Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Sức mạnh mềm của doanh nghiệp Việt: Tự trọng và yêu nước

Thứ Năm 31/01/2019 | 10:31 GMT+7

VHO- Điều mạnh mẽ nhất có thể thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nhất loạt “khởi nghiệp” thành công là gì, nếu không phải là tình yêu nước và lòng tự trọng? Tự trọng và yêu nước thì không ai không có, nhưng đối với nhà kinh doanh Việt thì hai yếu tố này được xem như giá đỡ của tinh thần doanh nghiệp vững vàng trước bao nhiêu thử thách như “lửa thử vàng”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bấm nút phát động phong trào "Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam" Ảnh: QUANG HIẾU

Trải qua nhiều thập niên tiến hành đổi mới, nền kinh tế Việt Nam đã có nhiều khởi sắc, tiếp tục được dự báo sẽ tăng trưởng 6,5 - 7%, cao hơn mức trung bình của khu vực, năng động hội nhập và tích cực tham gia giải quyết những vấn đề toàn cầu.

Thế nhưng điều đó chưa cho phép chúng ta có tầm nhìn lạc quan mặc dù trên hành trình phát triển, Việt Nam luôn nhận được sự đồng hành của bè bạn là các nhà tài trợ và đầu tư nước ngoài. Có thể nói, nỗi lo lớn nhất của chúng ta hiện nay là nguy cơ tụt hậu, như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhận định tại Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam diễn ra hôm 5.12 vừa qua.

Nhìn thẳng vào thực tế ấy, chúng ta không khỏi chạnh lòng vì khoảng cách quá xa đối với bạn bè trong khu vực và năm châu. Khát vọng to lớn trong mỗi người dân Việt, trong từng doanh nghiệp vẫn chưa được đánh động đúng mức từ lòng tự trọng và tinh thần yêu nước của các doanh nghiệp Việt Nam, mà trong chừng mực được xem là sức mạnh mềm của chúng ta. Sức mạnh ấy cần được khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa cùng với những cải thiện về thể chế hướng tới tương lai.

Kinh tế tư nhân đang khởi sắc

Hiện nay chúng ta đã và đang chứng kiến sự vươn mình mạnh mẽ của khối kinh tế tư nhân với hàng trăm ngàn doanh nghiệp thuộc đủ mọi ngành nghề, chiếm gần 90% số doanh nghiệp của cả nước, đóng góp hơn 40% GDP. Theo dự báo của WB và MPI, khối kinh tế tư nhân của Việt Nam đến 2035 sẽ đóng góp 80% GDP của cả nước (gấp đôi hiện nay). Điều đó chứng tỏ cái mạch ngầm khát vọng làm giàu chính đáng của doanh nghiệp cũng như đại đa số người dân Việt Nam là rất lớn. Dân không giàu thì nước không mạnh - chân lý đó không bao giờ bị hoài nghi.

“Hệ điều hành” doanh nghiệp tư nhân đang khởi động chắc chắn còn nhiều lỗi, nhưng nó sẽ tự điều chỉnh bởi lòng tin, trí tuệ của cộng đồng doanh nghiệp Việt nói chung, từng doanh nhân Việt nói riêng đang kỳ vọng vào tương lai tươi sáng của đất nước.

Nói đến doanh nghiệp tư nhân, không thể không nhắc đến phong trào “Quốc gia khởi nghiệp”. Việt Nam hiện là quốc gia dẫn đầu thế giới về tinh thần khởi nghiệp, với Chỉ số Tinh thần Khởi nghiệp (AESI) là 84 điểm, cao nhất trong 44 quốc gia được khảo sát (đứng trên Ấn Độ và Trung Quốc ở vị trí thứ 2 và 3 với điểm số lần lượt là 81 và 80), theo Báo cáo Tinh thần Khởi nghiệp Toàn cầu năm 2018 do Tập đoàn Amway thực hiện.

Thế nhưng vẫn có một thực tế đáng buồn, mặc dầu nằm Top đầu trong 20 quốc gia có tinh thần khởi nghiệp cao của thế giới, nhưng chúng ta lại bị xếp Top cuối về sự thành công của các Công ty khởi nghiệp này!

Đây vốn là một hạn chế không chỉ riêng doanh nghiệp khởi nghiệp mắc phải mà cũng là lỗi chí mạng của phần lớn doanh nghiệp Việt Nam. Nguyên nhân thì nhiều, trong đó không thể không kể đến một yếu tố quan trọng - đó là sự thiếu vắng các chuẩn mực giá trị và sự nhạt nhòa của văn hóa kinh doanh, khiến doanh nghiệp dù lớn mạnh đến mức nào cũng chỉ là một hình thái không rõ ràng, không rõ bản thể lẫn bản sắc và dễ dàng bị lu mờ.

Vậy điều mạnh mẽ nhất có thể thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nhất loạt “khởi nghiệp” thành công là gì, nếu không phải là tình yêu nước và lòng tự trọng? Tự trọng và yêu nước thì không ai không có, nhưng đối với nhà kinh doanh Việt thì hai yếu tố này được xem như giá đỡ của tinh thần doanh nghiệp vững vàng trước bao nhiêu thử thách như “lửa thử vàng”.

Vinfast giới thiệu sản phẩm ô tô tại Paris đã làm rạo rực triệu trái tim người Việt

Động lực phát triển của doanh nghiệp

Trong tất cả các yếu tố hình thành nên văn hóa của doanh nghiệp, không thể thiếu đi lòng tự trọng.

Một doanh nghiệp thiếu tự trọng sẽ không bao giờ làm nên thương hiệu, uy tín và tên tuổi. Bởi thiếu tự trọng, họ sẽ không ngần ngại cho ra đời những sản phẩm kém chất lượng, vì cái lợi trước mắt mà quên đi những tác hại lâu dài, quên đi trách nhiệm của doanh nghiệp đối với đất nước, với xã hội và với môi trường.

Thiếu tự trọng, là bước khởi đầu của mặc cảm tự ti, luôn cho mình là “nhược tiểu” nên sẽ mãi quanh quẩn ở “ao làng” thay vì giương buồm ra “biển rộng”.

Và sản phẩm dù hữu hình hay vô hình xuất phát từ những nhận thức và quan điểm kinh doanh khép kín như thế sẽ không bao giờ tồn tại lâu dài hay có khả năng vươn cao, vươn xa, chinh phục người tiêu dùng trong nước lẫn đối tác bên ngoài.

Cũng cần xem tự trọng không chỉ là thuộc tính của doanh nghiệp mà còn là phẩm chất của doanh nhân, chủ đầu tư, các tổng giám đốc cũng như người quản lý cấp trung, các đội trưởng… nói chung là những người có trách nhiệm quản trị - điều hành các cấp ở doanh nghiệp, công ty. Họ phải làm gương, phải biết truyền đạt cảm hứng và tôn trọng nhân viên, phải tìm cách để đời sống người lao động ngày hôm nay tốt hơn hôm qua và ngày mai sẽ tốt hơn hôm nay.

Hơn mười năm trở lại đây, chúng ta đã chứng kiến sự vươn mình mạnh mẽ của nhiều doanh nghiệp Việt với các sản phẩm được người tiêu dùng đón nhận nồng nhiệt, điển hình như các thương hiệu lớn quen thuộc đã tăng trưởng bền vững qua nhiều năm như FPT, VinGroup, Vietnam Airlines, Viettel, Vietinbank, Vinamilk..., đang thể hiện sức khỏe qua giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Những doanh nghiệp này không chỉ đạt hiệu quả kinh doanh mà còn đóng góp tích cực cho nền kinh tế nước nhà, thể hiện tốt vai trò công dân doanh nghiệp. Và một khi họ tạo được vị thế vững chắc trong nước, thì đó là tiền đề thuận lợi để mở rộng thị trường trên qui mô toàn cầu. Cùng thời gian này, không ít ngành hàng của chúng ta cũng đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường các nước, như ngành sản xuất vật liệu xây dựng, công nghệ phần mềm hay ngành gỗ nội thất.

Các phong trào “Hàng Việt Nam chất lượng cao”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được khởi xướng từ nhiều năm trước, và mới đây nhất là “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam” cũng đang ngày càng phát huy tác dụng lan tỏa. Nhưng về lâu dài, các doanh nghiệp Việt phải đổi mới sáng tạo, làm ra các sản phẩm và dịch vụ đạt tiêu chuẩn toàn cầu, thì mới mong giữ được lòng trung thành của người tiêu dùng.

Chúng ta đã có bài học từ người Nhật chỉ dùng hàng điện tử do họ làm ra, người Hàn dùng ôtô hay điện thoại Samsung do chính họ sản xuất… dù là ở tại đất nước họ hay bất cứ nơi đâu trên thế giới.

Vậy thì người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, tại sao không? Câu trả lời sẽ là: Người Việt Nam chắc chắn sẽ dùng hàng Việt Nam không khác gì người Hàn hay người Nhật, người Mỹ dùng hàng do doanh nghiệp của họ sản xuất, một khi hàng “made in Vietnam” cũng tốt như hàng Nhật, Hàn, Mỹ…

Ngay cả ông tổ của Kinh tế học tự do người Anh Adam Smith (1723- 1790) cũng ca ngợi vai trò cá nhân trong việc đầu tư đồng vốn và lao động vì nền kinh tế nước nhà.

“Nhà doanh nghiệp thích đầu tư trong nước hơn đầu tư ra nước ngoài, cũng chỉ vì sự an toàn của chính mình, cũng như muốn làm cho nền công nghiệp nước nhà tạo ra nhiều giá trị nhất, đầu tiên vì túi tiền của chính mình, sau đó vì lợi ích xã hội. Như vậy, trong trường hợp này, cũng như nhiều trường hợp khác, nhà đầu tư đã được một bàn tay vô hình dẫn dắt nhằm đạt một “cứu cánh” nằm ngoài dự định của mỗi cá nhân” (Một nghiên cứu về Bản chất và Nguyên nhân của Tài sản quốc gia - Adam Smith, NXB University of Chicago Press,1976).

Cái “cứu cánh” nằm ngoài dự định của mỗi cá nhân mà nhà kinh tế học này đề cập đến chính là những tính “bản thiện” – trong đó có lòng tự trọng và tinh thần yêu nước – của mỗi con người. Lòng tự trọng và tinh thần yêu nước cũng tạo ra động lực cho sự phát triển của mỗi doanh nghiệp.

Tuy nhiên, bên cạnh không ít những doanh nghiệp không ngừng được tôn vinh, góp phần làm rạng danh cho dân tộc, cho đất nước, thì ngược lại cũng không thiếu những doanh nghiệp trở thành nạn nhân của “búa rìu” dư luận và thậm chí phải trả giá đắt chỉ vì lối làm ăn phi pháp như bất chấp pháp luật, gian lận thuế, không thực hiện đúng nghĩa vụ với người lao động, với cổ đông, sản xuất thực phẩm bẩn, hay thi công công trình kém chất lượng, cạnh tranh không lành mạnh

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, nhà nhà người người giong thuyền ra biển lớn, doanh nghiệp Việt Nam muốn hòa nhập mà không hòa tan thì trước hết phải biết tự trọng và phải luôn rèn luyện, phát huy lòng tự trọng (thậm chí là tự ái dân tộc), bắt nguồn từ tình yêu nước như một bản năng sinh tồn của giống nòi Lạc Việt.

Bản thân tôi cũng có lần trăn trở trước các cơ hội mới mời gọi: Mình nên sống ở một đất nước khác hay vẫn chọn cơn mưa quê nhà?

Cơn mưa quê nhà mà tôi thường chia sẻ với bạn bè, đó là nơi chốn thân thương của một dân tộc có tinh thần yêu nước nồng nàn, có nghĩa đồng bào gắn bó, với niềm tin rằng khó khăn nào rồi cũng sẽ vượt qua.

Người Việt Nam chúng ta không ai quay lưng trước nỗi đau dân tộc. Lịch sử ngàn năm chống giặc ngoại xâm từ thời Bà Trưng, Bà Triệu đến nay đã cho thấy bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ luôn là tiếng gọi thiêng liêng.

Cách mạng công nghiệp 4.0 hay bất cứ một nguồn lực nào cũng không sánh bằng sự gắn kết của toàn dân tộc bằng chất keo có tên “tình yêu nước và lòng tự trọng”, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh”. Đây chính là thời cơ cho doanh nghiệp và doanh nhân Việt tự tin chuẩn bị những bước đi vững chắc trong thời đại toàn cầu hóa đang có nhiều biến động thuận lợi cho chúng ta…

 

PHẠM PHÚ NGỌC TRAI

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top