Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Chuyện về ngôi nhà Tổng thống Diệm hai lần mua không được

Thứ Hai 04/02/2019 | 08:00 GMT+7

VHO- Cũng không nhớ chính xác đến lần thứ mấy chúng tôi mới gặp được chủ nhân hiện tại của ngôi nhà cổ “triệu đô không bán” ở làng Lộc Yên (xã Tiên Cảnh, Tiên Phước, Quảng Nam).

Cớ sự để người viết phải lặn lội mong gặp kỳ được chủ nhân giải đáp cho sự thắc mắc là vì sao cả hai lần Ngô Đình Diệm ngỏ lời muốn mua bằng mọi giá ngôi nhà này nhưng gia chủ đều từ chối. Khi nghe câu hỏi ấy, ông Nguyễn Đình Hoan, chủ nhân đời thứ 5 của ngôi nhà cười rổn rảng. Tiếng cười hào sảng vang cả căn nhà cổ gần 200 năm tuổi vẫn còn đượm mùi gỗ mít rừng, vẫn giữ gần như nguyên vẹn kiến trúc, kết cấu, chi tiết từng hoa văn, thớ gỗ. “Cô cứ vào chơi, loanh quanh trong nhà, ra vườn, vào xóm thì sẽ biết, chứ tôi không thể diễn hết ý mà ông bà tôi để lại”, ông Hoan cười nói.

1. Con ngõ nhỏ dẫn lên ngôi nhà nằm lưng chừng đồi đã là một kết hợp ngẫu hứng nhưng đầy hoàn hảo của hai thiết kế “đặc sản” của vùng đất này. Một bên là bờ rào xếp bằng những phiến đá xanh hàng trăm năm tuổi rêu phong phủ kín, một bên là hàng chè tàu xanh tắp, mướt mịn. Cái cứng cáp của đá cùng với sự uyển chuyển nhẹ nhàng của hàng chè tàu xanh dẫn du khách đi vào ngôi nhà như lạc vào miền cổ tích.

Buổi sáng trong ngôi nhà cổ ở Lộc Yên thật yên tĩnh, tưởng như nghe rõ thanh âm của từng giọt sương tí tách trên mái ngói. Ông Hoan thong thả đi lại quét dọn từng góc cửa. Là thế hệ thứ 5 ở ngôi nhà này, ông Hoan bảo từ bé đến giờ ông luôn nhớ duy nhất một điều mà lúc còn sinh thời, ông nội ông, rồi đến ba ông luôn nhắc nhở phải trân quý chốn này. Có điều kiện thì có thể tu bổ lại tới lúc không giữ nổi thì nhà có thể đổ sập. Nhưng dứt khoát không được bán vì đó là linh hồn của gia đình, tựa như máu thịt ngấm vào hơi thở mỗi người.

Ngỏ lời với người bạn kiến trúc sư theo cùng để mong tìm được điều gì đặc biệt ở ngôi nhà này mà ông Diệm hai lần muốn mua và chủ nhân của nó lại từ chối, bạn bảo hãy nhìn vào những điều mà người ta thường dễ chú tâm nhất và cũng thường thấy rõ nhất khi bước chân đến một ngôi nhà. Ấy là phong thủy, là thiết kế của ngôi nhà để xem thử nó khác gì so với những ngôi nhà trong làng.

Ông Hoan kể, hồi ba ông là cụ Nguyễn Huỳnh Anh còn sống vẫn không nhớ chính xác căn nhà được dựng lên từ năm nào, chỉ biết là căn nhà này do cụ cố của ba ông là Bá hộ Nguyễn Đình Hoằng, dựng nên vào thời điểm đang giữ chức Cửu phẩm bá hộ, rồi để lại cho ông nội, cha ông Anh, tới ông Anh và đến giờ là ông Hoan. Ròng rã 3 năm trời, nhóm thợ làng mộc Vân Hà nổi tiếng của xứ Quảng Nam thiết kế, thi công tinh tế đến từng nét hoa văn, chạm trổ.

Ở Lộc Yên hiện còn khoảng 10 căn nhà cổ có kiến trúc tuyệt đẹp nhưng người làng ai cũng thừa nhận, phong thủy của ngôi nhà này thật sự độc đáo. Ngôi nhà nằm ở lưng chừng đồi, cao hơn so với những ngôi nhà khác trong làng khoảng 50m, quay mặt hướng nam đón gió theo “phương Vua”. Trước cửa nhà được che chắn bởi dãy núi Hòn Ngang, lưng nhà tựa vào núi Gò Tròn. Bước qua ngõ đá là Vũng Trâu Lội, nơi tụ thủy từ hai con suối nhỏ. Bao bọc ngoài nhà là những vườn cây trái, đồng ruộng xanh rì.

Ông Hồ Xuân Tịnh, nguyên Phó giám đốc Sở VHTTDL Quảng Nam nhận xét, trong số gần 10 ngôi nhà cổ ở Lộc Yên thì ngôi nhà này được công nhận di tích kiến trúc cấp tỉnh vì có giá trị về nhiều phương diện và cần được bảo tồn. Ngôi nhà cổ về cơ bản vẫn mang dáng dấp của nhà Việt truyền thống, nét riêng là bộ khung nhà phần lớn được làm bằng gỗ mít, loại gỗ sẵn có ở địa phương. Những hoa văn chạm trổ điêu luyện trên các cấu kiện gỗ, phần lớn được thực hiện bởi bàn tay tài hoa của những nghệ nhân làng mộc Vân Hà.

2. Nhiều nhà nghiên cứu cũng đã khẳng định ngôi nhà cổ nằm trong khuôn viên vườn hơn 4 ha này có giá trị kiến trúc “độc nhất vô nhị” vì kiểu thức nhà rường Quảng Nam 3 gian 2 chái đầu hồi, kết cấu nhà “tam đoạn” (kẻ chuyền) được làm từ hàng trăm mét khối lõi gỗ mít ròng. Kết cấu nhà gồm 36 cây cột chính, trong đó 8 cây cột nhất nguyên cây gỗ mít ròng, chu vi cột bằng một vòng tay người ôm. Ngoài ra có 16 cây cột nhì, 12 cây cột chái và vì kèo, xuyên, trính, đầu hồi...

Nhắc lại câu chuyện hai lần ông Ngô Đình Diệm hỏi mua ngôi nhà và đều bị từ chối, ông Hoan cười hỏi: “Rứa cô chú đã nghe ai vì ham tiền bạc, kể cả vì đói nghèo mà đi bán “linh hồn” của mình chưa? Ngôi nhà này từ hồi ba tui còn sống ông luôn căn dặn, bằng giá nào cũng phải giữ gìn ngôi nhà. Đây là bảo vật vô giá mà đời ông, đời cha đã từng đánh cược tính mạng của mình để bảo vệ. Và vì thế, ngôi nhà không chỉ là chốn nương náu của thể xác mà còn là “linh hồn”, nơi cất giữ không gian, kỉ niệm sống động của gia đình”.

Chúng tôi đi quanh làng, ghé nhà cụ Đồng Viết Mão, một người cùng làng, cùng thời với cụ Nguyễn Huỳnh Anh. Trong câu chuyện, chúng tôi chợt nhận ra rằng, những chủ nhân của các ngôi nhà cổ ở Lộc Yên đều là những nông dân thuần phác. Cụ Mão kể, cụ cố Hoằng bên nhà ông Nguyễn Đình Hoan xưa thuộc dạng đại phú gia. Nhưng khác với những người giàu có khác, ông không ham vinh danh phú quý mà chỉ bám đồng bám đất làm ăn như bao nhiêu người trong làng. Cụ cố có 5 người con trai, khi các con ra ở riêng, cụ cất cho mỗi người con một căn nhà cổ công phu không kém căn nhà đang ở. Chỉ tiếc, chiến tranh, bom đạn loạn lạc, giờ chỉ còn ngôi nhà ông Hoan đang sống và một phần ngôi nhà của người con trai út là còn giữ được nguyên vẹn nền móng, kiến trúc.

Con cái của cụ cố được học hành đến nơi đến chốn nhưng cũng không ra ứng cử thi thố làm quan chức mà chỉ ở làng làm ăn như cụ cố, cũng không ham vinh gia giàu có theo kiểu cò bay thẳng cánh. Tỷ như ông Anh, làu thông cả Hán văn lẫn quốc ngữ từ tấm bé, song suốt đời vẫn chọn làm một nông dân... Lân la theo lời kể, mới biết, ông Anh là cháu bên họ ngoại của cụ Huỳnh Thúc Kháng, đã từng có dịp gần gũi với cụ Huỳnh trong thời kỳ làm báo Tiếng Dân.

3. Ông Hoan giờ chỉ là một lão nông thuần phác. Vợ là giáo viên trường làng. Huyện Tiên Phước đang quy hoạch triển khai đề án du lịch sinh thái theo định hướng của tỉnh, ngôi nhà cổ này lại “lọt mắt xanh” của nhiều đại gia, nhưng ông Hoan vẫn bình tâm trước những lời ngỏ mua cũng bằng lý lẽ mà ông, cha đã gởi gắm lâu nay.

Và nghe cái cách ông Hoan nói nhẹ tênh về việc giữ ngôi nhà, rằng nếu đã bán vào tay người khác thì nó không còn là “linh hồn” của một gia đình nữa, mà chỉ là cái “xác nhà cổ” lâu năm. Ngôi nhà ấy, qua tháng năm dâu bể, không còn là ngôi nhà cổ có giá trị về kiến trúc, kết cấu kỹ thuật, trang trí hoa văn, mà đã mang trong mình bản sắc, tâm linh, bóng dáng của những chủ nhân làm nên hồn phách và in dấu trên từng ngóc ngách, phiến gỗ, bờ rêu của ngôi nhà ấy.

Năm 1939, ông Ngô Đình Diệm khi ấy còn là Thượng thư, vào thăm anh mình là Ngô Đình Khôi, Tổng đốc Nam Ngãi. Nghe tiếng ngôi nhà nên tìm đến hỏi mua với giá 1.500 đồng bạc Đông Dương. Ba ông Hoan đã từ chối rồi chỉ cho người trong đoàn câu đối treo trên cột: “Tổ đức càn khôn đại. Tôn công nhật nguyệt đường”. Lần thứ hai, khi đã làm Tổng thống (1960), ông Diệm lại một lần nữa nhờ người mai mối tìm mua lại căn nhà này. Chính quyền địa phương thời ấy cũng đôi ba lần gọi ba ông Hoan lên, o ép hù dọa cũng có, thậm chí ra giá trong vòng vài chục triệu bạc, thậm chí nếu muốn có thể cấp cho thêm mảnh đất ở tỉnh lỵ Tam Kỳ xưa. Nhưng cũng bị từ chối và vẫn với lý do thà chết còn hơn bán hương hỏa ông bà để lại.

 

KHÁNH CHI

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top