Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

29 Tháng Ba 2024

Thủ tướng: Tất cả chúng ta phải có trách nhiệm làm cho môn Lịch sử trở nên hấp dẫn hơn

Chủ Nhật 20/01/2019 | 13:24 GMT+7

VHO-“Chúng ta phải có trách nhiệm làm cho môn Lịch sử trở nên hấp dẫn hơn, đó là điều đầu tiên phải làm và đây không phải là trách nhiệm đơn phương của ngành giáo dục, của Bộ GD&ĐT, đó là trách nhiệm của tất cả chúng ta…”. Đó là đề nghị của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhân tham quan Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam (Hà Nội) và dự triển lãm “Di sản Văn hóa và Sâm Ngọc Linh Kon Tum - Báu vật đại ngàn” được tổ chức tại đây vào sáng 20.1.

Thủ tướng thăm quan Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Ảnh: VGN

Đến tham quan và dự triển lãm còn có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam;  Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình; Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng; Lãnh đạo Bộ VHTTDL cùng đại diện lãnh đạo các Ban, bộ, ngành trung ương, địa phương và nhân dân Thủ đô.

Tham quan Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành có trách nhiệm làm cho môn Lịch sử trở nên hấp dẫn hơn

Bảo tàng Lịch sử quốc gia là nơi lưu trữ những giá trị văn hóa, lịch sử và cội nguồn thiêng liêng của cả dân tộc. Đây cũng là nơi bạn bè quốc tế, từ những vị nguyên thủ chính khách cấp cao cho tới những doanh nhân, nhà đầu tư, du khách quốc tế đến thăm để tìm hiểu về văn hóa, lịch sử, con người, về đất nước Việt Nam.

Thủ tướng bày tỏ, không có nơi nào đắc địa hơn Bảo tàng Lịch sử quốc gia để tổ chức Triển lãm về Sâm Ngọc Linh hôm nay, không có nơi nào đem lại cho chúng ta nhiều cảm xúc xen lẫn niềm tự hào thiêng liêng về cội nguồn văn hóa lịch sử dân tộc 4.000 năm văn hiến như tòa nhà bảo tàng quốc gia này, để trên nền đó, chúng ta tôn vinh 1 sản phẩm được gọi là quốc bảo như cây Sâm Ngọc Linh.

Thủ tướng đề nghị Bộ VHTTDL  cần chuyển biến mạnh mẽ hệ thống bảo tàng Việt Nam trong sự nghiệp phát huy giá trị của di sản văn hóa, quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, trực tiếp đóng góp vào du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

“Trên đường đến bảo tàng lịch sử quốc gia, tôi như đi ngược lại dòng lịch sử của dân tộc, cách đây không xa là địa danh đã ghi đậm dấu ấn chiến công của cha ông ta trước ngoại xâm, đó là Đông Bộ đầu với chiến tích còn lại là chùa Hòe Nhai, gần đây là những những chứng tích của người Pháp và ngay chính tòa nhà này mang đậm phong cách kiến trúc mỹ thuật Á Đông”, Thủ tướng chia sẻ. Chúng ta cần lưu ý rằng bảo tàng không chỉ là nơi lưu trữ những giá trị lịch sử, niềm tự hào dân tộc, là yếu tố làm nên vẻ đẹp, sức hấp dẫn, bản sắc của thành phố.

Chúng ta còn có một trăn trở, Thủ tướng bày tỏ: “Nhân đây tôi còn muốn trăn trở, muốn chia sẻ với đồng bào, đồng chí tại sao lịch sử chưa phải là môn học hấp dẫn đối với học sinh, sinh viên chúng ta. Nếu không thay đổi thực tế này thì làm sao chúng ta bồi dưỡng tinh thần, ý thức dân tộc và nếu không thay đổi được thực tế này thì chúng ta khó có thể động viên, lôi kéo những tài năng trẻ, những thanh niên ưu tú của Việt Nam trên khắp thế giới về đây cống hiến, phụng sự quốc gia”.

Chúng ta cần có ý thức tầm quan trọng của việc xây dựng sự kết nối giữa thế hệ hiện nay, thế hệ tương lai với cội nguồn, với lịch sử, với văn hiến và niềm tự hào của dân tộc chúng ta. Điều này cũng có ý nghĩa quan trọng đối với việc phát huy sức mạnh dân tộc trên tất cả mọi phương diện chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội.

 “Đó cũng là lý do tại sao đi cùng Thủ tướng hôm nay có lãnh đạo nhiều Bộ, ngành, thành phố Hà Nội, tỉnh Thái Bình, Quảng Nam, Kon Tum, Đắk Nông và nhiều đại biểu các ngành quan trọng có liên quan. Bởi lẽ muốn học sinh, sinh viên chúng ta yêu lịch sử, chúng ta phải có trách nhiệm làm cho môn Lịch sử trở nên hấp dẫn hơn, đó là điều đầu tiên phải làm và đây không phải là trách nhiệm đơn phương của ngành giáo dục, của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đó là trách nhiệm của tất cả chúng ta, của Bộ VHTTDL, Bộ Thông tin và Truyền thông, thành phố Hà Nội, của ngành điện ảnh và của chính Bảo tàng của chúng ta”.

Phát biểu tại buổi lễ khai mạc triển lã, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng đến Bảo tàng Lịch sử quốc gia khai mạc triển lãm “Di sản văn hóa, sâm Ngọc Linh Lom Tum – Báu vật giữa đại ngàn”; đánh giá cao ý tưởng, sự phối hợp của Bộ VHTTDL, UBND tỉnh Kom Tum trong việc đưa di sản văn hóa, sản vật của tỉnh trong đó có sâm Ngọc Linh ra trưng bày ở Thủ đô Hà Nội ngay vào những ngày đầu của năm mới 2019.

Thủ tướng tham quan triển lãm “Di sản Văn hóa và Sâm Ngọc Linh Kon Tum - Báu vật đại ngàn”

Thủ tướng cho rằng: Đây là hoạt động có ý nghĩa, bước đi quan trọng, kịp thời nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế, xã hội của Kon Tum. Đó là tập trung nguồn lực, phối hợp các cơ quan, bộ, ngành trong và ngoài nước để quảng bá, tuyên truyền, giới thiệu lịch sử, văn hóa, đặc biệt là cây sâm Ngọc Linh đến với người dân trong, ngoài nước, góp phần xây dựng thương hiệu du lịch, thu hút khách, phát triển kinh tế tỉnh cũng như khu vực miền Trung, Tây Nguyên…

Thủ tướng khẳng định: Kon Tum - Xứ sở của đại ngàn, vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa; có một vị trí địa - chính trị quan trọng của vùng đất cao nguyên năng động, giàu tiềm năng, một bộ phận cấu thành của Tây Nguyên và của Tổ quốc Việt Nam. Hiện nay, các dân tộc thiểu số của tỉnh Kon Tum vẫn gìn giữ được không gian văn hóa cồng chiêng, hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể; các loại hình nghệ thuật trình diễn cồng chiêng, múa xoang, diễn xướng sử thi, nhạc cụ, nghệ thuật dệt, đan lát rất tinh xảo, đặc biệt là các lễ hội nông nghiệp, văn hóa luật tục, văn hóa cư trú, nhà rông - nhà dài, văn hóa lễ hội, văn hóa ẩm thực, văn hóa trang phục, ngôn ngữ - chữ viết…; truyền nối cho các thế hệ. Việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của các dân tộc tỉnh Kon Tum là một nhiệm vụ quan trọng, cấp bách và lâu dài. Đảng và Nhà nước gửi gắm sứ mệnh gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị không gian văn hóa cồng chiêng cho cộng đồng các dân tộc ở Kon Tum và đồng bào Tây Nguyên…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: Triển lãm lần này là cơ hội tốt  nhằm giới thiệu văn hóa, di sản, tài liệu, hiện vật, đặc biệt là sâm Ngọc Linh để người dân trong và ngoài nước biết tới. Triển lãm cũng bước đầu thể hiện sự đổi mới của hoạt động bảo tàng với nội dung, hình thức sinh động, tạo được tính hấp dẫn, thu hút khách tham quan. Thủ tướng đề nghị Bộ VHTTDL  cần chuyển biến mạnh mẽ hệ thống bảo tàng Việt Nam trong sự nghiệp phát huy giá trị của di sản văn hóa, quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, trực tiếp đóng góp vào du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Thủ tướng đánh giá cao việc lựa chọn Bảo tàng Lịch sử quốc gia để tổ chức sự kiện này, bởi đây là nơi lưu trữ các giá trị văn hóa, lịch sử, cội nguồn của dân tộc, là nơi bạn bè quốc tế, nguyên thủ các quốc gia, doanh nhân, nhà đầu tư, du khách quốc tế đến thăm và tìm hiểu về văn hóa, con người, đất nước Việt Nam. Cũng như sâm Ngọc Linh là "quốc bảo" của dân tộc, tinh hoa mà trời đất đã ban tặng do đó cần phải gìn giữ, bảo tồn, phát triển quốc bảo này thành quốc kế dân sinh cho người dân, đất nước…

Triển lãm “Di sản văn hóa và sâm Ngọc Linh Kon Tum – Báu vật đại ngàn” diễn ra tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia từ ngày 20.1 đến hết năm 2019. Đây là lần đầu tiên có một triển lãm quy mô giới thiệu, quảng bá, tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc, con người, thiên nhiên, du lịch xứ sở đại ngàn - Kon Tum trong công cuộc hội nhập, phát triển. Đặc biệt, Ban tổ chức giới thiệu đến công chúng về cây sâm Ngọc Linh - báu vật của đại ngàn trong thảm thực vật núi Ngọc Linh - Kon Tum.

Tại cuộc triển lãm, Ban tổ chức giới thiệu đến công chúng 200 hiện vật bao gồm nông cụ lao động; dụng cụ săn bắn, đánh bắt; đồ dùng sinh hoạt gia đình; ghè (ché), nồi đồng; trang phục, trang sức; nhạc cụ; tài liệu khoa học... Ngoài ra còn có phần trình diễn nghề thủ công truyền thống như nghề làm gốm của người Ba Na; nghề nhuộm sợi, dệt vải dân tộc Xơ Đăng; đan lát; chế tác dụng cụ săn bắn, đánh bắt và chế tác nhạc cụ; nghề rèn. Bên cạnh đó là phần trình diễn các làn điệu dân ca, múa xoang, cồng chiêng, nhạc cụ truyền thống... Thông qua hoạt động triển lãm, trình diễn, tỉnh Kon Tum giới thiệu khái quát về văn hóa, thiên nhiên và sản phẩm du lịch đến đông đảo nhân dân cũng như du khách quốc tế.

THANH NGUYÊN-P.V

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top