Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Tết trồng cây ở Trường Sa đầu xuân Kỷ Hợi 2019

Chủ Nhật 10/02/2019 | 14:05 GMT+7

VHO- Đã thành thông lệ, cứ mỗi độ xuân về, các cán bộ, chiến sỹ cùng nhân dân trên quần đảo Trường Sa lại ra quân trồng cây, gây màu xanh cho đảo. Hàng ngàn cây tra, cây bàng vuông, phong ba, bão táp, phi lao... được trồng dịp xuân Kỷ Hợi này hứa hẹn sẽ mang lại sức sống mới giữa đại dương.

Cán bộ, chiến sỹ trên quần đảo Trường Sa tham gia tết trồng cây xuân Kỷ Hợi 2019. Ảnh Thúy Hà

Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, mưa ít, nắng nhiều, đảo có nước ngọt, đảo không, hơi nước biển mặn thậm chí còn đóng thành muối ngay trên bờ kè nên những loại cây được trồng trên các đảo phải thích hợp với nắng gió Trường Sa chủ yếu là cây tra, phi lao, bàng vuông, cây nhàu, phong ba, bão táp, hoa đại, hoa sứ, hoa giấy… Ở các đảo nổi như Nam Yết, Song Tử Tây, Sơn Ca, Sinh Tồn, Sinh Tồn Đông, Trường Sa Lớn, Phan Vinh, An Bang…  còn có thêm một số loại cây ăn quả là những cây ưa nắng như dừa, bưởi, cam, ổi, đu đủ…

Đảo xanh Nam Yết. Ảnh Thúy Hà

Trên nhiều đảo hiện nay hệ thống cây cho bóng mát, cây ăn quả, rau xanh được cán bộ, chiến sĩ, quân dân huyện đảo Trường Sa trồng và chăm sóc phát triển rất nhanh. Cả ngàn cây xanh được trồng mỗi dịp xuân mới tại các đảo trên quần đảo Trường Sa không những tạo cảnh quan đẹp, điều hòa khí hậu, ngọt hóa đất đai, tạo bóng mát mà còn làm tốt vai trò che chắn gió bão, ngụy trang phương tiện và lực lượng trên đảo, góp phần trực tiếp vào công tác phòng thủ chiến đấu của quân, dân ta tại Trường Sa.

Dưới bóng cây mù u ở đảo Sơn Ca. Ảnh Thúy Hà

Cây phong ba ở Trường Sa đẹp nhất Việt Nam, còn cây phong ba ở Song Tử Tây lại đẹp nhất Trường Sa. Nhiều nơi ở Việt Nam trồng dừa nhưng đảo dừa Nam Yết chỉ có một và chưa ở đâu cây dừa lại thân thương, xinh đẹp như ở Nam Yết.

Vườn phong ba cổ thụ ở đảo Song Tử Tây. Ảnh Thúy Hà

Được tham gia Lễ phát động tết trồng cây- Nhớ ơn Bác Hồ xuân Kỷ Hợi 2019 trên khuôn viên Công viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở đảo Sơn Ca, thấy yêu quý hơn những màu xanh trên đảo và cảm nhận rõ sức sống mãnh liệt của các loài cây ở Trường Sa.

Phát động tết trồng cây xuân Kỷ Hợi 2019 trên đảo Sơn Ca. Ảnh Đức Dũng

Đảo Sơn Ca vô cùng xinh xắn, nổi lên xanh ngắt giữa mênh mông đại dương. Trên đảo có cây mù u hơn 100 năm tuổi là cây di sản. Ngoài ra, thảm thực vật ở đây khá phong phú. Khắp màu xanh của đảo là bàng vuông, bàng thường, phi lao, bão táp, phong ba, tra, xoài biển…, đặc biệt đảo này còn rất nhiều rau xanh, rau thơm.

Tết trồng cây đầu năm được tổ chức thường niên trên quần đảo Trường Sa. Ảnh Thúy Hà

Chính trị viên đảo Sơn Ca, thượng tá Phạm Văn Thọ cho biết: “Hưởng ứng tết trồng cây theo lời dạy của Bác, hàng năm, cứ vào dịp xuân về quân và dân trên huyện đảo Trường Sa nói chung, đảo Sơn Ca nói riêng lại tham gia “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”. Nhiều phong trào và mô hình trong xây dựng cảnh quan môi trường chính quy xanh- sạch- đẹp, phong trào thanh niên tình nguyện để chăm sóc cây xanh, trồng cây xanh làm đẹp cảnh quan, đơn vị và làm sạch môi trường biển”

Các chiến sỹ trên đảo Sơn Ca tham gia tết trồng cây. Ảnh Phan Giang

Từ những phong trào trồng cây ở đảo, các đảo cát, rặng đá san hô đã tràn ngập màu xanh. Đó cũng là kết quả của tinh thần đoàn kết, hăng say lao động, sáng tạo, cố gắng không ngừng nghỉ của những người lính hải quân. Giờ đây, cây đã trở thành những người bạn không thể thiếu với mỗi cán bộ, chiến sỹ và lực lượng trên đảo. Những cây phong ba, cây tra, bàng vuông hiên ngang tỏa bóng mát, góp phần bảo vệ chủ quyền, bảo vệ hệ môi trường sinh thái, cảnh quan đơn vị chính quy, cải thiện đời sống, sinh hoạt, sức khỏe của quân và dân trên đảo.

Ươm những mầm xanh. Ảnh Đức Dũng

Trồng cây không khó, mà khó ở việc giữ gìn, chăm sóc, nuôi lớn cây. Mùa mưa bão biển khiến cây cối tả tơi, mùa khô thì thiếu nước. Mỗi cây tồn tại, lên mầm, tỏa màu xanh được ở trên đảo phải rất kiên cường. Ý thức rõ điều đó, các chiến sỹ trên đảo Sơn Ca thường xuyên nâng niu, chăm sóc từng gốc cây, ngọn cỏ trên đảo.

Để giữ mãi màu xanh trên đảo. Ảnh Đức Dũng

Trên đảo Sơn Ca, hàng năm, vào mỗi dịp thay quân, các chiến sỹ hoàn thành nghĩa vụ, trước khi về bờ đều chiết cây con, trồng kỷ niệm trên đảo, bàn giao cho đồng chí mới và các chiến sỹ ra nhận nhiệm vụ ngoài đảo cũng đều mang cây từ đất liền ra trồng, để thường xuyên được thấy hình ảnh quê nhà, giữ màu xanh cho đảo. Mỗi cây xanh trên đảo vì thế gắn liền với kỷ niệm đời quân ngũ, thấm đẫm tình cảm của đất liền với lính đảo và chứa đựng biết bao công sức của bộ đội Trường Sa.

THÚY HÀ

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top