Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Ra biển săn cá ngừ, về làng xây nhan nhản biệt thự tiền tỉ

Thứ Bảy 16/02/2019 | 10:14 GMT+7

VHO- Đến làng biển Thiện Chánh (xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định), chúng tôi bất ngờ và “choáng ngợp” với cảnh những căn nhà lầu tiền tỷ mọc nhan nhản khắp làng. Người dân ở đây cho biết, để có được cơ ngơi như vậy nơi đất liền, rất nhiều người ở đây phải liều mình lênh đênh trên biển, sống trọn vẹn với nghề săn cá ngừ đại dương.

“Vang danh” Đông Nam Á

Làng Thiện Chánh là cái nôi nuôi dưỡng những dòng tộc có truyền thống đi biển lâu đời, có gia đình đã 5-6 thế hệ nối tiếp nhau vươn khơi.  Ở đây,  chẳng bao giờ thấy người làng chê biển nghèo nàn, chê vùng quê lạc hậu… cũng rất ít người phải bỏ làng đi tha phương cầu thực.

Quyết tâm bám biển - khẩu hiệu đó giống như khí chất truyền thống của dân làng và hành trình mưu sinh của họ, khởi nguồn từ đất liền ra đại dương, cần mẫn đánh bắt rồi mang của cải, lộc biển về lại đất liền làm giàu, kể cả trong những mùa biển động.

ra bien san ca ngu, ve lang xay nhan nhan biet thu tien ti hinh anh 1

Ngư dân ở làng Thiện Chánh đang vận chuyển cá ngừ đại dương sau chuyến đánh bắt dài ngày trên biển. Ảnh: D.T

Trước đây, những thế hệ ông cha trong làng biển ra khơi đánh bắt với phương tiện chỉ là ghe bầu, lái bằng buồm, ban đêm phải thắp đèn bão để dò đường. Các thế hệ sau này được tiếp cận với ghe máy, rồi đến tàu cá công suất lớn được gắn trang thiết bị đánh bắt ngày càng cải tiến, hiện đại.

Theo lời kể của các lão ngư cao tuổi, làng Thiện Chánh có truyền thống hàng trăm năm về nghề câu, chủ yếu câu giàn, kéo trục ròng rọc, mỗi tàu ra biển với 1.000 lưỡi câu chuyên săn cá nhám. Thế nhưng, khi nhận thấy nghề này bấp bênh và nguy hiểm thì thế hệ sau này đã chuyển dần sang nghề câu cá ngừ đại dương (cá bò gù).

Khoảng 10 năm trước, làng biển Thiện Chánh chỉ trên dưới 100 con tàu câu cá ngừ đại dương. Thế nhưng, 5 năm gần đây, con số ấy đã lên đến 1.000 tàu, trở thành làng câu cá ngừ đại dương mà theo lời nhận định của các ngư dân là có quy mô “nhất - nhì Đông Nam Á”.

“Trước đây, chúng tôi đi biển cũng hay gặp các ngư dân của nước bạn, họ cũng nói, họ không giỏi nghề câu cá ngừ đại dương như ngư dân của mình. Có người nói, làng Thiện Chánh là ngôi làng câu cá ngừ đại dương lớn nhất Đông Nam Á, điều này không phải là không có cơ sở” - lão ngư Nguyễn Thanh Xê quả quyết.

Theo ông Xê, tàu câu cá ngừ đại dương được trang bị khá đơn giản, tuy nhiên nó lại đòi hỏi rất nhiều kinh nghiệm từ người săn loài cá đặc biệt này. Hành trang mang theo là chiếc cần câu làm bằng tre, dây cước và lưỡi câu phải lớn như chiếc đũa. Thường thì tàu ra biển với khoảng 12 ngư dân, mỗi chuyến từ 20 - 24 ngày. Những ngày đầu, họ rong ruổi đi tìm đàn cá, thợ câu tiền bối ở làng Thiện Chánh có thể phỏng đoán cực chính xác và phát hiện nơi có nhiều đàn cá, dù cho chúng đang đi ăn dưới biển.

Trong khi đó, nhiều chủ tàu còn sử dụng nguồn tin từ những con tàu đánh lưới. Những tàu này phát hiện ra đàn cá sẽ gọi cho các thợ câu làng Thiện Chánh đến, rồi cả hai bên làm giá ngay tại biển. Sau khi thỏa thuận xong mọi việc, các thợ câu cá bắt đầu dàn trận, nhập cuộc săn đêm.

Các ngư dân trong làng cho biết, thường thì thợ câu ở làng Thiện Chánh đi săn quanh năm và chia ra làm 2 đợt từ tháng 4 đến tháng 8, câu ở vùng biển Trường Sa; tháng 8 đến tháng 4 năm sau (vụ chính) câu ở vùng biển Hoàng Sa.

Lão ngư Xê cho biết: “Giá cá ngừ đại dương thời điểm đang ở mức 120.000 - 130.000 đồng/kg. Bình quân, mỗi con nặng khoảng từ 30 - 50kg, tuy nhiên có trường hợp cá biệt, chủ tàu có thể câu được cá “khủng” nặng đến 3,5 tạ. Cách đây vài trăng biển, có chủ tàu ở Thiện Chánh câu được mẻ cá bán gần 1 tỷ đồng. Nhờ việc ra biển câu cá ngừ đại dương, mà mấy năm nay thợ câu trở nên giàu có, xây dựng nhà lầu, biệt thự nhiều hơn”.

Làng biển đổi đời

ra bien san ca ngu, ve lang xay nhan nhan biet thu tien ti hinh anh 2

Một góc sầm uất của làng biển Thiện Chánh hôm nay. D.T

Bây giờ, đảo quanh làng biển Thiện Chánh, đâu đâu cũng thấy nhà lầu, “biệt phủ” có trị giá hàng chục tỷ đồng mọc san sát nhau. Hỏi thì người dân cho biết, nhà  lầu, “biệt phủ” toàn của… thợ câu cá ngừ. Có những thợ câu bây giờ đã mở cửa hàng, thành lập công ty thủy sản, mở xưởng đóng tàu hoặc làm chủ cả đội tàu câu cá ngừ từ 8 - 10 chiếc với hàng trăm lao động.

Theo ông Nguyễn Thanh Hồng (57 tuổi), làng biển Thiện Chánh bây giờ đã tách ra làm 3 thôn. Trong đó, nghề câu cá ngừ đại dương phát triển mạnh nhất ở thôn Thiện Chánh 2 với 700 hộ. Đặc biệt, có những thợ câu cá ngừ đại dương kỳ cựu, khả năng săn bắt giỏi với nhiều năm liền mưu sinh trên biển hiện có tài sản lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng.

“Nghề câu cá ngừ đại dương không những làm thay đổi cuộc sống của người dân mà còn tạo điều kiện, kéo theo nhiều nghề khác cùng phát triển, tạo cơ hội việc làm, tăng thu nhập cho lao động địa phương. Bây giờ, khắp làng biển Thiện Chánh có rất nhiều doanh nghiệp thu mua, chế biến thủy sản, xưởng tàu rồi nghề cơ khí, mộc, hàng quán, dịch vụ, chợ búa… đua nhau phát triển” - ông Hồng nói.

Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều ngư dân ở làng Thiện Chánh thì nơi đây đang đứng trước nỗi lo “quá tải”. Bởi lượng tàu đóng ngày một nhiều, lên đến hàng ngàn chiếc. Con số này vẫn đang tiếp tục tăng lên đến mức báo động, nảy sinh nhiều hệ lụy.

“Câu chuyện mưu sinh bây giờ nó giống như cuộc đua vậy, chưa nói đến các hệ lụy trong bờ, ngoài biển cũng đang xảy ra tranh chấp nảy lửa. Nhiều tàu cá khác tỉnh hễ cứ gặp nhau là gây hấn, tranh giành vùng biển. Nghề khai thác thủy hải sản phát triển quá nóng, con cá sinh sôi không kịp. Biển không có “ngày nghỉ”, dần dần nguồn lợi sẽ suy kiệt. Nghề vua này cũng sẽ lụi tàn nếu không có hướng khai thác bền vững” - ông Hồng lo lắng.

Thương hiệu cá ngừ đại dương Bình Định

Cuối năm 2018, tỉnh Bình Định đã công bố nhãn hiệu “Cá ngừ đại dương Bình Định”, trước đó nhãn hiệu này đã được công nhận theo Quyết định số 38745/QĐ-SHTT ngày 6.6.2018 của Cục Sở hữu và trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, với pháp nhân chủ sở hữu nhãn hiệu chứng nhận là Sở NNPTNT Bình Định.

Sở này cho biết, việc đăng ký và được công nhận nhãn hiệu chứng nhận “Cá ngừ đại dương Bình Định” mới chỉ là bước đầu, làm cơ sở để các tổ chức, cá nhân khai thác, chế biến và kinh doanh sản phẩm cá ngừ đại dương Bình Định sử dụng nhằm tăng cường hiệu quả kinh doanh.

Trong thời gian tới, Sở sẽ phối hợp cùng UBND các huyện tổ chức quảng bá, giới thiệu, hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân liên quan sử dụng nhãn hiệu này hiệu quả cao nhất để phát triển nghề khai thác cá ngừ đại dương của tỉnh.

Theo Dân Việt

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top