Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Tết Kỷ Hợi, Phật tử hẹn nhau nơi đỉnh thiêng Fansipan, chiêm bái xá lợi Phật trong lòng Đại tượng Phật cao nhất Việt Nam

Thứ Tư 06/02/2019 | 10:28 GMT+7

VHO- Tọa lạc trên đỉnh núi cao nhất Đông Dương, nơi suối nguồn linh khí của dân tộc, quần thể văn hóa tâm linh Fansipan cũng là nơi hội tụ những kiến trúc chùa Việt truyền thống tuyệt đẹp, thu hút hàng triệu du khách và phật tử thập phương đến tham quan, chiêm bái trong mùa lễ, Tết. 

Năm nay, tín đồ Phật tử càng hoan hỉ khi biết xá lợi Phật đã được cung rước về đặt trang trọng trong lòng Đại tượng Phật A Di Đà cao nhất Việt Nam trên Nóc nhà Đông Dương. Và hành trình du xuân bái Phật đầu năm mới cũng vì thế càng thêm ý nghĩa, thiêng liêng.

Hành trình chiêm bái quần thể tâm linh trên đỉnh Fansipan bắt đầu từ Bích Vân Thiền Tự, tọa lạc ngay phía trên cổng tam quan “Thanh Vân Đắc Lộ”, gần nhà ga đến cáp treo Fansipan. Công trình được thiết kế và xây dựng theo đúng phong cách kiến trúc của những ngôi chùa Bắc Bộ. Khoảng sân phía trước chùa là nơi các đoàn du khách thực hiện lễ dâng hương đồng thời tranh thủ ngắm nhìn trọn vẹn dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, huyền ảo giữa trùng mây.

Đặt trên trục chính của Bích Vân Thiền Tự, đài gác Đại Hồng Chung còn có tên gọi là Vọng Lĩnh Cao Đài, giúp du khách mở rộng tầm nhìn, hướng về bình nguyên bao la và đường chân trời xanh thẳm. Công trình cao 35 m, gồm 5 tầng, có bố cục thẳng đứng với lầu chuông 8 mái, gợi nhắc những nét kiến trúc điển hình ở các ngôi cổ tự nổi tiếng miền Bắc như chùa Tây Phương, chùa Bút Tháp, chùa Keo…

Cổng tam quan Thanh Vân Đắc Lộ, Bích Vân Thiền Tự và Vọng Lĩnh Cao Đài cũng là những điểm đến đầu tiên dẫn lối du khách vào hành trình chiêm bái “con đường tâm linh” kỳ vĩ trên đỉnh trời Đông Dương. 

Và điểm đến mà du khách mong đợi được chiêm ngưỡng nhất nơi này chính là Kim Sơn Bảo Thắng Tự. Công trình mang kiến trúc của một ngôi chùa cổ nằm cheo leo trên đỉnh núi, dáng chùa tiệp với màu xanh của đại ngàn, khi ẩn hiện giữa màn sương đẹp tựa chốn bồng lai.

Phong cách chủ đạo của kiến trúc các công trình được kế thừa từ những tiền mẫu di tích chùa gỗ có niên đại sớm nhất Việt Nam như chùa Bối Khê (Thanh Oai, Hà Nội), chùa Thái Lạc (Văn Lâm, Hưng Yên), chùa Thầy (Hà Nội)… Chùa được xây dựng trên mặt bằng bề thế nhưng các hạng mục công trình hầu hết đều có kích thước hạn chế để phù hợp với cảnh quan, địa thế núi cao, đồng thời, tạo nên một quần thể kiến trúc phong cảnh hài hòa

Bên trong công trình, ở vị trí trung tâm là Đại Hùng Bảo Điện, nơi quy tụ nhiều pho tượng Phật do các nghệ nhân tạc tượng nổi tiếng của Việt Nam chế tác. Phong cách bài trí tượng trong chùa tuân thủ nghiêm ngặt quy định của thiền phái Bắc tông. Đặc biệt, trong các ngày rằm, mồng một, các dịp lễ, Tết, đây là điểm đến thiền tịnh, cầu an linh thiêng của tín đồ Phật tử cùng du khách thập phương.

Dọc hai bên tòa thượng điện là hành lang tả vu, hữu vu, trưng bày 18 pho tượng La Hán sơn son thếp vàng tinh tế.

Tuy là công trình lớn nhất của quần thể văn hóa tâm linh Fansipan nhưng Kim Sơn Bảo Thắng Tự cũng chỉ có 5 gian, cao dưới 10 mét, sân thềm rộng không đến 30 mét. Kiến trúc chùa được thiết kế tựa vào thế núi, như một phần sẵn có của cảnh quan thiên nhiên nơi này.

Các đường nét, chi tiết trang trí mái chùa được chế tác theo hình mẫu từ các di chỉ thành Thăng Long, làm bằng gỗ mộc hoặc đất nung có tráng men đồng để đủ sức chống chọi với điều kiện thời tiết khắc nghiệt trên khu vực đỉnh nhưng đồng thời, vẫn gìn giữ phát huy được nét đẹp giản dị mà tinh tế của kiến trúc cổ truyền.

Nằm ngay trên trục chính của Kim Sơn Bảo Thắng Tự và tượng đồng Quan Thế Âm Bồ Tát là Bảo tháp 11 tầng linh thiêng. Công trình ốp đá sa thạch khai thác từ miền Trung với dấu ấn nghệ thuật kiến trúc thời Trần đậm nét. Tiền mẫu của công trình chính là ngôi tháp chùa Phổ Minh nổi tiếng ở Nam Định, cũng được biết đến là nơi quàn xá lị Phật hoàng Trần Nhân Tông. 

Từ đây đi xuống, men theo Đường La Hán hoặc các lối thang đá nhỏ hẹp, quanh co, du khách sẽ được thăm quan thêm nhiều công trình kiến trúc tâm linh tuyệt đẹp trên hành trình trở về như lầu chuông, tượng đồng Quan Thế Âm Bồ Tát, miếu sơn thần, Đại tượng Phật A Di Đà bằng đồng lớn nhất Việt Nam...

Dịp đầu xuân mới Kỷ Hợi, lên đỉnh thiêng Fansipan bái Phật, Phật tử và du khách còn được chiêm bái xá lợi Phật đặt trong lòng Đại tượng Phật A Di Đà. Đây là Ngọc Xá lợi Phật được các cao tăng Myanmar trao tặng tổ đình Vĩnh Nghiêm, và được tổ đình Vĩnh Nghiêm cúng dường Đại Tượng Phật tại Fansipan, nguyện cầu Quốc thái Dân an.

Ngọc Xá lợi Phật được cất giữ trong tháp đồng nhỏ, đặt trang trọng trong tháp pha lê lưu ly 7 tầng, tỏa sáng lung linh giữa không gian trang nghiêm mà lộng lẫy trong lòng Đại Tượng Phật A Di Đà ở độ cao 3000m.

Thiêng liêng, may mắn khi hành trình du xuân bái Phật đầu xuân năm mới lại được thành kính chiêm ngưỡng xá lợi Phật, đỉnh thiêng Fansipan đang trở thành điểm đến thu hút Phật tử, du khách cả nước những ngày này, nhất là khi Hội xuân mở cổng trời Fansipan còn kéo dài đến 3/2 âm lịch. 

P.V
 

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top