Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Con đường hồi sinh 4 tác phẩm có giá trị của nước bạn Lào

Thứ Hai 04/03/2019 | 10:11 GMT+7

VHO- 4 tác phẩm mỹ thuật vốn trong tình trạng hỏng hóc, cần khẩn cấp bảo vệ thuộc sở hữu của Bảo tàng Kaysone Phomvihane (Lào) sau một thời gian ngắn đã được các chuyên gia bảo quản, phục chế của Trung tâm Bảo quản, Tu sửa tác phẩm mỹ thuật (Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam) đưa về hiện trạng cơ bản ban đầu.

 Lễ bàn giao những tác phẩm mỹ thuật sau phục chế cho Bảo tàng Kaysone Phomvihane không chỉ là dấu ấn của tình hữu nghị, hợp tác mà còn cho thấy tín hiệu tích cực trong công tác tu sửa, phục chế của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

 Ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (bìa phải) bàn giao tác phẩm “Chân dung Hoàng thân Souphanouvong" cho đại diện bảo tàng Kaysone Phomvihane

Những giá trị nghệ thuật “kêu cứu”

Ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam nhớ lại, cách đây khoảng 5 năm, trong một chuyến thăm và làm việc tại Bảo tàng Kaysone Phomvihane (khi đó ông Minh là Phó Giám đốc Khu Di tích), bên cạnh ấn tượng về sự bình dị của hai nhà lãnh đạo Lào là Chủ tịch Kaysone Phomvihane và Hoàng thân Souphanouvong, ông còn đặc biệt chú ý đến nhiều hiện vật tại đây dường như đang bị quên lãng, xuống cấp trầm trọng, trong đó có nhiều tác phẩm mỹ thuật đặc biệt giá trị.

“Ngay khi nhìn thấy những vết hoen ố, mốc ẩm trên từng tác phẩm, tôi đã nghĩ đến Trung tâm Bảo quản, Tu sửa tác phẩm mỹ thuật (Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam), đơn vị từng giúp Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch trong công tác phục hồi những tài liệu có giá trị lịch sử. Tuy nhiên vì nhiều lý do khách quan, cho đến khi được điều chuyển về làm Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, tôi mới có đủ điều kiện để cùng bàn thảo với các bạn Lào về việc tiến hành phục chế những tác phẩm giá trị này…”, ông Minh cho biết.

Khảo sát trên 20 tác phẩm đang trong tình trạng khẩn cấp, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Bảo tàng Kaysone Phomvihane đã quyết định sẽ tiến hành phục chế 4 tác phẩm đang trong hiện trạng “kêu cứu”. May mắn là đã có một “Mạnh Thường Quân” sẵn sàng hỗ trợ kinh phí cho công việc đưa những tác phẩm mỹ thuật giá trị này được hồi sinh.

4 tác phẩm được bảo quản, tu sửa lần này có ý nghĩa lịch sử quan trọng và là tặng phẩm của nguyên thủ các quốc gia tặng các lãnh tụ Lào, bao gồm: Tác phẩm Chân dung Lê Nin, 1979, gỗ ép; tác phẩm Chân dung Fidel Castro, Lal Varez, năm 1980, chất liệu giấy; tác phẩm Vịnh Hạ Long, tranh lụa của họa sĩ Trần Đông Lương, chất liệu lụa và Chân dung Hoàng thân Souphanouvong năm 1976, của một họa sĩ người Nga, chất liệu sơn dầu.

Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng cho biết, trước khi tu sửa, cả 4 tác phẩm đều trong tình trạng khẩn cấp, cần nhanh chóng thực hiện công tác tu sửa, bảo quản. Với những nỗ lực cao độ, áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật cũng như có nhiều tìm tòi, tìm kiếm các giải pháp tối ưu, cuối cùng Trung tâm Bảo quản, Tu sửa tác phẩm mỹ

 thuật của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã giúp khôi phục lại những giá trị cơ bản của các bức tranh trong điều kiện tốt nhất có thể.

Giám đốc Trung tâm Bảo quản, Tu sửa tác phẩm mỹ thuật Trần Dũng Tiến chia sẻ, trước tình trạng cả 4 tác phẩm đều hỏng hóc vô cùng nặng nề, các chuyên gia của Trung tâm đã cùng phân tích, khảo sát và bàn bạc để thống nhất cách “chữa trị” hiệu quả nhất. “Các bức tranh hầu như đều bị bong tróc bề mặt sơn rất nặng, không có liên kết giữa chất liệu với lớp toan, điều kiện kỹ thuật tại Lào lại hạn chế nên chúng tôi quyết định đưa những bức tranh này về Việt Nam để bảo quản, tu sửa…”, theo ông Trần Dũng Tiến.

Chạm đến đâu có vấn đề đến đấy, bức Chân dung Hoàng thân Souphanouvong phải làm đến lần thứ ba mới tạm ổn định bề mặt tranh. Đến nay, tác phẩm không còn e ngại sẽ bị bong tróc, rạn nứt mà hoàn toàn có thể an tâm về tính ổn định. Tác phẩm Vịnh Hạ Long của họa sĩ nổi tiếng Việt Nam về tranh lụa - Trần Đông Lương, trước khi phục chế cũng trong tình trạng ố mốc, loang lổ do nước tác động mạnh. Ông Trần Dũng Tiến chia sẻ, ngay cả các chuyên gia Đức trước đây cũng đã từng gặp nhiều khó khăn khi phục chế chất liệu lụa, nhất là khi tình trạng hỏng hóc đã ăn vào chân vải. Do đó, các chuyên gia của Bảo tàng đã phải vừa làm vừa nghiên cứu, tác phẩm về Vịnh Hạ Long của Việt Nam cuối cùng cũng được hồi sinh những giá trị cơ bản ban đầu.

 Tác phẩm “Chân dung Hoàng thân Souphanouvong” bị xuống cấp trầm trọng trước khi tu sửa

Bước tiến trong tu sửa, phục chế tác phẩm mỹ thuật

Cách đây vài năm, nhiều tác phẩm mỹ thuật của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã được các chuyên gia Đức hỗ trợ phục chế, góp phần hồi sinh những giá trị vô giá trong nền hội họa nước nhà. Điều kiện khí hậu ẩm thấp cùng những yếu tố thời gian tác động đã đặt ra vấn đề cấp thiết trong việc nâng cao trình độ, tay nghề phục chế tác phẩm mỹ thuật của đội ngũ chuyên gia Việt Nam. Chính những chương trình hợp tác với các chuyên gia nước ngoài cùng hoạt động tập huấn đã hỗ trợ, nâng cao trình độ cho đội ngũ các chuyên gia phục chế Việt Nam.

Ông Trần Dũng Tiến bộc bạch: “Ngay trong quá trình giúp các bạn Lào chúng tôi cũng rút ra rất nhiều kinh nghiệm cho công tác phục chế sau này. Có tác phẩm khi tiếp cận, đánh giá ban đầu, các chuyên gia cũng không nghĩ mức độ hỏng hóc, xuống cấp lại nặng nề đến thế. Hoặc có tác phẩm chúng tôi phải làm đi làm lại cho đến khi mặt tranh được ổn định mới thôi”.

4 tác phẩm do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam giúp Lào phục chế, hồi sinh những giá trị nguyên gốc lần này đã cho thấy những tín hiệu đáng mừng trong công tác tu sửa, phục chế các tác phẩm mỹ thuật do chính các chuyên gia Việt Nam thực hiện. Tại lễ bàn giao, ông Sing Thong Sing Ha Păn Nha, quyền Trưởng ban phụ trách Bảo tàng Kaysone Phomvihane đã bày tỏ cảm ơn trước sự giúp đỡ nhiệt tình của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, phương pháp làm việc khoa học, cần mẫn của các cán bộ Trung tâm Bảo quản, Tu sửa tác phẩm mỹ thuật đã giúp kéo dài tuổi thọ các hiện vật vô giá đang được trưng bày tại Bảo tàng Kaysone Phomvihane.

Theo ông Nguyễn Anh Minh (Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam), đây là hoạt động thể hiện sống động tình đoàn kết, hữu nghị, giúp đỡ lẫn nhau giữa hai bảo tàng, góp phần gìn giữ, kéo dài tuổi thọ cho các tác phẩm nghệ thuật, đồng thời mở ra hướng hợp tác lâu dài, thiết thực giữa hai đơn vị. Dự kiến trong tương lai, cán bộ của Trung tâm Bảo quản, Tu sửa tác phẩm mỹ thuật Việt Nam sẽ sang Lào để tiếp tục giúp bạn thực hiện công tác bảo quản, tu sửa và đào tạo cán bộ cho Bảo tàng Kaysone Phomvihane. 

 Đội ngũ chuyên gia của Trung tâm đã tiến hành các công đoạn bảo quản, tu sửa rất nghiêm túc. Nghiên cứu, phân tích, đánh giá kỹ lưỡng tình trạng tác phẩm, lập phương án và thực hiện công tác bảo quản, tu sửa... đều được tiến hành bài bản, khoa học, đúng tiến độ. Các tác phẩm sau khi được bảo quản, tu sửa, đã phục hồi khá gần với nguyên bản gốc.

(Ông TRẦN DŨNG TIẾN, Giám đốc Trung tâm Bảo quản, Tu sửa tác phẩm mỹ thuật)

 

 PHƯƠNG ANH

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top