Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Sân khấu kịch khoác áo mới cho “Chí Phèo”

Thứ Tư 16/01/2019 | 10:44 GMT+7

VHO- Trên tinh thần tôn trọng nguyên tác truyện ngắn Chí Phèo của nhà văn Nam Cao, đạo diễn, NSND Lê Hùng và các nghệ sĩ của Sân khấu Lệ Ngọc đã mạnh dạn đưa thêm một số chi tiết, tình huống mới mang hơi thở của đời sống đương đại: chuyện chơi golf, du lịch hay đưa ra tình tiết kết kịch nhân văn hơn...

 NSND Lệ Ngọc và nghệ sĩ Tạ Tuấn Minh trong vai Thị Nở và Chí Phèo

Nỗ lực khoác áo mới cho Chí Phèo trên sân khấu kịch đã được các nghệ sĩ sáng tạo thành công. Đằng sau cái vẻ xù xì, thô kệch, thân phận của những người nông dân ở xã hội cũ đã thực sự lay động lương tri của khán giả trong vở kịch Thị Nở và Chí Phèo.

Vẫn giữ nội dung xuyên suốt của tác phẩm văn học gốc kể về Chí Phèo là cậu bé bị bỏ rơi ở lò gạch, lớn lên làm canh điền cho nhà Bá Kiến. Vì lọt vào mắt xanh bà Ba, cậu bị Bá Kiến tống vào tù sau một lần bị bắt gặp bóp chân cho bà. Sau ở tù, Chí Phèo trở về thành tên du côn đâm thuê chém mướn, rạch mặt ăn vạ. Không minh họa truyện ngắn, đạo diễn, NSND Lê Hùng đã có những xử lý sân khấu rất riêng, rất độc đáo, chính điều này đã khiến Chí Phèo có thêm một sinh khí, một diện mạo rất mới. Đạo diễn chọn lối dựng khai thác các trò diễn, yếu tố và cách thể hiện của các loại hình sân khấu dân gian. Đơn cử như mô tả sự hoà hợp cảm xúc của hai nhân vật Chí Phèo và Thị Nở được thể hiện qua việc xử lý qua hai chiếc bình và các động tác múa vô cùng độc đáo tế nhị và dí dỏm. Việc xây dựng chi tiết Bá Kiến định đánh golf trên đầu đứa trẻ bị bỏ rơi ở lò gạch, đạo diễn đã thổi vào câu chuyện xưa màu sắc hiện đại và để từ đó làm bật ra thân phận “con sâu con kiến” của những Chí Phèo trong xã hội cũ. Ở phần cuối, kịch tưởng chừng có một cái kết mới khác với truyện ngắn, khi Chí Phèo và Thị Nở quyết tâm về chung một nhà, khi bát cháo hành của Thị Nở đã khiến Chí Phèo muốn trở thành con người lương thiện, đến nhà Bá Kiến ăn vạ đòi “làm người lương thiện” và kết liễu cuộc đời Bá Kiến và của chính mình. Vở kịch mở ra cái kết nhân văn hơn khi Thị Nở nuôi dưỡng đứa con của cô và Chí Phèo, sau khi bố đứa trẻ qua đời. “Nở sẽ không bỏ nó ở lại cái lò gạch cũ, để nó không phải như Chí”, câu nói của nhân vật cứ ám ảnh người xem.

Trong kịch, mối tình của Thị Nở và Chí Phèo đã làm bừng sáng trong cái bối cảnh không khí ngột ngạt của làng quê phong kiến xưa. Rất đặc biệt, NSND Lệ Ngọc ở độ tuổi nghỉ hưu đã cùng lúc thể hiện hai vai: Thị Nở và bà Ba, đóng cặp với Chí Phèo của nghệ sĩ Tạ Tuấn Minh, đáng tuổi con của bà. Cả hai đều diễn xuất rất nhịp nhàng và người xem không hề có suy nghĩ xem nhân vật ở độ tuổi nào hay hình thể của họ xấu xí ra sao mà họ xúc động, chua xót trước cái tình, cái chua xót của các nhân vật kịch. Trên sân khấu rõ nét một Thị Nở xấu tới độ “ma chê quỷ hờn” nhưng lại vô cùng tốt bụng, ấm áp. Câu nói ngây ngô của Thị Nở “Trăng ơi, bây giờ Nở đã có lứa có đôi rồi” của NSND Lệ Ngọc thật cảm động về khao khát hạnh phúc tưởng như bình thường nhưng lại vô cùng khó khăn với các nhân vật trong kịch. Trong vai bà Ba, NSND Lê Ngọc đã rất giỏi lấy nước mắt của khán giả khi đứng lặng với cặp mắt đẫm nước mắt ngước nhìn Chí Phèo với bao nỗi đau khổ, ân hận khi đã biến anh từ con người hiền lành, chất phác thành một kẻ ngang ngược, bê tha. Bi kịch của Chí Phèo là bi kịch bị tước đoạt quyền làm người, cuộc đời Chí quằn quại trong những cơn say rượu với những tiếng chửi, những màn rạch mặt ăn vạ… Vậy mà đứng trước một Thị Nở mang tiếng dở hơi, đứng trước bát cháo hành nóng, Chí Phèo của Tạ Tuấn Minh đã xúc động chảy nước mắt, biết yêu thương. Cảnh diễn Thị Nở chăm sóc Chí Phèo lúc ốm đau đã lấy được tình cảm của khán giả trước cái tình mộc mạc của hai con người ở dưới đáy xã hội.

Đạo diễn, NSND Lê Hùng chia sẻ: “Mục đích dựng kịch Thị Nở với Chí Phèo, sân khấu kịch Lệ Ngọc muốn hướng ra biểu diễn ở nước ngoài. Chính vì vậy, tôi muốn giới thiệu với khán giả quốc tế về một nhà văn tài năng của VN, và đất nước ta không thiếu những người xuất chúng tài giỏi đã tạo nên những nhân vật điển hình không thua kém gì quốc tế. Giống như Trung Quốc có AQ của Lỗ Tấn thì Việt Nam có Chí Phèo của Nam Cao. Vì vậy tôi đã khoe với khán giả những thủ pháp dàn dựng mang đậm chất Á Đông và những nghệ sĩ thật sự tài năng qua các nhân vật trong kịch”. Điều mà đạo diễn tâm đắc và gửi thông điệp đến khán giả đó là xã hội hôm nay rõ ràng vẫn tồn tại không ít “Chí Phèo” bởi những câu chuyện đang xảy ra hằng ngày như chuyện một đứa con “ăn vạ” người mẹ bằng cách đánh đập chính người đã sinh ra mình chỉ vì bà ấy làm xổng mất con chim trong lồng; anh em ruột thịt không ngại chửi bới, đâm chém lẫn nhau chỉ vì tranh chấp cái bờ rào…Yếu tố then chốt khi dàn dựng vở diễn với kịch bản chuyển thể từ một tác phẩm văn học kinh điển là phải nắm bắt được tư tưởng của tác phẩm, làm sống dậy tính thời sự; đồng điệu, đồng cảm với nguyên tác nhưng vẫn phải đảm bảo gần gũi với đời sống đương đại.

Bằng lòng đam mê, yêu nghề và khát khao công hiến sáng tạo nghệ thuật, NSND Lệ Ngọc đã cùng với một nhóm nghệ sĩ thành lập sân khấu Lệ Ngọc. Tuy mới nhưng chất lượng và thành công của các vở diễn mới được dàn dựng gần đây của sân khấu Lệ Ngọc như Ngũ Biến, Con gà trống, Đám cưới con gái chuột, Kim Tử đã được đồng nghiệp và khán giả ghi nhận, các vở diễn đều được tham gia nhiều liên hoan sân khấu quốc tế và giành những giải thưởng cao. Hoạt động không nhằm lợi nhuận mà chỉ muốn tạo một sân chơi nghệ thuật của những nghệ sĩ xã hội hóa đã giúp cho sân khấu Lệ Ngọc trở thành một điểm sáng về chất lượng nghệ thuật của sân khấu Thủ đô hiện nay. 

 NGUYÊN NGỌC

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top