Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Hương vị rượu cần

Thứ Sáu 15/02/2019 | 09:51 GMT+7

VHO-  Mỗi khi tổ chức lễ hội, hay khi Tết đến, Xuân về, nhiều dân làng tại các huyện Kbang, Kong Chro, Chư Pah... của tỉnh Gia Lai lại tất bật và có thêm thu nhập từ việc bán ché rượu cần truyền thống.

Các nguyên liệu từ núi rừng làm nên chất men say rượu cần

Chính từ hương vị cay nồng và lạ miệng cùng với phương thức chế biến thủ công đặc trưng của rượu cần đã thu hút nhiều du khách tìm về thưởng thức…

Ché rượu “bo bo” – hương vị núi rừng

Không biết từ bao giờ, trong nét ẩm thực của các dân tộc ở Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung, loại cây cỏ dại mọc quanh các ngọn đồi bên nương rẫy có tên thường gọi là hạt bo bo đã trở thành món khoái khẩu. Ngoài việc thuần hóa giống cây dại trở thành cây làm lương thực, thì chính hạt cỏ dại này được người dân chế biến trở thành thức uống truyền thống có vị ngọt, cay nồng, thơm lâu và thường được dân làng sử dụng trong dịp lễ quan trọng.

Trong những ngày này, làng Nghe Nhỏ, huyện Kông Chro (Gia Lai) luôn có người tìm đến, hỏi nhà bà Đinh Thị Jrưk để tìm mua một loại rượu mà chỉ do chính bà mới có cách chế biến, tạo ra hương vị cay, thơm, ngọt... Tìm hiểu kỹ hơn, mới hay là nhà bà Jrưk có công thức “bí truyền” trong cách làm ra loại rượu cần truyền thống, bí quyết ấy được các thế hệ phụ nữ trong gia đình truyền tay nhau thực hiện. Trong các vị rượu cần được chế biến từ gạo, mì, chuối... thì hương vị từ cây cỏ dại bo bo, hạt cây Gao được nhiều khách đặt hàng và chọn mua. Bà Jrưk cho hay: Mỗi ngày nhà mình đều có người đặt hàng mua chuyển đi các nơi kể cả ngoài tỉnh, những ngày gần đây lượng khách đặt nhiều hơn, riêng ché bo bo lên tới gần cả trăm rồi. Mình phải gọi thêm người trong làng về nhà làm để kịp giao cho khách và có thêm thu nhập. Giá mỗi ché rượu cần từ hạt cây bo bo hiện được bà Jrưk bán với giá từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng tùy theo cỡ. Mỗi ngày nhà bà bán được từ 30-50 ché rượu.

Đậm đặc bánh men rừng

Ngoài việc tách vỏ, nấu chín hạt bo bo và trải đều ra các nong, nia bằng tre có lỗ thoáng, thì “bí mật” trong cách làm để có ché rượu khi uống có vị thơm ngon, đậm đặc là “bánh men truyền thống”. Để có được các vị chua, cay, ngọt, thơm người làng phải lặn lội tận vào rừng sâu để tìm ra từ 5-7 loại củ, lá, vỏ cây, ớt rừng mới tạo nên được hương vị “lạ” theo cách truyền thống.

Chị Nguây - dân tộc Ba Na, làng Nghe Nhỏ (Kông Chro, Gia Lai) chia sẻ: Làm men theo cách truyền thống nay ít người làm rồi, mình và cha phải dậy từ sớm khi con gà còn đang ngủ, có lúc tìm mãi không đủ vị nên phải nằm lại rừng để đi tiếp mới có được. Vất vả để có được các loại vị theo công thức truyền thống là thế nhưng công đoạn chế biến các loại này thành một loại nước cũng lắm công phu và mất nhiều ngày. Chính từ việc khó khăn và chế biến khó nhọc nên giờ đây bí quyết làm ra vị bánh men rừng cũng mất dần theo thời gian.

Ông Đinh Văn Brơn, Phó Chủ tịch UBND xã Yang Trung cho biết, rượu cần là thức uống truyền thống của dân làng, do vậy các hộ dân tộc thiểu số trên địa bàn xã đều ủ được rượu. Có hộ còn làm rượu để bán, đáp ứng nhu cầu khách hàng có thêm nguồn thu nhập và góp phần gìn giữ nét văn hóa đậm bản sắc dân tộc. Để lưu giữ giá trị văn hóa của làng, xã thường xuyên tuyên truyền người dân chế biến cần giữ vệ sinh, không dùng các loại men trôi nổi, khuyến khích người dân trồng các loại cây lấy hạt làm nguyên liệu ủ rượu, làm men từ các loại rễ, vỏ cây rừng, gìn giữ những tinh túy của rượu truyền thống.

Từ công thức và cách chế biến thủ công đậm chất rừng, những ché rượu cần đã trở thành thức uống lựa chọn tại các điểm du lịch, mỗi đoàn khách tìm đến Gia Lai đều muốn được một lần nhấm nháp hương vị núi rừng cùng với các món ăn dân gian như gà nướng muối é, cơm lam...

NGUYỄN GIÁC

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top