Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Liên kết để phát triển du lịch miền Trung- Tây Nguyên

Thứ Sáu 15/02/2019 | 13:06 GMT+7

VHO- Mặc dù “sở hữu” rất nhiều tài nguyên du lịch (du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng biển, di sản…) nhưng khu vực miền Trung – Tây Nguyên vẫn đang gặp nhiều thách thức trong phát triển du lịch. Năm 2018 vừa qua, khu vực này đón 60% tổng lượt khách du lịch cả nước, nhưng chỉ 18,75% tổng thu nhập từ du lịch của quốc gia. Ngày 16.2, Hội nghị “Phát triển du lịch miền Trung- Tây Nguyên” sẽ diễn ra tại TP.Huế nhằm bàn các giải pháp và chính sách cho hướng phát triển của vùng này.

Những năm gần đây tổng lượng khách du lịch đến khu vực Miền Trung- Tây Nguyên tăng mạnh (bình quân 13%/năm) nhưng hiệu quả về thu nhập từ du lịch và  tạo việc làm cho xã hội vẫn còn hạn chế. Nếu tính riêng về khách quốc tế, năm 2018 khu vực miền Trung- Tây Nguyên đón khoảng 8,4 triệu lượt; tập trung ở các tỉnh, thành như Huế, Đà Nẵng, Lâm Đồng, Khánh Hòa...Dòng khách quốc tế đến khu vực này có sự tăng mạnh ở thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc với mức chi tiêu khá thấp (bình quân 2,5 triệu đồng/khách); trong khi đó, thị trường các nước Tây Âu có mức chi tiêu cao (5-6 triệu đồng/khách) lại tăng trưởng rất thấp, với 0,2-0,9%/năm. Thậm chí ở tỉnh Khánh Hòa, trong giai đoạn 2010-2017, thị trường các nước Tây Âu tăng trưởng “âm”…

Cùng với đó, thời gian qua đã có nhiều dự án nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế của các thương hiệu lớn đã hình thành và phát triển ở khu vực, như: FLC Sầm Sơn (Thanh Hoá), InterContinental (Đà Nẵng); Laguna (Thừa Thiên Huế), Vinpearl Resort Nha Trang, Six Senses Ninh Van Bay (Khánh Hoà); Anantara Resort & Spa, Sealinks Beach Villas (Bình Thuận)… Đây là sự phát triển về “chất” khá ấn tượng so với toàn quốc. Tuy nhiên, theo thống kê đến năm 2018 thì toàn vùng  hiện có 84.300 buồng; trong đó có khoảng 53.000 buồng đạt tiêu chuẩn 3-5 sao, chỉ chiếm 17% của cả nước.

Du khách tham quan khu di sản Hoàng cung Huế những ngày đầu năm mới Kỷ Hợi

Du lịch miền Trung – Tây Nguyên thời gian qua chủ yếu phát triển theo chiều rộng thông qua việc khai thác thô các tài nguyên du lịch và thu hút vốn đầu tư vào phát triển hệ thống cơ sở lưu trú, sản phẩm du lịch khá đơn điệu và trùng lặp ở nhiều địa phương, thiếu dịch vụ đi kèm, hạn chế về cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, giao thông, phương tiện vận chuyển khách du lịch, xúc tiến quảng bá du lịch còn yếu. Điều này phản ánh chất lượng phát triển như chỉ tiêu khách và thời gian lưu trú bình quân của một khách vẫn còn thấp. Nhiều địa bàn có tài nguyên du lịch hấp dẫn nhưng chưa được đầu tư tương xứng với tiềm năng du lịch.

Một số chuyên gia cho rằng, khu vực miền Trung – Tây Nguyên hiện thiếu sự liên kết khai thác những giá trị tài nguyên, văn hóa đặc thù riêng của từng địa phương “lồng” vào trong sản phẩm du lịch. Ngoài ra, còn thiếu những sản phẩm du lịch đặc sắc mang tính vùng, khu vực có sức cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế để thu hút khách từ những thị trường trọng điểm.

Chương trình nghệ thuật đường phố tại Festival Huế thu hút đông đảo du khách

Ông Phan Thiên Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng: Trong toàn khu vực, hiện chỉ có sự liên kết giữa 3 địa phương Huế- Đà Nẵng- Quảng Nam được xem là “mô hình điểm” về liên kết phát triển du lịch của cả nước. Mô hình “Ba địa phương- Một điểm đến” này đã được quảng bá đến nhiều thị trường, đồng thời xây dựng được những sản phẩm du lịch phát triển thế mạnh của mỗi địa phương. Hiện nay, sự liên kết giữa các tỉnh thành chỉ ở từng cụm nhỏ và chưa thực sự bền vững. Các tỉnh Miền Trung hầu hết đều có tài nguyên về du lịch biển và du lịch di sản nên cần phải có sự liên kết để khai thác lợi thế của từng vùng. Hội nghị “Phát triển du lịch miền Trung – Tây Nguyên” (ngày 16.2 tới) sẽ là cơ hội để các địa phương và chuyên gia tham mưu để Chính phủ có những chính sách cho việc phát triển liên kết ngang; tránh tình trạng trùng lặp về sản phẩm du lịch của khu vực.

Ngoài “sở hữu” nhiều nguồn tài nguyên du lịch, thì khu vực này còn được xem là nơi có vị trí địa lý du lịch chiến lược: có 12 sân bay, nhiều cảng biển và các khu kinh tế quan trọng của cả nước… Đây cũng là cửa ngõ ra biển của hành lang kinh tế Đông- Tây, có kết nối chặt chẽ với Lào, vùng Đông Bắc của Campuchia, Đông Bắc Thái Lan và Myanmar. Do đó, việc liên kết với Lào và Campuchia để kết nối “Con đường di sản miền Trung” của Việt Nam với Di sản văn hóa thế giới Cố đô Luang Prabang (Lào) và Quần thể Angkor Wat (Campuchia), tạo thành sản phẩm du lịch “Con đường di sản Đông Dương” cũng cần được thúc đẩy.

Một góc của khu nghỉ dưỡng Laguna Lăng Cô (Huế)- dự án có mức đầu tư 44.000 tỉ đồng

Theo thống kê của Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, trong giai đoạn 2010-2016 tình hình đầu tư cho phát triển du lịch ở khu vực miền Trung- Tây Nguyên không có nhiều chuyển biến; nhưng 2 năm trở lại đây, nguồn vốn đầu tư lại tăng mạnh, bình quân 7%/năm. Hiện, đã có hàng trăm dự án du lịch với nguồn vốn đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng được các nhà đầu tư trong và ngoài nước “rót” về đây. Có thể kể đến các dự án của một số nhà đầu tư chiến lược với vốn đầu tư khá lớn như: dự án nghỉ dưỡng Laguna Lăng Cô ở Thừa Thiên Huế (44.000 tỉ đồng), Vinpearl Nha Trang (17.000 tỉ đồng); Vinpearl Quy Nhơn (4.500 tỉ đồng), và chuỗi Vinpearl cho các tỉnh duyên hải miền Trung ở Cửa hội (Nghệ An), Cửa Sót (Hà Tĩnh); Cáp treo Bà Nà (hơn 6.000 tỉ đồng), FLC Sầm Sơn- Thanh Hóa (5.000 tỉ đồng), FLC Quy Nhơn (7.000 tỉ đồng)...

Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Chủ tịch Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, nhấn mạnh rằng: Hội nghị lần này nhằm đưa ra những chính sách và hướng phát triển kinh tế du lịch của khu vực miền Trung- Tây Nguyên, chứ không chỉ thuần túy chỉ là xúc tiến đầu tư. Đây cũng là cơ hội để tỉnh Thừa Thiên Huế quảng bá đến các đại biểu trong nước và quốc tế về những tài nguyên du lịch của địa phương. Dự kiến, sau hội nghị này, Thừa Thiên Huế cũng sẽ có kế hoạch tổ chức một diễn đàn mở để tiếp thu các ý kiến đóng góp cho phát triển du lịch của tỉnh.

Hội nghị “Phát triển du lịch miền Trung- Tây Nguyên” do Bộ VHTTDL phối hợp với Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức vào ngày 16.2, với sự tham dự của 500 đại biểu trong nước và quốc tế. Dự kiến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì hội nghị. Ngoài hội nghị chính thức, sẽ có nhiều hoạt động như: hội nghị giao ban vùng kinh tế trọng điểm miền Trung 2019 vào chiều; triển lãm giới thiệu các tài nguyên du lịch của các tỉnh, thành trong khu vực; khảo sát các tour du lịch đặc trưng của Huế…

THÙY AN

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top