tính ứng dụng cao thực hiện nghiên cứu các loại dược liệu quý hiếm này. Mới đây Ban Dân tộc Nghệ An đã xây dựng mô hình thí điểm và phát triển cây táo mèo ở vùng đồng bào Mông. Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nghệ An Lương Thanh Hải cho biết: Sau khi nghiên cứu điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp, Ban Dân tộc tỉnh đã đưa 3.000 cây giống từ Tây Bắc về chuẩn bị trồng thử nghiệm tại Tương Dương và Kỳ Sơn… 

PHẠM NGÂN

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top