Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Làm sao đảm bảo bình đẳng giới trong tuyển dụng lao động?

Thứ Bảy 09/03/2019 | 12:11 GMT+7

VHO- Theo khảo sát của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) Việt Nam trên một số cổng thông tin việc làm lớn nhất Việt Nam thì có tới 20% các quảng cáo tuyển dụng yêu cầu hoặc ưu tiên giới tính nhất định. Trong đó, 70% các quảng cáo chỉ tuyển dụng nam, 30% doanh nghiệp chỉ muốn người lao động là nữ giới.

Bất bình đẳng từ thực tế tới pháp luật

Tỉ lệ lao động nữ của Việt Nam có việc làm chiếm hơn 48% tổng số người có việc làm và có tỉ lệ cao nhất khu vực Đông Nam Á. Nhằm đảm bảo bình đẳng giới trong cơ hội việc làm và quyền kinh tế cho lao động nữ, Việt Nam đã tham gia và thực hiện những cam kết quốc tế như Tuyên bố chung về Trao quyền kinh tế và thương mại của phụ nữ, hưởng ứng chiến dịch HeForShe (Vì những người phụ nữ quanh ta) – cam kết loại bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ và trẻ em gái... Tuy nhiên thực tế vẫn tồn tại những hành vi, định kiến, thậm chí văn bản pháp luật mang tính phân biệt giới, ngay cả trong tuyển dụng và cơ hội việc làm cho phụ nữ. Các doanh nghiệp vẫn tuyển dụng lao động nam với các công việc chuyên sâu, đòi hỏi kỹ năng cao hơn như vị trí lãnh đạo, kỹ sư, kiến trúc sư, đầu bếp, lái xe, công nghệ thông tin...; trong khi đó, phụ nữ thường được yêu cầu cho các công việc mang tính hỗ trợ và văn phòng như lễ tân, thư ký, kế toán, nhân sự, hành chính...

Các quảng cáo tuyển dụng phân biệt giới xuất hiện khá phổ biến

Thậm chí, một số quy định trong Bộ luật Lao động hiện hành (năm 2012) vô hình trung đã tạo sự phân biệt đối xử như quy định về các nhóm ngành nghề lao động nữ không được phép thực hiện hay chưa có các quy định cụ thể về đào tạo dạy nghề, hỗ trợ an sinh xã hội cho lao động nữ... Cụ thể, Khoản 1 Điều 160 được hướng dẫn chi tiết trong Thông tư số 26 nêu danh mục 38 việc làm không được sử dụng lao động nữ và 39 việc làm không được sử dụng lao động nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, tổng cộng là 77 danh mục việc làm.

TS Đỗ Ngân Bình (ĐH Luật Hà Nội) - thành viên nhóm cố vấn sửa đổi Bộ luật Lao động cho rằng, quy định này đã ảnh hưởng tới quyền lựa chọn nghề nghiệp của phụ nữ. Chẳng hạn, nghề bốc vác nặng nhọc (trên 50 kg) là một trong 77 nghề bị cấm đối với phụ nữ, nhưng thực tế, tại các chợ đầu mối, nhiều phụ nữ vẫn phải chọn làm công việc này để có thu nhập, mưu sinh. Lí do mà các nhà soạn Luật đưa ra là bảo vệ “chức năng sinh đẻ và nuôi con” cho nữ giới, nhưng lại “quên” đi quyền được chăm sóc về sức khỏe cho nam giới. “Hướng tiếp cận cho những nghề nghiệp này thay vì cấm thì cần những quy định nâng cao chất lượng, công nghệ, đảm bảo an toàn cho người lao động”, đại diện Viện Công nhân công đoàn chia sẻ.

Ngoài ra, một số điều khoản của Bộ luật Lao động 2012 cũng đem lại nhiều ưu đãi cho lao động nữ như chế độ và quyền lợi cho người lao động nghỉ thai sản. Điều này đã khiến một số doanh nghiệp đối phó bằng cách chọn tuyển dụng nam, hoặc nếu tuyển dụng lao động nữ thì phải cam kết không được mang thai trong thời gian đầu làm việc (2 hoặc 3 năm). Theo bà Phạm Thu Lan – Viện Công nhân công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), Bộ luật Lao động hiện hành chỉ cho phép lao động nữ được nghỉ hưởng BHXH khi nuôi con dưới sáu tháng tuổi hoặc chăm con dưới bảy tuổi bị ốm đau mà không ghi nhận quyền tương đương cho lao động nam. Hoặc người chồng chỉ được nghỉ từ 5 – 14 ngày (tùy trường hợp) cũng là một rào cản thực hiện bình đẳng giới và chia sẻ công việc trong gia đình, làm củng cố thêm định kiến xã hội là việc chăm sóc con cái vẫn được mặc định là trách nhiệm riêng của phụ nữ. “Các chính sách bảo vệ phụ nữ theo hướng chỉ áp dụng chế độ chăm sóc, nuôi con nhỏ cho nữ giới. Điều này là không công bằng, bởi thực ra lấy đi cơ hội làm việc thăng tiến của lao động nữ, trong khi đó, chính sách hiện hành lại không khuyến khích, tạo điều kiện cho lao động nam làm việc nhà, không có thời gian chăm con nhỏ” - bà Lan nói.

Tạo điều kiện và ứng xử công bằng với lao động nữ

Dù vậy, trong khuôn khổ dự án “Thúc đẩy bình đẳng giới trong Bộ luật Lao động”, Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế môi trường (iSEE) cùng các đối tác đã tiến hành khảo sát về việc làm tại một số doanh nghiệp, trong đó có nhiều doanh nghiệp đã tạo điều kiện cho lao động nữ làm việc. Tại Công ty TNHH Xây dựng thương mại Đại Dũng (TP HCM), ông Trịnh Mạnh Hùng, đại diện Ban Giám đốc công ty cho biết, công ty hiện có 3.000 công nhân làm việc. Do đặc thù là ngành nghề cơ khí chế tạo, nặng nhọc nên hơn 85% lao động là nam giới, tỷ lệ lao động nữ rất ít, chủ yếu làm việc văn phòng và giám sát, vệ sinh. Hiện công ty có nhu cầu tuyển dụng nhiều lao động nhưng sẽ tuyển dụng theo tính chất công việc và sẽ không có sự giới hạn lao động nam hoặc nữ. Riêng đối với lao động nữ đang hưởng chế độ thai sản, công ty ưu tiên và có thêm nhiều chính sách chăm lo tốt hơn. Ngoài được hưởng lương theo chế độ BHXH thì công ty sẽ bù phần còn lại để bằng mức lương trước khi nghỉ thai sản cho lao động nữ.

Nghề may mặc không chỉ dành cho lao động nữ (ảnh chụp tại Công ty TNG)

Ở Công ty Cổ phần đầu tư và thương mại TNG (Thái Nguyên), phụ nữ mang thai, phụ nữ cho con bú, lao động khuyết tật được ngồi dây chuyền riêng so với các dây chuyền khác. “Dây chuyền chế độ” là tên gọi của người lao động đặt cho dây chuyền này, cũng có những đặc thù riêng như ghế ngồi có tựa lưng, khi mệt mỏi có thể nghỉ ngơi một lúc. Người lao động được rời Nhà máy sớm hơn 1 giờ so với các chuyền may khác, nghĩa là công nhân chỉ làm 7 tiếng/ngày thay vì 8 tiếng/ngày như các chuyền khác. Mặc dù được về sớm nhưng tiền lương ngày công, thu nhập và mọi chế độ của số lao động “chế độ” vẫn được đảm bảo đầy đủ như những lao động bình thường vì công ty giao khoán số lượng công việc trong thời gian 7 giờ. “Để đảm bảo cho người lao động yên tâm làm việc, công ty có nhiều chế độ, chính sách đãi ngộ và chăm lo cuộc sống như xây nhà trọ, nhà trẻ, được ăn trưa miễn phí... Nếu hai vợ chồng cũng làm ở TNG thì được giảm 50% tiền thuê nhà, mỗi dịp Tết tổ chức xe đưa đón, hoặc tặng cặp vé về quê”, ông Nguyễn Đức Hiệp – Chủ tịch Công đoàn  Công ty TNG chia sẻ.

Dự thảo xây dựng Bộ luật Lao động sửa đổi 2012 đã hết thời hạn lấy ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành, chuyên gia và người dân. Qua ghi nhận, nhiều ý kiến cho rằng để đảm bảo bình đẳng trong cơ hội việc làm và chia sẻ trách nhiệm gia đình cần phải bỏ Điều 160 Bộ luật Lao động 2012 và Thông tư 26 với 77 ngành nghề cấm sử dụng lao động nữ, thay vào đó là cho phép người lao động nam và nữ được quyền lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với mình. Các cơ quan chức năng cần có các chế tài đối với những doanh nghiệp tuyển dụng và quảng cáo tuyển dụng có sự phân biệt giới; xem xét điều chỉnh chế độ nghỉ thai sản, chăm sóc con ốm đau đối với người cha...

QUỲNH HOA

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top