Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Làm sao cho đỏ môi nhau thì làm

Thứ Bảy 09/02/2019 | 11:54 GMT+7

VHO- Chợ Nủa nằm trên gò cao của cánh đồng thôn Phú Hòa xã Bình Phú (Thạch Thất, Hà Nội). San sát lều quán mái lá, lấp ló dưới những cây lim cổ thụ xanh mướt. Dân kẻ chợ sáu xã chung quanh hay về mua bán đông vui như đi hội: Ai lên phố huyện thì lên/Chớ quên chợ Nủa sáu phiên nhớ về.

1. Đầu thế kỷ 19, huyện Thạch Thất đã có 49 xã, chia làm 7 tổng. Trong đó có tổng Nủa gồm các xã như Nủa Chàng (xã Chàng Sơn); Nủa Hữu Bằng (xã Hữu Bằng); Nủa Đặng (Phú Hòa, xã Bình Phú); hay Nủa Phùng Xá… Nếu đến chợ Nủa, cho dù người các xã lân cận đến trao đổi mua bán, âm sắc Nủa có nét riêng dễ phân biệt. Giọng nói như lời mời gọi và xởi lởi đón chào. Nghe như có nhạc điệu. Chả thế cả mấy xã trong Tổng Nủa xưa đều có đội chèo và sân khấu múa rối. Khéo lời đến nỗi, khách không định mua hàng cũng phải bỏ tiền ra, không nỡ chối từ.

Chợ Nủa mua bán theo phiên, vào các ngày mùng 2 và 7 ta, trong tháng. Vậy là một tháng có 6 phiên. Cứ thế người đi chợ, quanh gần 50 xã trong huyện, luôn luôn gặp nhau. Chợ Nủa lại ở kề bên đường lên huyện, tiện đường nên bao giờ cũng tấp nập, chen chúc vào những phiên cuối năm. Đông đến nỗi, chợ còn phân vào các phiên cuối tháng Chạp. Đàn bà, con gái đi riêng một phiên vào ngày 22, còn đàn ông, con trai đi riêng phiên 27 tháng Chạp, theo quy ước bất thành văn: Nủa gái 22, Nủa trai 27. Dân trong làng đều nhớ, bởi lẽ các bà các cô phải lo cái ăn cho Tết, nào bánh chưng thịt lợn, gạo xôi… Kể cả sắm khăn áo diện tết đến trầu cau lễ cúng, các bà cần chuẩn bị trước ngày ông Công ông Táo chầu trời.

Cánh đàn ông lại bận bịu với chim muông cá cảnh, cây cối hoa lá, câu đối đỏ, tranh pheo… đều sắm vào ngày 27. Khi ấy gia đình mới tinh tươm. Đủ ăn. Đủ mặc. Đủ chơi. Chợ xuân thường tấp nập là vì thế.

Hôm vào đúng phiên Nủa gái, anh Yên, một cán bộ văn hóa xã Bình Phú đưa chúng tôi đi chơi chợ xuân. Anh nói, vào các phiên thường kỳ trong năm chợ Nủa có thể bán đủ thứ, từ áo tơi, nón lá đến cái cầy, cái cuốc; hay nồi niêu xoong chảo cùng trăm thứ bà rằn khác. Nhưng đến phiên chợ Tết, người đi chợ Nủa lại ăn diện sạch sẽ hơn, nói năng cũng nhẹ nhàng. Quả nhiên vậy. Người bán hàng còn hơn thế, mời chào đon đả, ví von khắp lối. Nhất là hàng bán chiếu, mấy cô khéo mồm đến độ rao cũng thành vần, làm “thượng đế” không mua cũng bần thần lắng nghe: Chiếu trải giường hộc. Chiếu trải giường Tầu. Chiếu trải giường trước. Chiếu trải giường sau. Chiếu nào cũng đủ. Nào mời gia chủ. Ai mua vào mua.

Đảo qua hàng quà quê, cô bé bán bánh đúc lại ngồi im, chỉ mủm mỉm cười. Chung quanh mấy nữ sinh xì xụp húp tương với ớt. Ho sặc sụa, vậy mà vẫn còn ăn thêm cái bánh Hòn, bởi đây là phiên cuối năm bán hàng ăn. Nghe anh Yên nói, hiện bánh Hòn (gạo xay hấp) chỉ có bán ở chợ Nủa. Nó được coi là đặc sản quê thứ thiệt ở đây. Nhân hành thịt thơm như bánh tẻ, nhưng vỏ bánh trắng đục và mềm bột gạo tẻ mới, nắm tròn to bằng quả trứng vịt. Bánh hấp không gói lá, nên giữ nguyên hương gạo mùa. Nghe vậy, thế là ai nấy đều sà vào ăn thử đặc sản ở chợ Nủa này. Đúng là thơm và dậy mùi tương xứ Đoài.

Có điều thú vị trong phiên chợ này, không ít bà rẽ qua hàng trầu cau, ăn thử xem có đỏ môi không. Người bán trầu cau ở xã Cần Kiệm sang. Bên đó cả làng Phú Đa ăn trầu. Từ đàn bà đến đàn ông. Từ con gái đến con trai. Từ bà già đến ông già. Chợ Nủa gần như chỉ có người làng Đa bên đó sang. Rặt cau to, trầu xanh, rễ đỏ. Có bà bán hàng cau môi đỏ thắm và vẫn bỏm bẻm nhai. Đôi môi thắm hẳn và đon đả: Miếng trầu nên dâu nhà người nào. Mấy cô gái đi cùng bật cười lấy làm thích thú. Có người khen bà là duyên. Thế là bà bán hàng như được phen kể, làng em vốn thế, bán trầu cau là phải vậy. Bà còn khoe như trên truyền hình quảng cáo ấy, không nhanh không bán được hàng, Tiện đây ăn một miếng trầu. Hỏi rằng quê quán ở đâu chăng là.

Một buồng cau tươi vẫn còn lưu bụi phấn. Đúng như các cụ ví Lá trầu là vợ, cau tươi là chồng. Vừa lúc đó lại có mấy người rẽ qua xin một miếng trầu. Bà chủ nhà nhanh tay bổ cau đưa cho họ. Có lẽ đó là lộc trời chứ không phải của người bán hàng. Người xin trầu là xin lộc. Người cho trầu cũng được lấy lộc. Cho là được mà. Các cụ vẫn nói thế. Đó chính là lời chúc cho một năm mới sắp đến. Cũng là tục lệ bất thành văn và tự nhiên ở chợ Nủa. Không mua thì lấy một miếng trầu ăn để đi chơi chợ trong ngày 22. Khách đòi bà chủ, Làm sao cho đỏ môi nhau thì làm. Còn bà chủ lại làm khách quên cả đường ra lối vào.

2. Thực ra chợ Nủa không có cổng và biển báo. Đường ra lối vào từ xưa đã dễ, bởi ở ngay giữa cánh đồng, bốn bề gió lộng. Nay tuy phố xá bao chung quanh, người người vẫn chen chân vào chợ từ bốn ngả đường. Đâu cũng là đầu chợ, hay cuối chợ. Vì thế đi loanh quanh cả buổi sáng mà không thấy hết chợ. Hơn nữa riêng phiên chợ Tết lại họp từ sáng sớm đến tận chiều muộn. Mặc dù đến phiên Nủa gái, nhưng cánh mày râu lại la cà phía ngoài, xem hoa và cây cảnh bầy đầy trên đường cái quan. Nhất là hoa đào và quất bán sớm từ rằm tháng Chạp.

Bên cạnh dẫy hàng cây cảnh, còn dẫy hàng chim sáo và bán lồng chim cũng như giỏ hoa, sản phẩm mây tre đan của xã Bình Phú. Từ xưa, Nủa nổi tiếng là mặt hàng đan lát cung cấp cho khắp vùng. Nay cho dù Bình Phú đã có nhiều ngành nghề khác phát triển mạnh nhưng một số dân vẫn còn cặm cụi giữ nghề như các cụ ngày xưa. Giờ làm giỏ hoa, bình hoa và chụp đèn bằng mây tre cũng tạo nên thị trường ngày tết.

Chợ Nủa trở nên chật chội trong tiết xuân. Một vườn hoa tết trải chung quanh chợ. Những người lên phố Kim Quan, hay Sơn Tây hoặc đi Hoà Lạc đều dừng chân chọn một cành đào nhiều nụ. Bởi lẽ cho dù mới ngày 22 nhưng đêm Ba mươi đã tới sát bên hiên nhà. Ai nấy nôn nao, khó có thể chợ đến tận phiên Nủa trai mới mua hoa đào. Chọn sao cho đúng sáng mùng Một Tết hoa nở rộ mới là lộc trời xum xuê. Cánh đàn ông đến chợ hoa sớm là vì thế. Chợ Nủa ngập trong sắc hoa. Người người nhộn nhịp từ khắp nơi tụ về chật ních cả cánh đồng làng…

DUY ANH

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top