Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Quảng Ninh: Lễ hội đền Xã Tắc năm 2019

Thứ Tư 06/03/2019 | 21:33 GMT+7

VHO- Từ  ngày 5- 6.3 (ngày 29.1 - 1.2 âm lịch), tại Di tích lịch sử - văn hóa đền Xã Tắc và khu vực sông Ka Long, phường Ka Long TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh diễn ra Lễ hội đền Xã Tắc năm 2019. Việc phục dựng và tổ chức Lễ hội đền Xã Tắc nhằm bảo tồn, phát huy, tôn vinh những giá trị di sản văn hóa truyền thống và di tích lịch sử văn hóa; xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa - tâm linh.

Đền Xã Tắc tại phường Ka Long, TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh

Đây là cột mốc văn hóa nơi địa đầu Tổ quốc, khẳng định chủ quyền lãnh thổ quốc gia và nét đặc trưng trong sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân trên địa bàn. 

Cụm Di tích đền, chùa Xã Tắc nằm ở vị trí quan trọng nơi địa đầu Đông Bắc Tổ quốc, cạnh ngã ba sông biên giới Việt – Trung. Đền Xã Tắc khắc ghi dấu ấn lịch sử nơi trước trấn yên bờ cõi và khẳng định những nét đặc trưng trong sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng của người dân đất Việt. Theo sử sách, đền Xã Tắc xây dựng khoảng cuối thế kỷ XIII, đầu thế kỷ XIV thờ Thành hoàng châu Móng Cái xưa là Xã Tắc đại vương. Trước kia, ngôi đền ở sát mép sông Thác Mang, trong một lần bão lớn đầu thế kỷ XX, đền bị sạt lở, người dân di chuyển ngôi đền vào khu Soáy Nguồn như ngày nay và trải qua nhiều lần tôn tạo. Đàn Xã Tắc tổ chức lễ tế thần Xã (thần đất) vị thần lớn nhất trong năm thổ thần và thần Tắc (thần lúa) đứng đầu trong “Ngũ cốc”. Đất sinh ra muôn loài, ngũ cốc nuôi sống vạn vật trong ý thức con người từ nguyên thủy. Đây là 2 vị thần tiêu biểu cho 5 thổ thần và ngũ cốc, gắn bó như đất và lúa trong đời sống cư dân nông nghiệp lúa nước. Tháng 3/2018, TP Móng Cái tổ chức phục dựng lại Lễ tế Đền Xã Tắc.

 Nghi lễ tế Xã Tắc

Năm 2005, UBND tỉnh Quảng Ninh xếp hạng Đền Xã Tắc là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Với những giá trị lịch sử, văn hoá, tâm linh đặc biệt, năm 2009, UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt dự án xây dựng trùng tu, tôn tạo đền Xã Tắc; bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hoá, tạo cảnh quan khu vực, hình thành điểm du lịch gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, huy động nguồn lực xã hội hoá xây dựng lại ngôi đền khang trang. Công trình mới được xây dựng rộng hơn 2 ha, bao gồm chính điện xây dựng trên nền cũ, cổng nghi môn, nhà tả vu, hữu vu, lầu chuông, lầu trống, bình phong bằng đá, miếu thờ thần linh và một số công trình khác. Xã Tắc Đại vương (thần chủ đền), Cao Sơn Đại vương và Hưng Nhượng Đại vương Trần Quốc Tảng là 3 vị thần được thờ tại đền hiện nay.
Để khẳng định những giá trị lịch sử, văn hoá của nghi lễ Tế Đền Xã tăc và di tích đền Xã Tắc, cuối tháng 11.2018, TP Móng Cái tổ chức hội thảo khoa học “Bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử đền Xã Tắc, TP Móng Cái”, với sự tham gia của các cơ quan quản lý về văn hoá của Bộ VHTTDL, các chuyên gia, các nhà khoa học uy tín và các cụ cao tuổi trên địa bàn... Hội thảo thống nhất, khẳng định đền Xã Tắc là di tích có thật trong lịch sử vùng đất Móng Cái xưa và hàm chứa các giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học. Căn cứ vào các tư liệu Hán Nôm tại di tích khẳng định: Thần Xã - thần Tắc là hai vị thần chủ trong tín ngưỡng thờ thần Xã Tắc; khẳng định sự tồn tại, vai trò của đàn tế đối với sự hình thành, phát triển của đền Xã Tắc và nhân dân TP Móng Cái. Do vậy, cần phỏng dựng lại đàn tế Xã Tắc, không gian văn hóa, tâm linh hoàn chỉnh (đền thờ và đàn tế), phục vụ thực hành tín ngưỡng thờ thần Xã Tắc trong đó có lễ tế Xã Tắc.
Năm nay, TP Móng Cái tổ chức lễ hội đền Xã Tắc mở rộng thêm các hoạt động phần hội. Phần lễ gồm các nghi lễ chính: Lễ cấp thủy (lấy nước) tại đền Xã Tắc - bến sông Ka Long - ngã ba Soáy Nguồn; lễ mộc dục (tắm tượng) tại đền; lễ nghinh thần (rước thần Xã, thần Tắc du hương/du xuân) theo cung đường từ đền Xã Tắc - đường Tuệ Tĩnh - cầu Hòa Bình - đại lộ Hòa Bình - vòng xuyến Trà Cổ - đường Hùng Vương - cầu Ka Long và trở về đền; lễ an vị tượng tại đàn tế; lễ tế Xã Tắc; lễ dâng lễ vật của các địa phương, cơ quan, đơn vị, nhân dân thành phố; lễ cúng chúng sinh; lễ thả thuyền giấy, đèn hoa đăng trên sông Ka Long; lễ xuất tịch tại đền Xã Tắc. Phần hội gồm biểu diễn văn nghệ, diễn xướng dân gian, các trò chơi dân gian truyền thống phù hợp với không gian tổ chức và tính chất của lễ hội...

HẢI ĐĂNG

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top