Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Về Hội An dự lễ cúng tổ nghề mộc Kim Bồng

Chủ Nhật 10/02/2019 | 12:47 GMT+7

VHO- Ngày 10.2, nhằm mùng 6 tết nguyên đán Kỷ Hợi 2019, du khách và người dân Quảng Nam nao nức về trẩy hội, tham gia lễ cúng tổ nghề mộc Kim Bồng (xã Cẩm Kim, TP Hội An, Quảng Nam).
     

Làng mộc Kim Bồng nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, cách trung tâm phố cổ Hội An khoảng 3km về phía Tây Nam. Tương truyền vào cuối thế kỷ XV, đầu thế kỷ XVI, những cư dân thuộc các tộc Nguyễn, Huỳnh, Phan, Trương từ vùng Bắc bộ, Bắc Trung bộ đã đến Kim Bồng dựng làng, lập nên nghề mộc Kim Bồng. Về sau, các tộc Đỗ, Bùi, Võ đến cộng cư, góp công phát triển làng xã, mở rộng qui mô nghề mộc. 
Bàn tay tài hoa của thợ mộc Kim Bồng đã góp phần xây dựng nên những công trình kiến trúc gỗ Hội An, tham gia xây dựng cung điện triều Nguyễn, lăng tẩm một số vua triều Nguyễn ở Huế, đóng nhiều ghe bầu đi biển, tạo tác nhiều hàng mộc mỹ nghệ lộng lẫy. Do vậy, đã có nhiều thợ mộc Kim Bồng tay nghề cao được triều đình phong Bát, Cửu phẩm, phong hàm tượng mục. Hiện nay, các thợ mộc Kim Bồng đang đóng góp đáng kể vào sự nghiệp tu bổ di tích kiến trúc cổ Hội An.
Tại làng nghề hiện vẫn còn bảo tồn nhiều sinh hoạt văn hoá truyền thống trong đó có lễ tế Tổ nghề mộc vào ngày mồng 6 tháng Giêng âm lịch hàng năm tại Đình tiền hiền Kim Bồng (thôn Phước Thắng, xã Cẩm Kim). 

MOC 1
Từ sáng sớm, các vị cao niên đã về đình tiền hiền chuẩn bị lễ tế tổ nghề mộc theo nghi thức truyền thống

Đông đảo người dân trong làng và những người con làng mộc Kim Bồng đi làm ăn xa vào ngày này cũng về dự lễ.  Lễ tế được bày biện và tổ chức  theo đúng nghi thức truyền thông với hương án tế cáo trời đất, âm linh ở bên trong bình phong của sân đình. Bàn cúng trời đất, bàn cúng âm linh. Đặc biệt tại hương án còn có một đĩa rau lang luộc, một chén mắm cái để cúng chúa Chàm. Lễ tế diễn ra theo trình tự 3 tuần Sơ, Á, Chung hiến lễ,.. 
Đọc xong văn tế chánh tế quỳ thi lễ, làm thủ tục hoá vàng, vãi gạo muối cho thần linh, âm linh. Mâm  tiền mã cũng được các trai làng đem ra cổng đình đốt cháy rực, tất cả đều thành tro thì các thánh thần và âm linh mới thượng hưởng trọn vẹn. Lễ tế âm linh kết thúc vào khoảng 10 giờ sáng.

MOC 2
Trai làng hóa mã kết thúc lễ tế âm linh

Sau đó là lễ tế Tổ nghề mộc Kim Bồng diễn ra trong nội thất đình tiền hiền. Lễ tế cũng được diễn ra theo tuần tự sơ, á, chung hiến lễ với những nghi thức lễ truyền thống.

Văn tế được xướng lên tế cáo về sự tri ân đối với các vị thần của nghề nghiệp, các vị tiền hiền của làng đồng thời là tổ nghề mộc của làng và các vị thần cai quản làng xóm là Thanh Hoàng, Thổ địa, Ngũ Hành đã nâng đỡ cho làng mộc Kim Bồng được phát triển, các thợ mộc vững tay nghề, an toàn trong sản xuất, chế tác. Đồng thời cầu mong các vị thần linh phò trợ cho toàn thể bà con trong làng mộc một năm nhiều việc làm, an toàn, may mắn. 

MOC 3
Lễ tế trong nội thất đình tiền hiền

Sau phần lễ tế tổ, người dân và du khách cùng tham gia phần hội tại nhà truyền thống của làng nghề. Tại đây, du khách cùng cư dân địa phương sẽ thưởng thức các món ẩm thực dân dã của địa phương, xem trình nghề mộc, nghề dệt chiếu, tham gia các trò chơi dân gian như hô bài chòi, bịt mắt đập om,…

MOC 4
Xem trình diễn nghề dệt chiếu truyền thống của làng Kim Bồng


Các nghệ nhân mộc Kim Bồng cũng trình diễn, trưng bày sản phẩm gỗ nghệ thuật, dân dung, trình diễn kỹ thuật làm nghề mộc nhanh, giới thiệu về văn hóa gỗ-mộc trong lòng xứ Quảng, phố Hội. 

MOC 5
Trưng bày sản phẩm mộc


Được biết, làng mộc Kim Bồng là làng nghề đầu tiên tại Hội An tham gia dự án du lịch cộng đồng được triển khai từ năm 2004, thông qua chương trình xóa đói giảm nghèo do Liên hiệp quốc tài trợ. UBND TP.Hội An cũng đã phê duyệt kế hoạch “Bảo tồn các giá trị làng mộc Kim Bồng gắn với phát triển du lịch cộng đồng bền vững”. 

Moc 6
Du khách tham gia tour khám phá làng nghề mộc Kim Bồng


Từ năm 2015, tại đây đã hình thành và giới thiệu nhiều sản phẩm du lịch làng nghề như: Tổ chức các điểm tham quan như xưởng đóng sửa tàu thuyền, dệt chiếu, khám phá không gian văn hóa làng nghề, tham quan bằng xe đạp, đi bộ và trải nghiệm cuộc sống cộng đồng. Tổ chức tour tham quan di tích nhà thờ tộc, tour “Làm nghệ nhân Kim Bồng”, trình diễn ẩm thực mỳ Quảng, nướng cá, dịch vụ xe trâu. Tổ chức dịch vụ lưu trú homestay tại nhà của 4 - 6 hộ dân trong khu vực. 

KHÁNH CHI

Print
Tags:

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top