Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Phim Việt xuất ngoại được bao nhiêu km?

Thứ Năm 31/01/2019 | 11:13 GMT+7

VHO- Có người bảo, năm 2018 là một năm “lặng gió” của điện ảnh Việt. Người lạc quan thì thấy “phơi phới” khi điện ảnh rộn ràng xuất ngoại và gặt kha khá giải thưởng. Nhưng nếu hỏi, điện ảnh Việt đã đi được bao nhiêu ki lô mét ngoài biên giới thì lại gặp nhau ở những băn khoăn, bởi câu hỏi này đã có từ hàng chục năm trước...

Tiếp tục ghi dấu ấn thành công ở ngoài biên giới quốc gia trong năm 2018 là bộ phim Đảo của dân ngụ cư (đạo diễn Hồng Ánh) với Giải Best Film based on a book) - Giải thưởng điện ảnh quốc tế Efebo D’Oro (Italia). Efebo D’Oro được lập cách đây 40 năm nhằm trao giải cho bộ phim hay nhất được sản xuất dựa trên tác phẩm văn học. Trước giải thưởng này, Đảo của dân ngụ cư đã nhận giải Phim xuất sắc nhất, Đạo diễn hình ảnh xuất sắc nhất, Nam diễn viên chính xuất sắc nhất tại LHP quốc tế ASEAN.

Những dự án phim đang dịch chuyển

Cùng dịch chuyển ở các LHP Quốc tế và gặt hái thành công là Người vợ ba của nữ đạo diễn Việt kiều Nguyễn Phương Anh. Tháng 9.2018, Người vợ ba vượt qua các ứng viên châu Á nặng ký, giành giải Phim châu Á xuất sắc nhất (Best Asia Film) do NETPAC tài trợ trong khuôn khổ LHP Toronto (Canada). Tại LHP này, Nguyễn Phương Anh được BGK đánh giá là “điểm sáng của điện ảnh VN” với gu thẩm mỹ cao, có cá tính trong ngôn ngữ điện ảnh. Giắt lưng một số giải thưởng quốc tế nho nhỏ khác, Người vợ ba “nhấn ga” giành giải Phim xuất sắc nhất, trị giá 71.000 USD tại LHP Kolkata (Ấn Độ).

Một dự án phim khác râm ran trên mặt báo vắt từ năm 2017 sang 2018 là Cha cõng con của đạo diễn Lương Đình Dũng. Theo đạo diễn, bộ phim này đã giành được 20 giải thưởng quốc tế lớn, nhỏ, trong đó có giải thưởng phim châu Á xuất sắc nhất tại LHP quốc tế Iran lần thứ 36, được chiếu giới thiệu tại 7 bang của Mỹ và 9 quốc gia khác. Sau Cha cõng con, đạo diễn Lương Đình Dũng tiếp tục với vai trò đạo diễn độc lập khi thực hiện Thành phố ngủ gật. Ngay sau khi kết thúc giai đoạn quay, Thành phố ngủ gật được chọn là 1 trong 8 dự án quốc tế của LHP Black Nights và lên kế hoạch phát hành tại VN vào tháng 6.2019.

Kín tiếng hơn cả là bộ phim Nhắm mắt thấy mùa hè của đạo diễn Cao Thuý Nhi với bối cảnh chủ yếu là Hokkaido (Nhật Bản), đại diện cho VN dự thi tại LHP Quốc tế Hà Nội 2018. Chuyện phim đơn giản, tiết tấu chậm, điểm cộng của bộ phim này là những khung hình đẹp, âm nhạc “ăn” với bối cảnh tạo hiệu quả cảm xúc nhất định. Tuy nhiên, điểm trừ cho phim lại khá lớn do kịch bản khiên cưỡng, thể hiện sự sắp đặt khá rõ. Giải thưởng nữ diễn viên chính xuất sắc cho phim bị xem là “an ủi” dành cho điện ảnh nước chủ nhà đăng cai LHP. Là một trong số những người thiện cảm với phim này, nhà biên kịch Đinh Thiên Phúc “bênh” đạo diễn khi khẳng định Cao Thuý Nhi rất có triển vọng, Nhắm mắt thấy mùa hè thể hiện rõ sự thông minh của nữ đạo diễn trẻ và dự án này chỉ là sự khởi đầu đầy hy vọng về một lứa đạo diễn mới có tài và cập nhật công nghệ.

Quãng đường đi được bao xa?

Nếu nhìn vào số lượng phim đoạt giải thưởng tại các LHP có tính chất quốc tế và số lượng giải thưởng mà các phim “gặt” được, sẽ phải mừng vì phim VN đã bước ra khỏi biên giới quốc gia và xác lập được chỗ đứng tại các LHP quốc tế. Vậy sao, điện ảnh Việt vẫn thua trên chính sân nhà, ngoài rạp đã đành vì phải đấu với lượng phim thương mại thuộc diện “bom tấn” của Mỹ, nhưng ở LHP Quốc tế Hà Nội - một LHP trẻ do VN khởi xướng, nếu có giải thì lại bùng lên những hoài nghi “nâng đỡ phim nhà”; hoặc bỏ ra cả đống tiền tổ chức LHP nên BGK cũng... cân nhắc. Trong khi nhiều phim đã đoạt giải thưởng quốc tế, thậm chí là “liên hoàn giải” ở ngoài biên giới quốc gia lại “bại” tại các giải thưởng điện ảnh trong nước, thậm chí bị chê nát nước? Về vấn đề này, có người đã lọ mọ tìm hiểu các LHP mà các phim Việt thời gian qua dự thi và giành giải, phân loại, phân tích để “bóc” “hạng” của các LHP mà phim Việt dự thi và có giải thực chất chỉ là những LHP do một số nhóm lập nên thu hút sự tham gia của những người làm phim trẻ; những dự án có tính chất “khởi nghiệp”. Đơn cử như hai giải thưởng quốc tế Worldfest Houston International Film & Video Festival và Canadian Diversity Film Festival cho phim Cha cõng con bị tố là hai LHP “dỏm”, không có giá trị chuyên môn mà chỉ do một nhóm người lập ra với mục đích chính là “làm tiền” các đạo diễn, nhà sản xuất háo danh. Trong rất nhiều quyền lợi ảo mà những LHP loại này tung ra mời gọi đóng tiền là: chỉ cần 35 euro sẽ có 14 trang quảng cáo trên báo nước ngoài...

Nói điều này với đạo diễn Lương Đình Dũng, anh cười: “Nói là LHP rởm thì hơi quá, họ tổ chức cũng bài bản lắm. Tôi có thể bỡ ngỡ khi đem dự án đầu tay của mình dự thi các LHP ấy, nhưng ngay cả Lý An và một số đạo diễn tên tuổi khác cũng dự thi... chẳng lẽ họ cũng lơ ngơ như tôi? Tất nhiên, ở một số LHP, mặc dù Cha cõng con được giải thưởng phim xuất sắc nhất... nhưng tôi cũng lặng lẽ trở về, không thông tin cho truyền thông về giải thưởng, tôi cũng sẽ không bao giờ quay lại các LHP ấy vì thấy cách thức tổ chức của họ không ổn. Đúng là các LHP mà tôi tham dự đều có đóng phí để được tham gia nhưng đó không phải là “đóng tiền để có giải” hay mua giải để... có danh như mọi người nói. Việc đóng phí để tham gia các LHP quốc tế thể hiện trách nhiệm của những người tham gia. Ngay đến LHP tầm cỡ như Cannes thì vẫn phải đóng một khoản phí để được tham gia đấy thôi”.

Cũng theo đạo diễn Lương Đình Dũng, đi xa để có thêm sự hiểu biết, nên sau khi vác dự án đầu tay Cha cõng con đi hơn 20 LHP lớn, nhỏ anh đã tự thu nạp cho mình nhiều điều, ngộ ra nhiều điều để khẳng định: “Với Thành phố ngủ gật tôi chỉ chọn 15 phim có uy tín của quốc tế để tham gia, không gửi phim đến các LHP nhỏ, không tên tuổi nữa”.

Không phải ai cũng có được sự thật thà hồn nhiên như Lương Đình Dũng để thấy mình đi... rất xa mà vẫn thấy “loanh quanh” trước khi quay trở về với thị trường Việt. Cũng bởi thế mà nhiều dự án “nổ” ầm ầm trên mặt báo với các giải thưởng A, B “nhặt” được từ các LHP tít mùa xa nhưng lại chẳng được khán giả nước nhà mặn mà thừa nhận.

Điện ảnh là môn nghệ thuật “xài tiền”, hay nói cách khác là “cuộc chơi tốn tiền”. Muốn có phim hay phải hội được nhiều yếu tố, ngoài tài năng, tiền bạc cần thiết phải có một chiến lược đúng đắn. Chiến lược đúng sẽ sắp đặt đúng các tài năng ở vị trí “chốt hiểm” trong quy trình sản xuất phim; chiến lược đúng cũng sẽ biết điều tiết “rót tiền” vào những khâu nào và bao nhiêu thì đủ... Trong hai năm qua, điện ảnh Việt không có phim sản xuất bằng kinh phí của Nhà nước do vướng mắc về quy định liên quan đấu thầu. Tháo gỡ được vướng mắc này thì lại phát sinh nhiều vướng mắc khác khiến một số kịch bản dược duyệt chưa thể triển khai. Nhanh nhảu như dự án phim Thạch thảo được Nhà nước cấp 70% kinh phí, ra rạp rồi tiền vẫn ở đẩu đâu. Và bộ phim này cũng không thành công như Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh - một phim do hãng tư nhân sản xuất cũng được Nhà nước đầu tư 70% kinh phí. Tiền chưa đến tay, phim ra rạp rơi tõm vào im lặng, Thạch thảo lại khiến dư luận băn khoăn liệu khâu chọn kịch bản để đầu tư có “rộng tay“ quá hay không?

Nhìn vào thực trạng điện ảnh Việt, quay trở lại với câu hỏi: Phim Việt xuất ngoại được bao nhiêu ki lô mét thấy có chút cay cay nơi sống mũi. Tài năng có, kinh nghiệm có, công nghệ cũng đã cập nhật rồi... Cứ tự tin mà bước nhưng cũng phải biết tiết chế để biết mỗi bước đi của mình dài bao nhiêu xăng ti mét và chỗ mình đứng là đâu, rất có thể... phim Việt sẽ tiến xa hơn trong thời gian gần.

CHU THU HẰNG

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top