Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Tiếp tục đề xuất cấm xe máy tại các quận ở Hà Nội vào năm 2030: Vậy lấy gì để đi ?

Thứ Hai 11/03/2019 | 09:37 GMT+7

VHO-Lại một lần nữa đề xuất giảm dần tiến tới dừng hoạt động xe máy hoặc thu phí phương tiện vào nội đô ở Hà Nội tiếp tục được xới lên tại buổi làm việc của Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải với Sở GTVT. Từ nay tới thời điểm đề xuất chỉ còn hơn 10 năm, liệu rằng Hà Nội có đủ hạ tầng và phương tiện công cộng để đáp ứng nhu cầu của người dân? 

 Cấm xe máy chưa hẳn là giải pháp đồng bộ để giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường 

Tại buổi làm việc của Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải với Sở GTVT ngày 9.3, đề án xây dựng lộ trình giảm dần, tiến tới dừng hoạt động của xe máy tại các quận vào năm 2030 lại một lần nữa tạo ra sự chú ý của dư luận. Trước đó, khi thông tin Hà Nội xây dựng đề án thu phí một số loại phương tiện giao thông vào khu vực trung tâm dễ gây ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, việc hạn chế, tiến tới cấm xe máy cũng đã làm dậy sóng dư luận cũng như nhiều ý kiến trái chiều. 
Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT thông tin với Bí thư Hoàng Trung Hải: Sở này đang nghiên cứu để trình UBND, HĐND TP Hà Nội hai đề án. Đề án thứ nhất là thu phí của một số loại phương tiện giao thông vào trung tâm dễ gây ùn tắc và ô nhiễm môi trường. Theo ông Viện, chủ trương đã được Trung ương đồng ý và giao thành phố xây dựng đề án báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội xem xét thông qua, bổ sung loại phí trên vào danh mục phí, lệ phí. Dự kiến đề án sẽ được trình tại kỳ họp cuối năm của HĐND TP Hà Nội. Đề án thứ hai là xây dựng lộ trình giảm dần, tiến tới dừng hoạt động của xe máy tại các quận vào năm 2030, “cấm được xe máy càng sớm càng tốt”, ông Viện nói và cho biết đang phối hợp cùng Viện chiến lược Giao thông nghiên cứu xây dựng đề án, trong đó có tính tới việc dừng đăng ký mới xe máy. Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Trọng Đông cũng cho rằng ôtô có tiêu chuẩn khí thải nhưng xe máy không có tiêu chuẩn nên thành phố “hạn chế và cấm xe máy sớm ngày nào hay ngày đấy” để cải thiện chất lượng không khí. 
Ủng hộ các giải pháp trên, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết, số lượng phương tiện lưu thông trên địa bàn thành phố đang rất lớn và ngày càng gia tăng. Thành phố hiện có khoảng 6 triệu phương tiện (cả ôtô và xe máy), thêm khoảng 2 triệu phương tiện vãng lai, số lượng xe của lực lượng công an, quân đội khoảng 1 triệu. Từ thực tế đó, ông cho rằng, kiểm soát phương tiện cá nhân chính là vì lợi ích chung của xã hội và các đơn vị liên quan mạnh dạn nghiên cứu, đề xuất giải pháp để giảm ùn tắc, ô nhiễm. 
Trong khi đó, giới chuyên gia cho rằng, chủ trương là đúng nhưng lộ trình thực hiện thiếu tính khả thi. Sở dĩ nói câu chuyện này không có gì là mới bởi cách đây hai năm về trước Sở GTVT đã đề xuất với lãnh đạo TP Hà Nội về việc cấm, hạn chế xe cá nhân. Bên cạnh một số ý kiến ủng hộ thì nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu lại bày tỏ sự quan ngại. Thậm chí để thuyết phục được đề án này, một người có trách nhiệm đưa ra thông tin qua khảo sát có đến 90% người dân ủng hộ cấm xe máy. Khi báo chí hỏi lại số liệu khảo sát căn cứ theo cơ sở nào và có bao nhiêu người dân được hỏi thì đến nay vẫn chưa có được câu trả lời thỏa đáng từ các cơ quan xây dựng đề án. 
Cũng xung quanh vấn đề này, nhiều chuyên gia cho rằng, chỉ còn hơn 10 năm nữa để thực hiện là khoảng thời gian quá ngắn, trong khi phương tiện giao thông công cộng hiện chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân cũng như thực tế của đời sống xã hội. Đặc biệt là các điểm nút giao thông công cộng, nhà chờ xe buýt phân bố rất xa nơi người dân ở, trong khi Hà Nội ngõ nhỏ, phố nhỏ không thuận tiện cho các phương tiện công cộng đến các điểm dân cư. 
Về đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực có nguy cơ ùn tắc, ô nhiễm môi trường. Đây là biện pháp kinh tế để giảm ùn tắc giao thông, không phải thu phí để tăng thu ngân sách mà là để người dân lựa chọn tuyến đường, phương tiện phù hợp với nhu cầu chung. Nhiều ngưởi dân không chỉ ở Hà Nội mà nhiều vùng lân cận đặc biệt quan tâm vì sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt khi mà cơ sở hạ tầng của Hà Nội còn nhiều bất cập. 
Do đó, việc đến năm 2030, nếu cấm dần xe máy từ vành đai 3 trở vào mà không phát triển giao thông công cộng phù hợp với lộ trình cũng như nhu cầu sử dụng của người dân thì việc giảm ùn tắc, ô nhiễm môi trường và tai nạn giao thông thực hiện được, nhưng việc đi lại và sinh hoạt của người dân trong khu vực nội đô sẽ gặp không ít khó khăn. 
Hiện nay, việc ùn tắc giao thông tại Hà Nội chủ yếu diễn ra vào thời điểm sáng sớm và chiều tối, khi người dân tới công sở, trường học và từ công sở, trường học trở về nhà. Do đó, nếu tập trung quá nhiều các cơ quan, trường học, bệnh viện và chung cư cao tầng tại khu vực nội đô thì dù có thu phí vào nội đô với các phương tiện như ô tô hay cấm xe máy thì cũng sẽ không giải quyết được gốc của vấn đề. 

 Căn cứ pháp lý ở đâu để hạn chế? 
Căn cứ mà Sở GTVT Hà Nội đưa ra để biện chứng cho đề án là chưa thỏa đáng. Giám đốc Sở GTVT Hà Nội mới chỉ đứng ở góc độ quản lý về giao thông, còn góc độ liên quan đến quyền sở hữu thì chưa được đề cập. Theo dự thảo Nghị quyết, sẽ thu hồi xe máy cũ nát, xe không đảm bảo chất lượng môi trường. Tuy nhiên, nếu xe thuộc sở hữu tư nhân thì làm sao có thể thu hồi được? Căn cứ pháp lý nào để thu hồi? Mặt khác, đến năm 2030 cấm xe máy hoạt động trong khu vực nội thành tức là dự thảo Nghị quyết đã hạn chế một quyền trong quyền sở hữu của công dân. 
Theo quy định của Bộ luật Dân sự, chủ sở hữu có 3 quyền: quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt. Anh cho tôi mua xe máy nhưng lại không cho tôi đi ra đường, như thế là hạn chế quyền sử dụng. Căn cứ pháp lý ở đâu để hạn chế? Theo quy định của Hiến pháp, chỉ có luật mới hạn chế được quyền con người, quyền công dân, còn văn bản dưới luật không thể hạn chế quyền con người, quyền công dân. 
(Luật sư Nguyễn Hồng Tuyến, Chủ tịch Hội Luật gia TP Hà Nội) 

 

  Bài học của Bắc Kinh 
Hà Nội cấm toàn bộ xe máy trong các quận nội thành, người có tiền sẽ chuyển sang đi ô tô. Đã có bài học của Bắc Kinh (Trung Quốc) về chuyện này. Họ cấm xe máy thành công nhưng lượng ô tô riêng gia tăng chóng mặt. Hệ quả là Bắc Kinh ô nhiễm khủng khiếp. Đó cũng là vấn đề mà Hà Nội phải tính toán đến. 
Cần phải ghi nhận rằng dự thảo của Hà Nội cũng đưa ra biện pháp hạn chế ô tô. Chẳng hạn, cấm ô tô hoạt động theo giờ, theo ngày trên một số tuyến phố; thí điểm cấm đỗ theo ngày chẵn lẻ; ban hành quy định hoạt động của xe taxi ngoại tỉnh... Thế nhưng dự thảo lại không tính đến chuyện xe vào Hà Nội không phải của người Hà Nội. Không cho đăng ký xe ở Hà Nội thì người dân đăng ký ở tỉnh khác và vẫn đi về Hà Nội. Như vậy, giải pháp cấm đăng ký không thành công. 

(GT.TS Nguyễn Viết Trung - Đại học GTVT Hà Nội) 


 HOÀNG ANH - P.V 

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top