Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Sẽ trình Quốc hội dự án Luật Thư viện vào kỳ họp tới

Thứ Tư 13/03/2019 | 11:50 GMT+7

VHO-Đánh giá rằng dự án Luật Thư viện đã được chuẩn bị công phu, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, sự ra đời của Luật là cần thiết cho cả hôm nay và tương lai sau này.

Buổi thảo luận cho ý kiến về dự án Luật Thư viện trong khuôn khổ phiên họp lần thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, đã diễn ra vào sáng ngày 13.3, tại Nhà Quốc hội.

Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành nội dung thảo luận 

Theo Tờ trình do Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện trình bày thì Pháp lệnh Thư viện được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 28.12.2000 đã tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động thư viện, góp phần thúc đẩy sự nghiệp thư viện phát triển, phục vụ nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu và giải trí của người dân. Sau hơn 18 năm thi hành, Pháp lệnh Thư viện đã bộc lộ nhiều bất cập như chưa bao quát được hết mọi vấn đề, quan hệ xã hội mới phát sinh. Mặt khác, sự phát triển và thay đổi của hệ thống pháp luật Việt Nam, Hiến pháp 2013, các đạo luật quan trọng được ban hành khiến nhiều quy định của Pháp lệnh không còn phù hợp.

Vì thế Luật Thư viện được ban hành sẽ góp phần tạo hành lang pháp lý phát triển sự nghiệp thư viện; phát triển văn hóa đọc; khuyến khích cộng đồng, xã hội tham gia và thiết lập cơ chế bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài trong hoạt động thư viện; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước; tạo cơ sở pháp lý nâng cao năng lực để thư viện thực hiện tốt vai trò là trung tâm thông tin, văn hóa, giáo dục hữu ích, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, lợi ích hưởng thụ văn hóa và học tập suốt đời của nhân dân, góp phần truyền bá tri thức nhân loại, giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc, xây dựng xã hội học tập và phát triển con người Việt Nam toàn diện.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày Tờ trình dự án Luật

Trình bày báo cáo thẩm tra về dự án Luật này, Chủ nhiệm Ủy ban VH, GD, TN, TN&NĐ của Quốc hội Phan Thanh Bình cho rằng, thường trực Ủy ban cơ bản tán thành với phân tích trong Tờ trình số 49 /TTr – CP của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật Thư viện và nhấn mạnh một số vấn đề như là Hiến pháp năm 2013 đã quy định về quyền con người, quyền công dân, trong đó có quyền tiếp cận thông tin, quyền được học tập, quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa.

Pháp lệnh Thư viện sau 18 năm thi hành đã bộc lộ nhiều bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn và hệ thống pháp luật liên quan. Đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ đã tạo ra bước tiiến vượt bậc của ngành khoa học thư viện, làm thay đổi cả về cách tiếp cận thông tin của người dân và tổ chức, quy trình, phương thức hoạt động của thư viện.

Ở nước ta, hệ thống thư viện nhất là thư viện công cộng hoạt động kém hiệu quả, chưa đáp ứng được nhu cầu đọc và khai thác thông tin của người dân; thư viện trường học chưa được quan tâm đúng mức; văn hóa đọc đã và đang bị lấn át bởi những hình thức tiếp cận thông tin mới.

Năm 2012, Dự án Luật Thư viện đã được đưa vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội khóa XIII nhưng Dự thảo Luật còn một số vấn đề chưa được làm rõ nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị đưa ra khỏi Chương trình. Đến nay, Dự án Luật đã được chuẩn bị đảm bảo điều kiện trình Quốc hội.

Hồ sơ Dự án Luật Thư viện đã cơ bản đảm bảo theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, một số nội dung của Dự thảo văn bản hướng dẫn thi hành còn chưa quy định cụ thể; một số chính sách trong báo cáo đánh giá tác động chưa được làm rõ...

Chủ nhiệm  Ủy ban VHGD, TN, TN&NĐ của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày báo cáo thẩm tra  

Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình cũng cho rằng bố cục của Dự thảo Luật còn chưa thật hợp lý: các quy định còn nặng về quản lý nhà nước; số điều về quản lý nhà nước nằm rải rác ở một số chương; quy định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động thư viện chưa cân đối với kết cấu chung và còn trùng lắp. Vì vậy, Thường trực  Ủy ban đề nghị nghiên cứu điều chỉnh lại cho hợp lý.

Nhắc lại thời kỳ phát triển mạnh của hệ thống thư viện trước kia, gắn với Phong trào học tập suốt đời, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng đã có một thời gian cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, phong trào đọc sách bị lãng quên, bị xuống cấp, thậm chí nhiều cơ quan còn giải thể thư viện, bán sách theo cân, trong đó có những cuốn sách sau này thu thập, lại được bán với giá rất đắt, hàng triệu đồng. "Như thế một tài sản lớn của đất nước đã bị thất thoát, lãng phí. Như thế chúng ta cũng bị mất đi nguồn tri thức đáng quí. Vì thế việc nâng cấp từ Pháp lệnh lên Luật thư viện là rất cần thiết", Phó Chủ tịch Quốc hội nói.     

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cũng hoan nghênh sự chuẩn bị tích cực của ban soạn thảo dự án Luật và cho rằng trong bối cảnh phát triển công nghệ thông tin như hiện nay, khi văn hóa đọc đã thay đổi thì các thư viện đang tụt hâu. Ông Thanh hy vọng thông qua việc nâng cấp từ Pháp lệnh Thư viện lên Luật Thư viện, sẽ giải quyết được bài toán khó là thay đổi văn hóa đọc hiện nay.

TTK, Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc lại nêu ý kiến rằng trước hết chúng ta cần đánh giá thực trạng về mạng lưới thư viện, từ cấp xã, huyện. Ông Phúc cũng hy vọng rằng sự ra đời của Luật sẽ khuyến khích văn hóa đọc. "Trong dự thảo Luật cũng cần phải có chế độ chính sách cho sự phát triển của thư viện số và có hình thức khai thác, quản lý tốt loại hình thư viện mới này cho thời đại khoa học công nghệ này", đại biểu Phúc đề nghị.

Đánh giá về dự án Luật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng Ban soạn thảo đã rất nghiêm túc, công phu trong công tác chuẩn bị; các ý kiến của các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội rất đáng quan tâm và Ban soạn thảo cần phân tích, sàng lọc để hoàn thành dự thảo. Chủ tịch cũng cho biết trong phiên họp vào tháng tư tới, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ nghe dự án Luật thêm một lần nữa trước khi trình ra Quốc hội trong phiên họp tới.

"Chúng ta phải có trách nhiệm để nâng cao văn hóa đọc của nhân dân. Dù công nghệ phát triển, chúng ta có một ngàn ipad, điện thoại trong tay thì cũng không thể thay thế được thư viện truyền thống", Chủ tịch Quốc hội kết luận.

THU SÂM; ảnh: NGUYỄN KHÁNH, QUỐC HỘI

Print
Tags:

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top