Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Dựng kịch Tin ở hoa hồng:  Phải “liều” mới có khán giả

Thứ Hai 11/03/2019 | 09:59 GMT+7

VHO- Hai đêm ra mắt kịch Tin ở hoa hồng, rạp của Nhà hát Tuổi Trẻ chật kín không còn chỗ ngồi… Bất ngờ hơn, đa phần khán giả đều ở lứa tuổi thanh niên, sinh viên. Phải chăng đó là sức hấp dẫn từ một vở kịch của cố tác giả Lưu Quang Vũ, hay đó là sự đổi mới trong khâu tổ chức biểu diễn nhằm tiếp cận khán giả trẻ trong định hướng phát triển thương hiệu của Nhà hát Tuổi Trẻ? 

Một cảnh trong vở diễn “Tin ở hoa hồng” 

 Có đến trực tiếp xem vở, trực tiếp trò chuyện với người đến xem mới hiểu được nguyên nhân vì sao có hiện tượng lạ này khi mà các sân khấu kịch nói khác tại Thủ đô Hà Nội cũng như ở TP.HCM đang phải chật vật với bài toán làm sao khán giả đến đầy rạp. 
Đến để được gặp “thần tượng” 
Cảnh tượng đập vào mắt đầu tiên đó là sự tấp nập của khán giả đến nhận vé mua online tại bàn phát vé đặt trước cửa rạp qua các xác nhận từ máy điện thoại. Điều này cho thấy sức mua vé online rất “nóng”. Đinh Thuý Hà làm việc tại Công ty cổ phần Ub9, một công ty về giáo dục chia sẻ: “Tôi tình cờ biết đến link bán vé online trực tuyến của Nhà hát Tuổi Trẻ qua báo chí đưa tin. Tôi đã thử vào trang https://datve.nhahattuoitre. vn và đã mua được vé. Thời gian đi làm rất khó để đến mua vé trực tiếp nên chúng tôi rất ít có cơ hội được thưởng thức chương trình của Nhà hát. Từ nay có thể mua vé online, tháng nào tôi và bạn mình cũng sẽ cố gắng thu xếp để được đi xem kịch”. Nhiều bạn trẻ cho biết lý do họ đặt vé vào xem kịch Tin ở hoa hồng bởi muốn được xem những vở kịch hay của cố tác giả Lưu Quang Vũ, thấy sân khấu kịch nói đề cập những vấn đề của xã hội rất hay, rất thời sự… Và có cả bạn trẻ đến rạp chỉ để được gặp những “thần tượng” là các nghệ sĩ nổi tiếng. 
“Trước kia còn nhỏ, nhà lại ở Bắc Giang, tôi chỉ được xem NSƯT Chí Trung qua các chương trình trên truyền hình, trên phim và vô cùng ngưỡng mộ. Ước mơ của đời mình là được gặp mặt trực tiếp chú ấy ở ngoài đời, hôm nay đã thành hiện thực, thật là hạnh phúc”, Đinh Thuý Hà chia sẻ thêm. 
Bác Nguyễn Thị Đoan Trang, giáo viên đã nghỉ hưu của Trường THPT Trần Hưng Đạo hồ hởi chia sẻ: “Tôi được con trai mua vé mời mẹ đi xem nhân dịp Quốc tế Phụ nữ 8.3. Lâu lắm rồi mới được xem một vở kịch hay như Tin ở hoa hồng. Vở diễn có lối dàn dựng rất hiện đại, trẻ trung khi kết hợp với âm nhạc, vũ đạo và cả công nghệ màn hình LED, đồ họa, khác hẳn với cách dàn dựng quen thuộc trước đây. Điều mà tôi thích hơn cả đó là thông điệp mà vở diễn gửi gắm, mong muốn con người hãy tin vào những điều tốt đẹp trong cuộc đời này”. 

Khán giả trẻ nô nức nhận vé mua qua online tại rạp nhà hát 

Đến để tin vào những điều tốt đẹp… 
Nhiều người cho rằng đạo diễn, NSƯT Chí Trung và Ban giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ đã hơi liều khi phục dựng Tin ở hoa hồng vì đây là vở khó dựng của cố tác giả Lưu Quang Vũ. Câu chuyện kịch có phần đã quá xa với hoàn cảnh hiện tại, vở kịch không có nhiều mâu thuẫn, xung đột kịch và khai thác về lớp người trẻ với những suy nghĩ và cách hành động có phần non nớt, ngộ nhận và cả sự bồng bột. Tin ở hoa hồng xoay quanh câu chuyện của 2 bạn trẻ Hưng và Phát. Trong sáng, bồng bột và đầy nhiệt huyết, họ tình cờ gặp chuyện ngang trái giữa đường rồi lao vào cuộc chiến đấu chống lại những chuyện bất công, vô lý với tinh thần “giữa đường thấy chuyện bất bằng chẳng tha”. Vượt qua những khúc mắc, trớ trêu, điều giữ hai thanh niên trẻ ấy theo đuổi công việc của mình chính là niềm “tin ở hoa hồng”, tin ở những điều tốt đẹp vốn có trong mỗi người và trong cuộc sống. 
Đạo diễn dàn dựng Tin ở hoa hồng, NSƯT Chí Chung, Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ chia sẻ: “Trong cuộc chiến đấu với cái xấu, cái ác bây giờ, nếu sân khấu chỉ mãi chạy theo những vụ việc thời sự thì sẽ không bao giờ là đủ. Chúng tôi muốn hướng tới một vấn đề khác: câu chuyện về niềm tin và sự khủng hoảng niềm tin. Vở diễn chuyển tải sức sống, lan tỏa niềm tin và các giá trị tốt đẹp tới xã hội. Có thể nói, đây là vở diễn của thanh niên, gây cảm hứng cho tuổi trẻ, gửi gắm tới các thế hệ trẻ đồng thời cũng là những ước vọng của các nghệ sĩ của Nhà hát Tuổi Trẻ sẽ luôn luôn Tin ở hoa hồng trong sứ mệnh của mình”. 
Là một trong những nghệ sĩ của Nhà hát trước đây, nghệ sĩ Trần Thanh Chi cho rằng Tin ở hoa hồng được phục dựng lại với tư duy dàn dựng và cả diễn xuất rất khác biệt. Tác phẩm đã được trẻ hoá bằng những tư tưởng của thời đại hôm nay. Phiên bản mới được đầu tư chăm chút kỹ lưỡng về mặt nghệ thuật cũng như hình thức thể hiện với phần sáng tạo âm nhạc của nhạc sĩ Tiến Minh, thiết kế mỹ thuật của NSƯT Doãn Bằng, hình ảnh đồ họ của hoạ sĩ Duy Đông. Ê kíp sáng tạo đã làm xoá nhoà đi thời gian và hoàn cảnh của kịch diễn ra vào giai đoạn bao cấp để nói lên một vấn đề chung của xã hội mà giai đoạn nào, thời điểm nào cũng có. Vở diễn ngày hôm nay được khai thác với tiết tấu nhanh, tính giải trí, tính châm biếm, hài hước nhiều hơn. 
Chọn một kịch bản khai thác về đề tài người trẻ, chọn một lối dàn dựng trẻ trung, chọn cách tiếp cận bán vé online… Rõ ràng cách đi, cách làm của Ban giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ đang hướng tới đó chính là mong muốn nâng tầm cho thương hiệu của mình thật sự có bản sắc riêng, khẳng định vị trí của mình đó là phục vụ đối tượng ưu tiên chính là lớp trẻ ngày hôm nay. 

 Phải thay đổi 
Cái khó nhất của chúng tôi đó là thay đổi nếp nghĩ và thói quen của khán giả và của chính những người làm nghệ thuật. Nhà hát Tuổi Trẻ đang nỗ lực thay đổi, tìm mọi cách tiếp cận khán giả trẻ, đối tượng phục vụ chính trong chức năng nhiệm vụ của đơn vị mình. Chính vì vậy mà các chương trình nghệ thuật cũng phải có một phong cách riêng để không đi chung giầy với các đơn vị khác. 
Người làm quản lý phải thay đổi tư duy, người làm nghệ thuật cũng phải thay đổi tư duy và ngay cả đến đội ngũ bảo vệ chúng tôi cũng phải thay đổi. Đội ngũ bảo vệ chúng tôi cũng sẽ sử dụng những sinh viên trẻ làm “part time” ngoài giờ để có sự tiếp cận phù hợp với chính khán giả trẻ. 

(NSƯT CHÍ TRUNG, Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ) 


 THUÝ HIỀN 

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top