Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Em Pleiku và tôi

Thứ Ba 05/02/2019 | 11:59 GMT+7

VHO- Tôi đến Gia Lai đúng vào mùa dã quỳ nở vàng rực trên các ngả đường. Nắng và gió hào phóng lan tỏa khắp các thung lũng trên thành phố Pleiku. Gặp tôi, họa sĩ Lê Hùng (Hội VHNT tỉnh Gia Lai) chỉ đường đến làng Plei Ốp, bởi ở đó người ta đang chuẩn bị Lễ hội Văn hóa cồng chiêng cùng với Lễ hội Hoa dã quỳ trên núi lửa Chư Đăng Ya.

Làng văn hóa Plei Ốp, chỉ cách trung tâm thành phố chừng 2 cây số, thuộc phường Hoa Lư. Người ta kể, bài hát đầu tiên Còn chút gì để nhớ về thành phố Pleiku, do nhạc sĩ Phạm Duy phổ thơ Vũ Hữu Định cũng bắt đầu từ đây. Hình ảnh cô bé Tây Nguyên, má đỏ môi hồng thấp thoáng trong sương, cuối con đường đã làm rung động tâm hồn nghệ sĩ. Cả hai đã ghi dấu ấn về Pleiku đã hơn nửa thế kỷ qua. Tôi vào làng Ốp với cung điệu dịu dàng, mơ mộng ấy. Một cảm giác thơ mộng với nẻo đường mờ xa. Nhưng thật bất ngờ, khi mới chạm tới cổng làng, không khí khác hẳn ập đến, trong tiếng đàn T’rưng réo rắt. Bước chân tôi như cuốn theo những cung bậc mới. Bồng bềnh trong tiếng nhạc vui reo.

“Có ngọn lửa nào đang nhen chơi vơi…”

Đây là ngôi làng của đồng bào Gia Rai còn giữ được nguyên bản những ngôi nhà sàn, nằm trong lòng thành phố, rộng chừng 200 ha. Hàng trăm nóc nhà rải khắp những cung đường lượn quanh thung lũng. Đặc biệt, ở giữa làng có dòng suối trong vắt. Nghe nói cánh đồng làng hiện nằm trong miệng núi lửa đã chết cách đây hàng triệu năm. Đất bazan mầu mỡ. Cây cối xanh tươi. Hoa quả bốn mùa. Dân làng Ốp no đủ quanh năm. Chả thế ngôi nhà Rông của làng rộng, cao, chứa tới cả trăm người. Tôi sững người đứng trước cây nêu trước nhà Rông. Nó cao vút như chớm ngọn tới bầu trời. Những tốp diễn tấu cồng chiêng đang đi vòng quanh cây nêu.

Người trò chuyện với tôi là anh Vinh, một thành viên trong ban tổ chức chương trình, cùng những trò vui trong lễ hội. Anh nói suốt cả tuần nay Đoàn Thanh niên mới dựng xong cây nêu. Bởi không có cây nêu, lễ hội sẽ không thành ở bất cứ buôn làng Tây Nguyên nào. Cây nêu cao tới 20 mét còn được gắn biểu tượng mặt trời điểm sắc vàng óng. Ngay bên cạnh còn có biểu tượng con chim bằng gỗ dang cánh bay trên cao. Đây là cây cột cúng của đồng bào Gia Rai. Trong mỗi lễ hội khác nhau, cây nêu lại được dựng với hình thức tương ứng, tùy điều kiện trong bản làng. Cây nêu càng cao càng thể hiện sự thiêng liêng, thành kính của người dân đối với tổ tiên và thần thánh đã đem lại cuộc sống yên bình, ấm no cho họ. Anh Vinh chỉ lên ngọn cây nêu trước ngôi nhà Rông nói, đây là cây Lồ Ô được kiếm hàng tháng ròng trên rừng núi, biểu tượng cho sự kết nối con người với thiên nhiên. Nơi đó cõi linh thiêng trú ngụ của thần thánh luôn tạo nên sức mạnh cho người Gia Rai vượt qua những phong ba bão táp trên đường đời.

Lúc này, tiếng nhạc cồng chiêng mỗi lúc một dồn dập, xen kẽ những tiếng hú hoang dại của chiếc tù và. Người thổi tù và như đắm chìm trong cảm giác mênh mông của rừng núi. Đó là lời gọi về. Lời của mộng tưởng hoan ca. Nó điểm tô cho một bản nhạc rộn rã, tạo nên nét man dại cổ xưa, bí ẩn âm u. Hàng chục nghệ sĩ của Plei Ốp nhịp bước quanh cây nêu, mê man theo cảm giác tâm linh, mà thần thánh dẫn lối. Âm nhạc Tây Nguyên đậm chất rừng rú, với hình ảnh người cha gầy guộc cõng con đi trong cơn men say, khao khát với bầu trời tự do. Lúc này, tiếng hát của một chàng trai vang lên từ sân nhà Rông da diết, náo nức với hình ảnh một Pleiku mới: “Có hàng thông xanh trong đôi mắt em. Có dòng sông Sê San trong đôi mắt em. Có hương rượu cần say men say men. Có ngọn lửa nào đang nhen chơi vơi…”. Giờ đây tôi hòa nhập vào cảm giác “không dám nhìn vào đôi mắt ấy”, của nhạc sĩ Nguyễn Cường, bởi đó là “đôi mắt Pleiku biển hồ đầy”. Phải nói đến đây, tôi mới được đón nhận một cảm xúc Gia Rai mới lạ, nhịp theo từng bước quanh cây nêu mặt trời. Nồng nhiệt và đắm say.

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên

Những con mắt trần gian

Một trong những lễ hội quan trọng của người Gia Rai phải kể đến lễ bỏ mả, và không thể không nói đến những nghệ sĩ dân gian tạc tượng nhà mồ. Anh Vinh dẫn tôi đến gặp những người thợ tạc tượng cho nhà Rông và tượng cho nhà mồ. Đây là những nghệ nhân hiếm hoi còn sót lại với thời gian. Già nua. Khắc khổ. Nhưng đôi mắt lại đầy nắng. Những học trò của họ đi theo cầm rìu cầm đục. Hối hả. Đục đẽo. Thả hồn. Tất cả cũng vào dịp này, có những nhà trong cùng bản đến độ phải làm lễ bỏ mả, với cả mươi năm chuẩn bị. Nếu cây nêu mặt trời kia là cõi linh thiêng của thần thánh cao cả (cõi dương), thì lễ bỏ mả lại thuộc về chiều sâu của tâm linh (cõi âm). Bản trường ca tưởng như đối nghịch của vũ trụ và sự sâu thẳm trong tâm hồn con người. Nhưng đó chính là hợp âm hòa điệu về nhân sinh quan đặc sắc của người Tây Nguyên. Và, những người tạc tượng cho nhà Rông phải có cảm xúc thần bí đó, để tạo ra những đôi mắt rất có hồn trong từng thớ gỗ.

Tuỳ điều kiện của từng gia chủ mà tổ chức lễ bỏ mả cho gia đình mình. Nhưng người thợ tạc tượng lại không vì nghèo khó, sang hèn, mà luôn luôn phải giữ cái hồn cốt và phẩm cách của người nghệ sĩ. Bởi vậy, hiện nay rải rác trong những khu rừng xa, những bức tượng nhà mồ vẫn ám ảnh với thời gian qua những đôi mắt của thân phận người. Trước khi đến đây, tôi đã có dịp trao đổi với họa sĩ Lê Hùng, Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật VN tại Gia Lai về câu chuyện này. Anh nói, nhiều bức tượng nhà mồ đạt tới mức siêu đẹp, do các nghệ nhân Tây Nguyên để lại. Đó là sắc đẹp của vũ trụ thông qua đôi mắt tượng gỗ. Ám ảnh đến gai người. Đó cũng là nét huyền diệu của sự phai tàn theo thời gian mà những tác phẩm của người Gia Rai đã để lại. Tôi ngắm những bức tượng gỗ bên nhà Rông, nhận biết ra phần nào sự ám ảnh đó với những đôi mắt Pleiku bí ẩn này.

Lát sau, anh Vinh đưa tôi vào phòng trưng bày những vật dụng và tư liệu về làng văn hóa Plei Ốp, trong một góc nhà Rông. Anh kể, tuy làng mới được thành lập chính thức vào năm 1927, nhưng sự hình thành bản Ốp đã có từ lâu đời, từ hàng trăm năm trước. Họ lưu lạc tha phương với sắc thái văn hóa và mưu sinh của cộng đồng của người Chăm. Phải chăng âm sắc tù và trong bản hòa tấu cồng chiêng kia như muốn gọi về quá khứ một thời huy hoàng và nay đã lụi tàn. Tôi không ngờ câu chuyện lại dẫn đi xa đến thế, nhưng đúng như những câu thơ của Inrasara đã từng viết: “Quỳ gối trước mặt trời thức giấc mỗi sớm mai. Tạ ơn chén cơm đói lòng, điếu thuốc hút dở. Tạ ơn dòng sông mơ hồ chảy qua tuổi nhỏ. Tên ngọn đồi, cánh rừng trong mơ chợt vang lên. Tạ ơn bước chân hoang, trái tim lạc lầm…” (Lễ tẩy trần), thì cây nêu mặt trời đã chung một triết lý vũ trụ và nhân sinh.

Hoa dã quỳ trên Tây Nguyên nóng bỏng

Chẳng phải biểu tượng cho một loài hoa mùa xuân của Tây Nguyên nhưng dã quỳ lại ẩn giấu những câu chuyện về một mối tình chung thủy. Đường làng và dưới thung lũng nương rẫy Plei Ốp cũng như được dát vàng. Hoa chen hoa rực rỡ. Tôi đi cùng với anh Vinh trong nỗi mênh mông của loài hoa dại. Những âm thanh cồng chiêng gióng giả cung điệu chạm tới từng khóm hoa vàng. Gió thổi từ cánh rừng về. Gió miên man từ Biển Hồ tới. Tiếng cồng chiêng mỗi lúc một xốn xang, bay bổng từ ngôi nhà Rông Plei Ốp.

Trong tôi những đôi mắt của cô gái Gia Rai hồn nhiên với ánh sáng của con suối làng chảy về nơi xa. Hun hút, xa vời. Một tiếng cồng. Hai tiếng cồng… Giờ đây không phải, chỉ một chút gì để nhớ để thương trong tôi, mà Pleiku chứa đựng cả một rừng xao xuyến, với đôi mắt bao la trong thung lũng hoa vàng.

CHUNG TỬ

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top