Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Chương trình giáo dục phổ thông mới: Quá nhiều băn khoăn

Thứ Tư 16/01/2019 | 10:29 GMT+7

VHO-Bộ GD&ĐT chính thức công bố chương trình giáo dục phổ thông mới (chương trình), theo đó kế hoạch thực hiện Chương trình bắt đầu từ năm học 2020-2021 với lớp 1, từ năm học 2021- 2022 với lớp 6, từ năm học 2022- 2023 với lớp 10.

 

 Chương trình giáo dục phổ thông mới liệu có được như kỳ vọng? Ảnh: Đ.H

Tại các cuộc họp báo, hội nghị, tập huấn, lãnh đạo Bộ GD&ĐT tỏ ra khá lạc quan, tin tưởng vào ưu điểm và thành công của chương trình giáo dục phổ thông mới.

Tuy nhiên, nhiều cán bộ quản lý giáo dục và thầy cô giáo ở các cơ sở giáo dục lại có không ít băn khoăn, lo lắng về các điều kiện “cần” và “đủ” để thực hiện được chương trình giáo dục phổ thông mới lần này.

1. Thực tế, trước khi được công bố, chương trình đã được thí điểm tại 6 tỉnh, thành, nhiều nội dung trong chương trình mới vẫn bị phản ánh là quá tải, tăng áp lực và chưa phù hợp với độ tuổi học sinh. Thậm chí, trong chương trình mới có một số yêu cầu đặt ra còn cao hơn trình độ học sinh, một số bài thực nghiệm tương đối khó, một số bài vẫn nặng về kiến thức, dung lượng của một số bài chưa phù hợp với thời lượng dạy. Đơn cử như môn hóa học, ngay chương trình nguyên tử lớp 10 đã bê nguyên chương trình hóa học đại cương ở bậc đại học dẫn đến nặng nề so với chương trình cũ và cũng quá hàn lâm khi học sinh học xong nguyên tử cũng không biết sẽ ứng dụng thế nào vào cuộc sống.

2. Chất lượng, năng lực đội ngũ giáo viên, một trong những yếu tố quyết định nhất của đổi mới giáo dục lại trong tình trạng “vàng, thau lẫn lộn”. Nội dung, kiến thức, phương pháp cách thức dạy học mới, nhất là tích hợp liên môn… thì hiện có bao nhiêu phần trăm thầy cô giáo đáp ứng được yêu cầu mới ấy? Dạy học tích hợp theo các định hướng sau: Tích hợp nội môn: Tích hợp giữa các đơn vị kiến thức khác nhau trong cùng một môn học, tích hợp giữa yêu cầu trang bị kiến thức với việc rèn luyện kỹ năng. Tích hợp liên môn: Tích hợp kiến thức của các môn học, khoa học có liên quan với nhau. Việc triển khai các định hướng trên thì thách thức đáng kể nhất là dạy các môn học tích hợp khoa học tự nhiên, lịch sử, địa lý ở cấp trung học cơ sở. Trên thực tế, nhiều giáo viên vẫn băn khoăn với khái niệm thế nào là tích hợp liên môn. Đặc biệt ở bậc THCS, THPT, mỗi giáo viên đảm nhiệm một môn học và không dễ dạy tích hợp với môn học khác. Có thầy cô giáo lâu nay còn chưa thể tin vào chuyện “3 thầy 1 sách” và khẳng định giáo viên Vật lý không thể kiêm nhiệm Hóa học, Sinh học, hay giáo viên Lịch sử không thể dạy Địa lý.

3. Công tác bồi dưỡng, tập huấn, đào tạo lại phải thay đổi như thế nào? (từ phía người tổ chức, người hướng dẫn đến người học). Trong thời gian tới để thật sự chất lượng, hiệu quả, tránh tình trạng “điểm danh, ghi tên”, rất hình thức, chung chung, học xong chẳng áp dụng, thực hiện được cái gì cả.

4. Chương trình giáo dục phổ thông mới đã thay đổi về lượng và chất, vậy thì các trường sư phạm, đào tạo giáo viên có “cùng hội, cùng thuyền”, đi song hành hay không, hay các thầy, các trường đó vẫn dùng những giáo trình, cách thức đào tạo theo lối xưa cũ, lạc hậu? Đào tạo đơn môn lại bắt giáo viên ra trường dạy đa môn, dạy tích hợp liên môn… Trường sư phạm không đào tạo giáo viên dạy môn, hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp mà ở nhà trường phổ thông vẫn phải thực hiện môn, hoạt động ấy. Cứ lấy giáo viên môn khác làm kiêm nhiệm, được chăng hay chớ. Bộ GD&ĐT và các trường sư phạm đã thấy rõ bất cập này tồn tại hàng chục năm nay hay chưa? Và đã có biện pháp gì để khắc phục khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới?

5. Về việc đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị cho hoạt động giáo dục nhà trường cũng được chương trình giáo dục phổ thông mới đề cập đến. Nhưng với thực tế hiện nay, nhiều cơ sở giáo dục, địa phương về điều kiện trên là khó khả thi. Thiếu phòng học trầm trọng, lớp học quá đông học sinh. Trang thiết bị cũ kỹ, hư hỏng, thiếu nhiều, thầy và trò chủ yếu dạy chay - học chay. Ví dụ, để áp dụng Chương trình mới, điều kiện tối thiểu là học sinh tiểu học phải học 2 buổi/ngày hoặc tối thiểu 6 buổi/tuần, sĩ số theo chuẩn phải là 35 học sinh/lớp đối với cấp tiểu học và 45 học sinh/lớp với cấp trung học. Ngoài ra, lớp học phải đảm bảo điều kiện có thể kê được bàn ghế theo nhóm. Tuy nhiên, với điều kiện cơ sở vật chất hiện nay của nhiều trường trong cả nước, quy định này là một thách thức không nhỏ.

6. Trong chương trình mới, có những môn học tự chọn, học sinh có quyền chọn lựa một số môn học theo năng lực, sở trường của mình. Nhưng trong khi đó nhà trường giáo viên không đáp ứng được thì tính toán thế nào? Trong trường hợp, có môn học, học sinh chọn rất nhiều, song có môn học không có mấy, thậm chí không có em nào thì nhà trường sắp xếp ra sao để tránh lãng phí về nguồn lực? Các trường gần nhau thì dễ điều tiết. Còn các trường xa nhau (miền núi, hải đảo…) thì phải làm sao đây?

7. Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp (hoạt động giáo dục bắt buộc) bị xem là “rượu cũ, bình mới” từ hoạt động ngoài giờ lên lớp và hướng nghiệp trong chương trình hiện hành. Nó đang được thực hiện rất hình thức, hời hợt, kém hiệu quả trong nhiều cơ sở hiện nay. Vậy thì khi thực hiện chương trình mới, Bộ GD&ĐT có những biện pháp cụ thể nào để khắc phục những bất cập, hạn chế của hoạt động đó?

8. Thực tế, cấp trên luôn yêu cầu các cơ sở giáo dục đẩy mạnh việc đổi mới phương pháp dạy học, lấy học sinh làm trung tâm, phát triển năng lực người học, thay vì truyền thụ kiến thức một chiều. Nhưng đến lúc kiểm tra, thi cử lại nặng về thuộc nhớ, tái hiện, thông hiểu kiến thức nên người dạy học theo kiểu truyền thống thì học trò đạt điểm cao và đỗ nhiều, còn người dạy theo phương pháp tích cực thì học trò đạt điểm thấp và đỗ ít. Cùng với bệnh thành tích và áp đặt chỉ tiêu, có còn giáo viên nào dám tiếp tục theo đuổi đến cùng phương pháp dạy học tích cực nữa không? Đổi mới nội dung, phương pháp dạy học cần đi liền với đổi mới khâu kiểm tra, đánh giá ở nhà trường phổ thông. 

ĐỖ TẤN NGỌC Phó Hiệu trưởng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Sơn Tịnh, Quảng Ngãi)

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top