Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Đang có một sự “đứt gãy” các giá trị gia đình truyền thống

Thứ Tư 30/01/2019 | 09:49 GMT+7

VHO- Trong nhiều năm gần đây, các hiện tượng vi phạm lối sống đạo đức ở Việt Nam ngày càng nghiêm trọng, không chỉ ở xã hội, trường học mà còn từ gia đình. Bức tranh ấy nói lên điều gì? Phải chăng giá trị văn hóa gia đình đang bị phai nhạt dần trong một xã hội bị kinh tế thị trường chi phối, các giá trị truyền thống đang bị xem nhẹ? 

Lễ nghĩa phải được học đầu đời Ảnh: TL

 Đi tìm nguyên nhân 
Tôi muốn kể lại vài câu chuyện. Những năm 1973, 1974, 1975, tôi được học tập và sinh sống tại Hà Nội, được tiếp xúc với nhiều gia đình Hà Nội. Có thể nói đó là những năm tháng cực kỳ khó khăn đối với người dân, cán bộ ở đây. Sau trận Điện Biên Phủ trên không cuối năm 1972, trong tình hình vừa phải khắc phục hậu quả chiến tranh vừa phải tăng cường sức người, sức của cho công cuộc giải phóng miền Nam, người dân Hà Nội, trong mắt tôi, vẫn lạc quan, yêu đời và thể hiện một phong cách sống rất đàng hoàng, rất Hà Nội. Những năm 1978-1980, có dịp ra Hà Nội học tập, công tác, tôi thấy người Hà Nội vẫn giữ được cốt cách thanh lịch ấy. 
Ở TP.HCM, trước năm 1975, tôi sống ở Sài Gòn trong một gia đình công chức hạng trung. Sáng ông chủ nhà đi làm bằng xe Vespa ở nhà máy dệt Khánh Hội và chỉ mình ông đi làm nuôi cả nhà với bà, mười người con, hai người cháu. Các con ông và cháu đều được đi học đàng hoàng và đều trưởng thành, tham gia hoạt động cách mạng. Buổi tối cả nhà quây quần quanh mâm cơm rất đầm ấm và trọng thị. Ông chủ nhà thường tranh thủ nhắc nhở các con, cháu việc học tập, sinh hoạt và ứng xử với hàng xóm, láng giềng cũng như bà con trong dòng họ. 
Thuở ấy, ở Sài Gòn, hệ thống báo chí vẫn đưa tin hằng ngày các vụ đâm chém, cướp giật dưới mục “Xe cán chó, chó cán xe” hay “Tình, tiền, tự tử”… nhưng đa số là các vụ đâm chém giang hồ, cướp giật chứ rất ít tin tức về anh em, cha mẹ, vợ chồng giết nhau hoặc học sinh đánh nhau. Trật tự lưu thông trên đường khá bảo đảm, ít có vụ va quẹt hoặc vượt đèn đỏ, giành đường, vượt tuyến, kỷ cương giao thông rất nghiêm! Trong bối cảnh chiến tranh, dân nhập cư từ các vùng về Sài Gòn rất nhiều nhưng ứng xử, theo tôi là khá lịch sự và nhẹ nhàng. Đó, phải chăng là do nề nếp gia đình, kể cả những gia đình rất nghèo? Giữ gìn truyền thống gia giáo của gia đình đã trở thành nếp nghĩ, tự trọng và danh dự. Đó chính là cách sống của người Sài Gòn, sẵn sàng đùm bọc, chở che và dung nạp tất cả! 
Kể những câu chuyện trên, tôi chỉ muốn chúng ta nhìn lại một chút về quá khứ để hiểu hơn hiện tại và có cách cư xử đúng mực. Ở đây, tôi không hề so sánh chế độ mà chỉ muốn chứng minh rằng, từ bản chất, hệ thống gia đình truyền thống Việt Nam từ xa xưa đã là tế bào cơ bản của xã hội, một xã hội thuần nông có phong hóa, có gia phong được truyền từ đời này sang đời khác. Vậy thì, chúng ta tìm hiểu xem chuyện gì đã và đang xảy ra trong đạo đức, lối sống ở các đô thị, đặc biệt là ở TP.HCM. 
Nguồn gốc những biến động giá trị ở Việt Nam nằm ở những thay đổi về bối cảnh, môi trường mà chúng ta đang sống. Đô thị hóa ồ ạt đã và đang tác động rất mạnh đến sự biến đổi của văn hóa nông thôn truyền thống, làm mất đi môi trường truyền thống của hệ giá trị văn hóa, dẫn đến sự gia tăng tệ nạn xã hội như trẻ em lang thang bụi đời, mại dâm, nghiện hút, trộm cướp, giết người… Bên cạnh sự thay đổi về bối cảnh không gian trong nước, các tác động từ kinh tế thị trường và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa… cũng đều tạo nên những thay đổi. Mặt khác, sự phát triển của kinh tế tri thức, của công nghệ thông tin chóng mặt khiến chúng ta chẳng những không tận dụng được các tiến bộ của truyền thông để nâng cao đạo đức và lối sống mà sẽ hứng chịu toàn bộ các tác động tiêu cực. Hiện nay, học sinh, sinh viên Việt Nam bị games online, bị clip sex, truyện khiêu dâm trên blog, các mạng xã hội độc hại cuốn hút rất nhiều bởi vì xã hội, nhà trường và phụ huynh không có đủ bản lĩnh văn hóa để điều tiết. 
Quá trình toàn cầu hóa cho thấy sự xung đột giữa con người địa phương mang theo văn hóa làng xã với con người “công dân toàn cầu”. Không chỉ lao động xuất khẩu của Việt Nam, mà cả khách du lịch đi với số lượng đông đến nước nào cũng sinh chuyện ở nước đó, làm mất thể diện người Việt Nam. Hiện nay dưới tác động của kinh tế thị trường và đặc biệt dưới tác động của bão táp truyền thông, có vẻ như là bản sắc văn hóa dân tộc độc đáo đang bị lung lay. Báo đài liên tục đưa tin về lối sống xa hoa, thu nhập kinh hoàng của các ngôi sao, các đại gia đã làm cho văn hóa trọng nghĩa hơn trọng tiền bạc trong giới trẻ bị phai nhạt nhanh chóng. Phim ảnh về các nhân vật anh hùng cá nhân, nhân vật vô chính phủ sống ngoài pháp luật được cổ xúy mạnh mẽ, gây nên chấn động tâm lý trong giới trẻ và làm hủy hoại sâu sắc truyền thống văn hóa cộng đồng, gia đình, làng xóm. Rồi lối sống tự do phương Tây, tận hưởng lạc thú, bất chấp nghĩa tình dẫn đến một thứ văn hóa vô cảm với gia đình, xã hội, vô cảm với cộng đồng. Ở đây, phải chăng đã có một sự đứt gãy các giá trị gia đình truyền thống gắn liền với văn hóa làng xã nông nghiệp cổ truyền Việt Nam? Chúng ta đã coi trọng giáo dục văn hóa sống, văn hóa đạo đức trong gia đình của các bậc cha mẹ đối với con cái chưa? 
Lễ nghĩa phải được học đầu đời 
Thực tế xưa nay đã từng chứng minh rằng chỉ có những người nào hấp thụ được một truyền thống giáo dục gia đình có quy củ, biết trân trọng gia lễ, gia phong mới có thể là những người biết trọng danh dự, chấp hành luật pháp, chu toàn trọng trách do xã hội giao phó. Chính vì thế, giáo dục gia đình phải được coi là môn học cần thiết, đem ra giảng dạy trong những lớp huấn luyện đặc biệt và gia lễ phải được nghiên cứu, triển khai cho thích hợp với nhu cầu xã hội trong thời đại mới. Ở gia đình Việt Nam, trong lĩnh vực giáo dục và xét từ góc độ văn hóa phát triển, có thể thấy các bậc cha mẹ lâu nay có thói quen rất xấu: Thói xấu thứ nhất là bao cấp, nghĩ thay cho con, nói thay cho con trong mọi việc. Thói xấu thứ hai là dựa dẫm, sinh ra thả nổi… 
Lễ nghĩa là căn bản của cách ăn ở của một người Việt Nam, phải được học vào đầu đời ngay trong gia đình. Theo truyền thống tập quán, những căn bản này phải được người lớn trong gia đình chỉ dạy cho con em ngay khi chúng mới biết ăn, biết nói, chứ không phải đợi chúng tới tuổi trường lớp mà giao phó trách nhiệm cho thầy cô giáo. Không có được nhận thức cơ bản và chín chắn này, nhiều gia đình cứ mãi sai lạc, đến nỗi buông xuôi, trẻ con khôn lớn nhanh chóng trong tình trạng thiếu giáo dục, thậm chí còn đến mức hư hỏng. Vấn đề này cần phải được những bậc cha mẹ ý thức, chấn chỉnh lại. 
Hãy tin vào sự bén rễ bền vững của văn hóa truyền thống 
Dẫu không muốn nói ra, nhưng đã và đang có rất nhiều người lo lắng về sự sa sút văn hóa và đạo đức của giới trẻ hôm nay một phần do mặt trái của kinh tế thị trường, của toàn cầu hóa và một phần không nhỏ do tác động của truyền thông. Có những người còn cho rằng không thể làm gì được trước sự gãy vỡ và xâm nhập của các hiện tượng phản văn hóa đang ngày càng thấm sâu chẳng những vào giới trẻ mà còn tấn công vào cả người lớn. Chưa bao giờ tình làng, nghĩa xóm, kỷ cương gia đình bị nhạt nhòa như bây giờ, chưa bao giờ sự gian dối, lừa đảo được công khai phơi bày như bây giờ, chưa bao giờ đồng tiền lại lũng đoạn mọi thứ như bây giờ. Và chưa có bao giờ truyền thông không kiểm soát lại chen vào khắp mọi ngõ ngách lối sống như hiện nay. Những sự lo lắng này là rất đáng trân trọng và quan tâm, rất đáng để định hướng cho xã hội tìm cách điều chỉnh, củng cố lại sức mạnh văn hóa cộng đồng. 
Nếu ta tin vào sự bén rễ bền vững của văn hóa truyền thống Việt Nam vẫn âm thầm chảy trong huyết quản con người Việt Nam, thì cái cơ chế tự bảo vệ của dòng chảy văn hóa này sẽ được giữ gìn và phát huy hơn lúc nào hết. Các giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam là những giá trị đã được xã hội ghi nhận và bảo lưu. Giá trị cốt lõi của gia đình Việt Nam nằm ở đạo đức, lối sống văn hóa của từng thành viên trong gia đình đối với nhau và đối với cộng đồng. Phát huy những giá trị ấy chính là làm giàu thêm bản sắc văn hóa Việt Nam trong quá trình xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam hiện nay. 

 Văn hóa phải là cái thắng, cái phanh, cái hãm của xã hội, văn hóa là sự bình tâm của xã hội, là phần lương tâm sâu xa bền vững nhất của nó, phần tự vấn thường xuyên của con người, của xã hội, của dân tộc. 

(Nhà văn NGUYÊN NGỌC)

 PGS.TS TRẦN VĂN ÁNH 

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top