Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

“Trầu cau em gánh đi phiên chợ Gò”

Thứ Ba 05/02/2019 | 11:50 GMT+7

VHO- Gọi là chợ Gò nhưng không hẳn là chợ vì mỗi năm chỉ họp duy nhất một lần vào ngày đầu của năm mới.

Từ tờ mờ mồng Một Tết các bà, các cô đã bày bán trầu cau, ngũ quả, hàng tươi sống tại chợ Gò

Không một túp lều, chợ chỉ là một bãi đất bằng phẳng, cao ráo, rộng cả ngàn mét vuông, xưa thuộc thôn Phong Ðăng, tổng Tuy Hà, huyện Tuy Phước, phủ An Nhơn, tỉnh Bình Ðịnh (nay là thôn Phong Thạnh, thuộc thị trấn Tuy Phước).

Có địa hình hiểm yếu nên thời Tây Sơn chọn nơi đây để luyện quân, bộ binh đóng đồn trên núi Trường Úc, thủy quân từ đầm Thị Nại vào cửa Làng Sông trấn giữ. Tương truyền, Bắc Bình vương Tây Sơn - Nguyễn Huệ thương binh lính xa nhà trong dịp Tết nên tổ chức cuộc vui cùng với thân nhân ngay trên bãi quân trường vào sáng mồng Một và mồng Hai Tết, nhưng khi trời vừa xế bóng thân nhân phải ra về để binh sĩ trở lại việc canh phòng. Cuộc vui Tết binh gia tuy chỉ ngắn ngủi vậy nhưng lưu lại nhiều cảm khái trong lòng dân. Người địa phương mang hoa quả, thức ăn, nước uống ra bán, lâu năm thành lệ. Khi quân Tây Sơn tan rã, gò Trường Úc trở thành Hội Tết chợ Gò và cũng quen lệ tan chợ vào lúc bóng xế.

“Cho chữ”, viết câu đối, thư pháp được duy trì thường niên tại chợ Gò

Nhiều lần đi chợ Gò vào mờ sáng mồng Một Tết nhưng lần nào tôi cũng rạo rực không khí hội xuân và luôn thắc mắc vì sao người ta gọi là chợ? Bởi chợ Gò có tính cách hội vui xuân dân gian hơn là phiên chợ thông thường. Từ người bán đến khách hàng, từ người đi chơi xuân đến người phục vụ ai cũng đều mặc quần áo mới, nói cười vui vẻ, mặt tươi rói đon đả chào mời, các cụ áo dài khăn đóng chỉnh tề, thanh niên, trung niên thì comple, caravat, các bà các cô phấn son trang sức chưng diện lộng lẫy, các cháu nhỏ cũng xúng xính đi hội khoe quần áo mới.

Nhìn từ xa, khu chợ Gò nổi bật sắc màu của cờ phướn, cờ hội và màu đỏ của cờ Tổ quốc; tiếng hò hát, tiếng trống hội, phèn la, nhạc cụ truyền thống như giục giã chân người.

Các gian hàng ở đây cũng rất trật tự, ngăn nắp, không chen chúc; nào là thịt heo, gà vịt, tôm cá đồng, nấm, măng, rau củ quả … họ mang ra chợ bán lấy may: Người mua muốn chọn món tươi sống, ngon ngọt để lấy thảo, lấy hên đầu năm. Đối diện là hàng mỹ nghệ, đồ trang sức, đồ chơi trẻ em sặc sỡ sắc màu. Người lớn dắt trẻ con đi chợ cho biết cái Tết truyền thống của quê hương. Các bé thích thú trước gian hàng nặn tò he sặc sỡ, gian hàng hình thú xếp giấy, trống rung lắc lưng tưng, hàng đồ chơi các con vật đất sét nung vàng. Cũng chỉ ở chợ Gò còn bày bán cho con trẻ các loại kẹo bình dân nhất mà một thời chúng tôi thèm đến khô miệng; nào là kẹo bột, kẹo kéo, kẹo đường bông xù, kẹo cà… các cháu mua dùng thử, mặc cho ngoài kia các quầy tạp hóa chưng đầy bánh kẹo cao cấp.

Đánh bài chòi là một trong những nội dung không thể thiếu tại chợ Gò

Quang cảnh chợ Gò

Đặc biệt nhất là hàng bán trầu cau, ngũ quả, hoa tươi được đông đảo người mua để đi chùa, đi miếu, dâng cúng gia tiên cầu lộc cầu tài, cầu duyên cầu phúc. Những thếp trầu xanh, những quả cau ướm vàng, với bình vôi đỏ hồng mời khách. Các cô gái mua trầu cau về cúng ông bà cũng là mua cái duyên lành đầu năm. Người Bình Định có câu:

Đầu xuân đón lộc cầu duyên/ Trầu cau em gánh đi phiên chợ Gò.

Một nét riêng ở chợ Gò không thể không nhắc đến, khi mà hầu hết các chợ Tết quê nay đã vắng bóng hình ảnh ông đồ già và câu đối đỏ thì ở chợ Gò tục viết, bán câu đối Tết vẫn còn giữ và được ban tổ chức bố trí nơi trang trọng. Giờ có thêm những thế hệ trẻ hơn nối nghiệp “cho chữ”, viết câu đối, viết thư pháp; người đi hội rất hào hứng chiêm ngưỡng, sở hữu những con chữ như rồng bay, phụng múa.

Khi nắng hửng lên là các trò chơi múa lân, kéo co, nhảy thụng đôi nam nữ, đi cà kheo, đập ấm,…, hát bộ, võ thuật truyền thống ở khu chợ Gò cũng bắt đầu khởi xướng.

Chợ Gò diễn ra tuy ngắn ngủi nhưng ý nghĩa rất lớn, vì nó tạo ra không khí vui tươi thoải mái sau một năm miệt mài lao động vất vả đi vào ký ức người dân nơi đây như một mảng tâm hồn tươi sáng và tìm về với bản sắc dân tộc, tìm về với cội nguồn.

 Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam đã đưa chợ Gò vào danh sách 100 phiên chợ đặc sắc nhất Việt Nam. Đặc sắc bởi người đi hội chợ mua bán lấy may không mặc cả, không cò kè bớt một thêm hai như chợ hàng hoá ta thường thấy. Không lều trại, chợ nhóm từ mờ sáng ngày đầu năm, đến quá trưa thì chợ tan; vậy mà tồn tại hàng trăm năm như một nét văn hóa, trải bao vật đổi sao dời.

 

NGỌC DIÊN

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top