Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Hà Nội sẽ thí điểm cấm xe máy đường Lê Văn Lương hoặc Nguyễn Trãi: Đem cuộc sống​​​​​​​ người dân ra thử nghiệm

Thứ Tư 13/03/2019 | 15:04 GMT+7

VHO- Liên quan đến đề án hạn chế, tiến tới cấm xe máy hoạt động trong khu vực nội thành Hà Nội vào năm 2030, trả lời trên báo chí, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, một trong 2 tuyến Lê Văn Lương hoặc Nguyễn Trãi có thể được chọn để thí điểm hạn chế xe máy. Theo đó, ở một trong hai tuyến này, người dân có thể sử dụng đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông và hệ thống xe buýt, trong đó có buýt nhanh BRT 01.

Cấm xe máy nếu không tính toán sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân

 Ngay sau khi thông tin này được công bố lại khiến dư luận tiếp tục dậy sóng.

Theo Sở GTVT Hà Nội, Sở này đang phối hợp với Viện Chiến lược của Bộ GTVT xây dựng đề án phân vùng hạn chế hoạt động, tiến tới dừng hoạt động của xe máy vào năm 2030. Đề án phải đảm bảo giải quyết vấn đề phát triển vận tải hành khách công cộng, phân vùng cấm hoặc được hoạt động đối với xe máy, thứ tự thực hiện hạn chế, cấm tại từng địa phương, từng tuyến đường phố cụ thể… Việc cấm xe máy trong nội thành sẽ tiến hành theo lộ trình. Theo đó, dự kiến, TP Hà Nội sẽ thí điểm việc dừng xe máy trên một số tuyến. Trong đó, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông sau khi đưa vào thực hiện có thể lựa chọn 1 trong 2 tuyến đường để dừng hoạt động xe máy là Lê Văn Lương hoặc Nguyễn Trãi - Hà Đông. Khi cấm hoặc dừng hoạt động xe máy trên tuyến, khu vực nào thì vẫn phải đảm bảo sinh hoạt bình thường việc đi lại của nhân dân ở những khu vực được kết nối một cách thuận lợi. Đặc biệt, theo Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện, trong quá trình hoàn thiện, đề án sẽ được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi của người dân.

Hiện nay, bên cạnh tuyến xe buýt nhanh BRT 01 Yên Nghĩa - Kim Mã chạy qua tuyến đường Lê Văn Lương, Sở GTVT Hà Nội cũng đã đề xuất điều chỉnh tuyến buýt để tránh trùng lộ trình với đường sắt Cát Linh - Hà Đông, đồng thời tăng khả năng kết nối với mạng lưới giao thông đô thị. Cùng với việc điều chỉnh các tuyến trùng lộ trình, Sở GTVT Hà Nội đề xuất tăng thêm các tuyến buýt tại các ga đầu cuối và các tuyến ngang cắt lộ trình đường sắt.

Tuy nhiên, những thông tin trên khiến nhiều người dân bày tỏ phản đối và nghi ngờ tính khả thi. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng dù đã có đường sắt đô thị, xe buýt…, nhưng hệ thống công cộng hiện không bảo đảm, làm như vậy gây khó khăn lớn cho người dân. Điển hình như nếu cấm xe máy thì người dân ở Hà Đông và các tỉnh sẽ đi bằng gì? Nếu chỉ cấm một trong hai tuyến này, đi xe máy ở nơi khác đến, thì chỗ nào để gửi xe máy mà thực hiện di chuyển bằng phương tiện công cộng? Bên cạnh đó, nếu không có phương tiện công cộng 24/24h, người dân đêm khuya đột xuất thì xử lý thế nào?

Bên cạnh đó, xe máy hiện là phương tiện không chỉ vận chuyển người mà còn là công cụ vận chuyển hữu hiệu đối với những vật dụng sinh hoạt hằng ngày. Nếu sử dụng xe buýt hoặc tàu điện đô thị, khi mua sắm đồ, không biết có được đưa lên không, hay phải thuê người khiêng về nhà? Chưa kể, mua một món đồ, chỉ mấy chục phút là người giao hàng dùng xe máy đưa đến tận ngõ ngách. Nếu cấm xe máy, không chỉ người nhận hàng mà người giao hàng cũng gặp không ít rắc rối.

Sau khi tỉnh Hà Tây sáp nhập về Hà Nội, nhiều cơ quan, công sở chuyển về Hà Đông, một lượng lớn người làm việc hằng ngày phải di chuyển trên hai tuyến đường huyết mạch này. Nếu một người sống ở Gia Lâm, đi làm tại Hà Đông, thì sẽ phải đi buýt, taxi đến đầu Cát Linh hay Kim Mã rồi mới đi xe buýt, tàu điện xuống Hà Đông; nếu đi xe máy thì cũng phải đến đó, rồi gửi xe và đi phương tiện công cộng. Với tốc độ di chuyển chậm như xe buýt hiện nay, cùng với mật độ người cùng lúc trong giờ đi làm hay tan tầm, liệu phương tiện công cộng có tải nổi và đáp ứng được giờ đi làm của người lao động? Do đó, đề xuất thí điểm cấm xe máy dù chỉ là một tuyến đường cũng sẽ ảnh hưởng đến đời sống của dân cư toàn thành phố. Bởi vậy, nếu ngành GTVT Hà Nội cũng như các cơ quan chức năng nếu không tính toán, khảo sát kỹ thì sẽ tạo nên sự hỗn độn và nguy cơ ùn tắc tại nhiều tuyến đường khác sẽ là hiện hữu.

Nhiều ý kiến cho rằng, để giải quyết được vấn đề giao thông của Hà Nội, cần có giải pháp đồng bộ, quy hoạch tổng thể để từng bước thay đổi tập quán sinh hoạt của người dân thì mới mong có hiệu quả. Quy hoạch đô thị không đồng bộ, không đồng đều, xây quá nhiều chung cư trong nội đô, trong khi đó đường sá bao nhiêu năm vẫn vậy, mở rộng không đáng kể, trường học, bệnh viện... đã để lại hậu quả lộn xộn, bức bí cho Hà Nội như hiện nay. Cấm xe máy, người dân có đồng tình, nhưng nếu các cơ quan chức năng không đưa ra được những phương án, giải pháp giải quyết những vấn đề tạo sự thuận tiện trong sinh hoạt, đi lại của người dân, thì dù có cấm xe máy tại các tuyến đường vẫn không thể khắc phục, không thể giải quyết được tình trạng ùn tắc. Như vậy, không khác gì đưa cuộc sống của người dân ra để “thử nghiệm” một cách vô lý. 

 HOÀNG ANH

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top